Bạn đang ở đây

Các thông điệp kinh tế đằng sau sự sụt giảm của đồng đôla Mỹ

31/08/2020 09:04:57

Đồng đôla Mỹ lao dốc khiến giới chuyên gia xôn xao. Đồng bạc xanh đã giảm 5% so với một năm trước so với rổ tiền tệ và giảm gần 10% kể từ giữa tháng 3 năm nay so với đồng euro.

Đồng đôla yếu hơn là tin tốt cho các nhà xuất khẩu nông sản của Mỹ. Nhưng đó có phải là một dấu hiệu xấu cho vị thế của nước Mỹ trên thế giới hay không? Những lý giải thông thường cho việc đồng tiền giảm giá là do kinh tế: tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm, thâm hụt thương mại hoặc lạm phát ngày càng trầm trọng. Khi đồng tiền lao dốc là đồng đôla, các chuyên gia chắc chắn sẽ tự hỏi liệu sự sụt giảm này có báo hiệu sự kết thúc của ảnh hưởng quốc tế của Mỹ hay ít nhất là của đồng đôla Mỹ hay không.

Thực tế trong thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều nhận định như “Mô hình kinh tế của Mỹ có thể đạt đỉnh. Sức mạnh của đồng đôla đi cùng với đó”, “Nghi ngờ về vai trò của đồng đôla như một loại tiền tệ dự trữ”, “Cái chết của các lý thuyết về đồng đôla lưu hành bất tận”. Những suy đoán này có thể sai nhưng không phải là không hợp lý. Mỹ đã là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới trong một thời gian dài nhưng sức mạnh của nước này đã có những dấu hiệu suy giảm kể từ những năm sau Thế chiến II, khi đã đạt đến đỉnh cao. Phần lớn sự suy giảm này là tương đối; phản ánh sức mạnh ngày càng tăng của các quốc gia khác - Đức, Nhật Bản và gần đây nhất là Trung Quốc. Một trong số đó là những vết thương do chính Mỹ gây ra, như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và phản ứng lúng túng đối với Covid-19.

Một quốc gia mạnh thường có đồng tiền mạnh. Tuy nhiên, sự suy yếu của đồng tiền không nhất thiết báo trước sự xói mòn vĩnh viễn ảnh hưởng quốc tế của một cường quốc. Sự suy yếu có thể mang tính chu kỳ, có nghĩa là tiền tệ sẽ quay vòng trong vài tháng hoặc vài năm. Nhưng khi quốc gia có thâm hụt thương mại lớn và thâm hụt ngân sách chính phủ trong nhiều thập kỷ, các chuyên gia đánh giá sự suy giảm quốc gia tiếp tục diễn ra. Ít nhất thì cũng tự hỏi làm thế nào mà một quốc gia luôn tiêu thụ nhiều hơn sản xuất, lại có thể có đồng tiền dự trữ của thế giới. Mỗi khi câu hỏi về điều này trong quá khứ, đồng đôla đã tăng trở lại. Lần này có tăng trở lại hay không? Đồng bạc xanh có thể tiếp tục là tiền tệ dự trữ của thế giới không? Các nhận định mới đây trên The Economist và Wall Street Journal cung cấp một số cách nhìn thú vị.

Theo Economist lập luận, mối đe dọa chính đối với tình trạng tiền tệ dự trữ của đồng đôla là việc chính quyền Tổng thống Trump từ bỏ mạng lưới liên minh và thể chế quốc tế mà Mỹ đã xây dựng trong bảy thập kỷ qua. The Economist trích dẫn nghiên cứu học thuật chỉ ra rằng ảnh hưởng địa chính trị của Mỹ là lý do chính cho vị thế của đồng đôla. Việc tái thiết thương mại toàn cầu do Mỹ dẫn đầu có thể đảm bảo sự thống trị của đồng đô la trong nhiều năm tới.

Thay vào đó, một thế giới đối đầu và xung đột hơn có thể dẫn đến sự kết thúc vị trí đặc quyền của đồng đôla - và nhiều thứ khác bên cạnh đó. Wall Street Journal cho thấy một lý do khác để nghĩ rằng đồng đôla có thể tiếp tục thống trị thế giới, đó là Cục Dự trữ liên bang Mỹ gần đây đã đảm nhận vai trò là chủ ngân hàng của thế giới trong phương sách cuối cùng.

Nhìn nhận lại cách Cục Dự trữ liên bang ngăn chặn hệ thống tài chính thế giới bắt đầu hồi đầu năm nay sau khi Covid-19 khiến các công ty và nhà đầu tư vào một cuộc “tìm tiền mặt”. Trong những tuần thị trường đáng sợ từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4, FED đã cho các đối tác nước ngoài vay nửa nghìn tỷ đôla. Wall Street Journal cho biết, cam kết lớn là một trong những cam kết quan trọng nhất - và ít được chú ý nhất của FED - về việc mở rộng quyền lực. Nó làm giảm bớt sự thiếu hụt đôla toàn cầu, giúp ngăn chặn tình trạng bán tháo sâu trên thị trường và tiếp tục hỗ trợ thị trường toàn cầu ngày nay. Nó đã thiết lập FED trở thành người bảo lãnh toàn cầu cho việc tài trợ bằng đồng đôla, củng cố vai trò của đồng tiền của Mỹ với tư cách là nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu. Ngân hàng Trung ương Anh cho biết khoản cho vay của FED có thể là phần quan trọng nhất của mạng lưới an toàn ổn định tài chính quốc tế mà ít người từng nghe đến.

Quốc hội Mỹ có thể thu hồi quyền cho vay ở nước ngoài của FED nếu họ không chấp thuận nhưng khi Chủ tịch FED Jerome Powell điều trần trước Quốc hội vào tháng 6 vừa qua, các nhà lập pháp đã không hỏi một câu nào về khoản tiền khổng lồ mà ngân hàng trung ương cung cấp cho người vay ở nước ngoài. Rủi ro đối với FED là tối thiểu; các khoản cho vay dành cho "các quốc gia đáng tin cậy nhất và các ngân hàng trung ương tiên tiến”.

Tuy nhiên, vẫn có những nhược điểm nhất định: Một là điều này yêu cầu FED độc lập phối hợp với các cơ quan chính trị về chính sách đối ngoại. Sẽ có những quốc gia mà Nhà Trắng không muốn FED cho vay. Một vấn đề khác là thế giới ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào đồng đôla. Khi biết rằng FED sẽ cung cấp đôla trong một cuộc khủng hoảng, những người ở nước ngoài sẽ bị cám dỗ nhiều hơn để vay bằng đôla Mỹ. Điều đó khiến họ gặp rủi ro ngoại hối và khiến họ dễ bị tổn thương bởi các quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ liên bang được đưa ra để hỗ trợ nền kinh tế trong nước của Mỹ, bất kể liệu chúng có phải là liều thuốc phù hợp cho các nền kinh tế nước ngoài hay không.

Nếu ảnh hưởng địa chính trị của Mỹ tiếp tục suy yếu, đồng đôla vào một thời điểm nào đó có thể được thay thế bằng đồng nhân dân tệ hoặc đồng euro hoặc một số loại tiền tệ khác. Nhưng hiện tại, bất chấp những nhược điểm tiềm ẩn và bất chấp sự sụt giảm giá trị gần đây, đồng đôla Mỹ sẽ tiếp tục là đồng tiền dự trữ của thế giới.

Nguồn: Báo Công thương