Đón chuyến tàu container quốc tế đầu tiên từ 8/5/2019, sau hơn một năm đi vào hoạt động, Cảng quốc tế Nghi Sơn đã chính thức tham gia thị trường logistics. Không chỉ khẳng định lợi thế về cảng nước sâu, vị trí thuận lợi trong khu kinh tế qui mô, Cảng quốc tế Nghi Sơn còn thu hút doanh nghiệp logistics bằng những dịch vụ, hạ tầng được đầu tư hiện đại, môi trường thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa…
Thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn (Cục Hải quan Thanh Hóa), tính đến cuối tháng 8/2020 số thu ngân sách thuế từ hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn đạt trên 7.200 tỉ đồng. Con số này mặc dù còn khiêm tốn nếu so với những cảng biển lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… tuy nhiên với một cảng còn mới như Nghi Sơn là đáng ghi nhận, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng hàng hoá qua Cảng quốc tế Nghi Sơn đạt 4,4 triệu tấn, tăng gấp đôi cùng kỳ và cao hơn tổng sản lượng hàng hoá qua cảng năm 2019.
Hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cảng quốc tế Nghi Sơn ngày một tăng |
Hàng xuất qua cảng chủ yếu là dăm gỗ, các sản phẩm đá, xi măng, clinker, hạt nhựa, chế phẩm lọc hóa dầu. Hàng nhập khẩu gồm dầu thô, nguyên phụ liệu lọc hóa dầu, máy móc thiết bị phục vụ xây dựng các dự án tại Khu kinh tế Nghi Sơn…
Hiện Cảng quốc tế Nghi sơn có 5 cầu cảng trên tổng chiều dài 1.247m, có khả năng tiếp nhận tàu chở hàng tổng hợp, gồm hàng rời, bách hoá, chất lỏng thông thường có tải trọng đến 70.000 DWT và tàu container có sức chở đến 3.500 TEU.. . Có thể nói, với sự quan tâm đầu tư, những năm gần đây, hệ thống cảng biển Nghi Sơn được cho là có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Với hạ tầng ngày càng hoàn thiện, lượng hàng hóa thông qua cảng ngày một phong phú…
Có được những kết quả bước đầu thời gian qua phải kể đến việc các doanh nghiệp cảng không ngừng đầu tư, xây dựng hạ tầng cảng biển Nghi Sơn hiện đại, có thể đón được các tàu hàng có tải trọng lớn của thế giới. Về các bến cảng tổng hợp, đến nay đã có 13 bến được đưa vào vận hành, trong đó có 8 bến khá hiện đại của Công ty CP Gang thép Nghi Sơn và Công ty Xi măng Long Sơn. Các bến cảng tổng hợp còn lại đang được các chủ đầu tư triển khai xây dựng và hoàn thiện. Riêng các bến chuyên dụng, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng tại vùng biển Nghi Sơn, góp phần đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng…
Cảng quốc tế Nghi Sơn có lợi thế cảng biển nước sâu |
Nói về phát huy lợi thế, thu hút hàng hóa qua cảng Nghi Sơn, ông Lê Hồng Phong – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn chia sẻ: Lợi thế cảng nước sâu hay những thế mạnh về vị trí địa lý, hạ tầng chỉ là một trong những điều kiện, tuy nhiên để thu hút doanh nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa, qua cảng còn cần tạo một môi trường, dịch vụ logictis thuận lợi … Cùng sự đẩy mạnh đầu tư, thu hút đầu tư hiện đại hóa hạ tầng, những cơ chế, chính sách cho xuất nhập khẩu hàng hóa thì vấn đề tạo môi trường cạnh tranh là hết sức quan trọng và đó chính là yếu tố con người, lực lượng thực thi, triển khai chính sách. Lực lượng hải quan với vai trò nòng cốt triển khai chính sách, thu thuế xuất nhập khẩu hàng hóa, thời gian qua Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn luôn đề cao thực hiện “Tuyên ngôn phục vụ khách hàng” với việc triển khai Luật Hải quan 2014 và hệ thống VNCCS/VCIS, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, chú trọng công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hải quan. Cùng với đó, Chi cục thành lập và duy trì tổ giải quyết vướng mắc có chức năng tiếp nhận và xử lý nhanh chóng, kịp thời những phản ánh, kiến nghị, vướng mắc của tổ chức, doanh nghiệp về thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.... qua đó mang lại hiệu quả rõ rệt và lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu như: giảm thời gian làm thủ tục hải quan, giảm thiểu giấy tờ trong hồ sơ thủ tục hải quan, tiết kiệm chi phí doanh nghiệp khi làm thủ tục hải quan; tăng tính minh bạch khi làm thủ tục hải quan.
Cũng theo ông Lê Hồng Phong, để phát huy những lợi thế của cảng thì ngoài nỗ lực của các ngành chức năng, địa phương về đầu tư hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi… cần có sự ủng hộ, sự điều chỉnh từ phía doanh nghiệp. Đặc biệt với những doanh nghiệp mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa với các đối tác nước ngoài, trong giao dịch, giao nhận hàng hóa cần đàm phán, thậm chí áp đặt cảng giao nhận thuận lợi, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hiện nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Thanh Hóa, Nghệ An hay một số tỉnh lân cận đã hướng khách hàng đến giao nhận hàng hóa tại cảng Nghi Sơn (FOB Nghi Sơn)…
Hạ tầng ngày một hoàn thiện hiện đại, môi trường thuận lợi, cạnh tranh… Cảng quốc tế Nghi Sơn đã, đang thu hút ngày một nhiều hơn doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, phát huy lợi thế, ghi dấu và dần khẳng đinh thương hiệu trên thị trường logistics.
Nguồn: Báo Công thương