Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) khu vực phía Nam đã tăng cường kiểm tra và chặt đứt nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái quy mô lớn, có tính chất chuyên nghiệp.
Triệt xóa nhiều đường dây, tụ điểm
Năm 2020, đại dịch Covid- 19 đã tác động tiêu cực đến mọi hoạt động của nền kinh tế, tuy nhiên đây cũng là thời cơ của tội phạm buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu gia tăng hoạt động. Tại địa bàn miền Nam, lực lượng QLTT được yêu cầu điều tra các đường dây buôn lậu hàng hóa qua biên giới Tây Nam, các kho hàng tại các thành phố lớn, địa điểm phân phối, các trung tâm kinh doanh hàng lậu, hàng giả… Qua đó, nhiều vụ án buôn lậu, kho chứa hàng lậu, trung tâm buôn bán hàng lậu, hàng giả đã được triệt xóa.
Tại các tỉnh biên giới Tây Nam, hàng lậu, hàng giả chủ yếu là thuốc lá, đường cát, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu bia và đặc biệt là trang thiết bị y tế chống dịch Covid-19 như: Khẩu trang, nước diệt khuẩn, găng tay, trang phục bảo hộ chống lây nhiễm dịch bệnh…
An Giang là địa bàn nóng về tình trạng buôn lậu thuốc lá, các mặt hàng trang thiết bị y tế và đường cát. Trong năm 2020, các lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện 1.380 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, tăng 36,2% so cùng kỳ. Riêng mặt hàng đường cát, đã bắt giữ hơn 500.000 kg, trong đó đã triệt xóa được một số đường dây buôn lậu chuyên nghiệp.
Đơn cử ngày 5/12, Cục QLTT và các cơ quan chức năng tỉnh An Giang kiểm tra cơ sở kinh doanh AA và Doanh nghiệp tư nhân Hòa Phát Tân Châu tại xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, phát hiện 100 tấn đường nhập lậu từ Campuchia. Trước đó, ngày 12/10, tại xã Quốc Thái, huyện An Phú, Cục QLTT và lực lượng 389 tỉnh An Giang đã bắt giữ một chiếc tàu vận chuyển 100 tấn đường cát nhập lậu từ Campuchia. Cơ quan chức năng phát hiện, đường dây này đã dùng bộ hồ sơ nhập khẩu đường hợp pháp “quay vòng” để hợp thức hóa hàng lậu.
Phát hiện hàng trăm tấn đường nhập lậu từ Campuchia |
Hay tại Long An, hàng hóa nhập lậu nổi cộm trong năm 2020 vẫn là thuốc lá, đường cát, đồ điện tử, điện lạnh cũ, mỹ phẩm, quần áo, giày dép… Chỉ tính riêng mặt hàng thuốc lá, Cục QLTT phối hợp với các cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 2,2 triệu gói, trong đó nhiều đường dây buôn lậu thuốc lá chuyên nghiệp và xuyên quốc gia đã được chặt đứt.
Ông Phạm Đức Chinh - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Long An - nhìn nhận, trong năm 2020, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế nhưng đồng thời kích hoạt hoạt động buôn lậu hàng hóa qua biên giới, nhất là mặt hàng thuốc lá. Theo ông Chinh, buôn lậu thuốc lá qua biên giới Tây Nam lâu nay đã hình thành nên những ổ nhóm buôn lậu chuyên nghiệp, cấu kết với nhiều đối tượng tại nhiều địa phương, kể cả ở nước ngoài.
Hàng hóa sau khi tuồn vào Việt Nam thường được đưa về các thành phố lớn tiêu thụ, trong đó TP. Hồ Chí Minh chiếm số nhiều. Ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh - cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT thành phố đã kiểm tra 3.419 vụ, phát hiện 2.582 vụ vi phạm. Trong đó, đã phát hiện 575 vụ kinh doanh, chứa trữ hàng nhập lậu; tạm giữ hơn 3,1 triệu đơn vị sản phẩm; 141.876 kg thực phẩm, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, khẩu trang, găng tay, quần áo… với tổng trị giá 75,3 tỷ đồng và hơn 14,5 tỷ đồng tiền phạt. Phát hiện 860 vụ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, tạm giữ hơn 1,4 triệu đơn vị sản phẩm. Hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ phát hiện 458 vụ; tạm giữ hơn 9,4 triệu đơn vị sản phẩm và 76.815 kg là thực phẩm, mỹ phẩm, đồ ngũ kim, đồ dùng trẻ em, thiết bị điện, khẩu trang…
Lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh kiểm tra và thu giữ nhiều mặt hàng lậu, giả nhãn hiệu |
Ngăn chặn hàng lậu từ đầu nguồn
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thực trạng buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại ở khu vực miền Nam vẫn diễn biến rất phức tạp; mức độ vi phạm tăng hay giảm phụ thuộc vào tần xuất kiểm tra, truy xét của lực lượng chức năng.
Ông Trương Văn Ba cho biết, tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, hiện các đối tượng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại đã chuyển từ hình thức mua bán công khai sang khai thác trên lĩnh vực thương mại điện tử, nhất là trên các giao dịch thương mại điện tử lớn có yếu tố đầu tư nước ngoài và các trang mạng xã hội phổ biến. “Việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm hành chính có liên quan đến hàng hóa hữu hình vốn đã rất phức tạp và khó khăn thì những vi phạm hành chính trong môi trường thương mại điện tử còn “tinh vi” và phức tạp hơn rất nhiều lần, đặc biệt là trong nhận biết và xác định đối tượng vi phạm để kiểm tra, xử ly” - ông Ba chia sẻ.
Để đẩy lùi hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, theo ông Trương Văn Ba, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của các địa phương; thanh tra chuyên ngành, quận, huyện trong việc tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là tổ chức điều tra sâu rộng những đường dây, ổ nhóm buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh hàng hóa trái phép chuyên nghiệp.
Ông Huỳnh Ngọc Hồ - Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh An Giang - đánh giá, dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sưu sắp đến, tình hình buôn lậu hàng hóa qua biên giới sẽ diễn biến phức tạp và xu hướng gia tăng. Theo đó, Cục QLTT An Giang tổ chức tiếp nhận và xử lý kịp thời các tin báo, phối hợp với các sở, ngành và địa phương nắm bắt tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả,... để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị ngăn chặn, đấu tranh, xử lý; tuyệt đối không để phát sinh điểm nóng phức tạp trên địa bàn.
Tại Long An, ông Phạm Đức Chinh cho hay, “từ nay đến Tết Nguyên đán 2021, lực lượng QLTT sẽ triển khai quyết liệt công tác kiểm tra để hạn chế mức thấp nhất lượng thuốc lá nhập lậu và tiêu thụ tại thị trường trong nước. Ngoài kiểm soát chặt các điểm nóng, lực lượng QLTT sẽ căn cứ vào các điều, khoản của Nghị định 98 để xử lý nghiêm cả các đối tượng buôn bán” - ông Chinh nhấn mạnh.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng các tỉnh phía Nam, nhiều vụ án buôn lậu, kho chứa hàng lậu, trung tâm buôn bán hàng lậu, hàng giả đã được triệt xóa. |
Nguồn: Báo Công thương