Đây là buổi làm việc đầu tiên của Chính phủ kể từ khi UBQLVNN được thành lập vào tháng 2/2018 và chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 9/2018.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có buổi làm việc đầu tiên với UBQLVNN tại doanh nghiệp sau 6 tháng hoạt động. |
Phát buổi tại buổi làm việc Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả hoạt động trong gần 6 tháng qua của Uỷ ban; đồng thời, nhận định, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động, công tác quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước.
Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, những khó khăn trước mắt vẫn còn rất nhiều trong tổ chức hoạt động và công tác quản lý, sử dụng hiệu quả vốn nhà nước. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và Uỷ ban xác định rõ những vướng mắc thời gian qua và yêu cầu đặt ra trong thời gian tới để nhanh chóng khắc phục, góp phần đưa kinh tế- xã hội bứt phá trên mọi lĩnh vực theo yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Theo Phó Thủ tướng, việc thành lập Uỷ ban có nhiều thuận lợi khi được đề cập tại Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII, Nghị quyết của Quốc hội giám sát tối cao về cổ phần hoá, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; cũng như các chương trình hành động của Chính phủ... lại có thêm Luật Quản lý Đầu tư Nhà nước, có Luật về Cổ phần hoá… Hơn thế, Ủy ban ra đời đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân là có cơ quan gánh vác để hoạt động kinh doanh vốn Nhà nước có hiệu quả, mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, vì suy cho cùng đồng vốn Nhà nước là của người dân.
Tuy nhiên, việc sửa đổi bổ sung luật còn nhiều vướng mắc chưa thể đồng bộ, tác động tới đầu tư công, đầu tư doanh nghiệp Nhà nước nên khó khăn là sẵn có và nảy sinh trong quá trình thực hiện. Phó Thủ tướng nêu rõ: “Kỳ vọng của người dân vào Uỷ ban rất lớn. Do đó đòi hỏi phải có sự chuyển biến lớn. Đòi hỏi nhiều thì thanh tra, giám sát hay phản biện xã hội sẽ càng nhiều”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Theo đó, Uỷ ban cũng cần phân tách chức năng với doanh nghiệp, vai trò Uỷ ban là thanh tra giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu; đồng thời, tổ chức, phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp.
Chia sẻ những khó khăn thực tại của Ủy ban, ông Nguyễn Hoàng Anh- Chủ tịch UBQLVN cho biết, hiện Uỷ ban đã có đủ 50 biên chế của năm 2018, cơ bản được tuyển dụng từ các bộ, ngành, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và một số rất ít từ các doanh nghiệp. “Trừ lãnh đạo Uỷ ban thì có 9 đơn vị, mỗi đơn vị chỉ có 7-8 người, có đơn vị có từ 3-4 người, lực lượng rất mỏng, đề nghị các doanh nghiệp, các bộ, ngành giới thiệu nhân sự chuyên môn sâu, đáp ứng các yêu cầu về thẩm định dự án đầu tư. Trong năm 2019, Uỷ ban đã thành lập hội đồng tuyển dụng và đề xuất biên chế lên Chính phủ, các bộ, ngành trong tháng 4 để Uỷ ban hoàn thiện bộ máy”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.
Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc khác đang gặp phải, như thẩm quyền trong quyết định chủ trương đầu tư, đầu tư công; quy định về quản lý sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông; sắp xếp lại nhà đất, xác định giá trị các tài sản vô hình của doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra, giám sát...
Phó Thủ tướng chỉ đạo, trước mắt, UBQLVNN cần tập trung xử lý 12 dự án, nhà máy thua lỗ của ngành Công Thương, phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc; trong đó, tập trung tái cơ cấu toàn diện về tài chính, nhân sự và đầu tư.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tích cực hợp tác cùng UBQLVNN để hoàn thành tốt mục tiêu chung là tổ chức, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Công thương