Không chỉ “tăng nhiệt” trên các tuyến từ đường bộ, hàng không quốc tế và đường biển, hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm qua môi trường internet diễn ra ngày càng nhiều với thủ đoạn tinh vi.
Triển khai Kế hoạch 399/KH-BCĐ389 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) của Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), từ ngày 1/11/2020, Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa phương đã đồng loạt ban hành kế hoạch hành động và thực hiện. Theo đó, thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã phối hợp với các địa phương phát hiện, thu giữ nhiều vụ buôn lậu với các đối tượng kinh doanh hàng nhái qua mạng.
Điển hình, Tổ công tác triển khai Kế hoạch 399/KH-BCĐ389 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia (Tổ công tác 399) phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) tiến hành rà soát việc chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT. Qua đó, phát hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Hà Nội có một nhóm đối tượng lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội (Facebook, Zalo…) để quảng bá hoạt động buôn bán các loại quần áo, giày dép, túi xách… có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng với số lượng lớn tại chuỗi cửa hàng “AE Shop Việt Nam” tại 3 tỉnh, thành phố này.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa vi phạm tại cửa hàng AE Shop Bắc Giang |
Cụ thể, tại Hải Dương, lực lượng chức năng đã thu giữ 1.800 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc; 1.650 đôi giày, quần áo, ví cầm tay... có dấu hiệu làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng, cùng gần 200 bộ quần áo. Tại cửa hàng AE Shop Bắc Giang, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã thu giữ khoảng 1.800 sản phẩm có dấu hiệu làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng. Tại AE Shop (địa chỉ tại Đông Anh, Hà Nội), lực lượng QLTT đã thu giữ khoảng 3.400 sản phẩm hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, trong đó chiếm số lượng lớn là hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng “Adidas”, “BUBERRRY”, “GUCCI”, “LOUIS VUITTON”, “Dior”, “VERSACE” như tại hai thành phố trên. Đáng nói, chủ chuỗi cửa hàng AE Shop không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và thừa nhận việc sử dụng trang Facebook cá nhân có tên “AE Shop” và Zalo để giới thiệu, bán hàng trực tuyến (online) các sản phẩm quần áo, giày dép, phụ kiện thời trang giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng…
Cùng với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới, không gian mạng và các hoạt động TMĐT ở Việt Nam đang từng bước hình thành, tăng trưởng mạnh mẽ, giữ vai trò ngày càng quan trọng trong phân phối hàng hóa. Đây cũng chính là cơ hội để nhiều vấn đề như hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ có cơ hội phát triển. Theo đó, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Chính phủ ban hành quy định, những trường hợp cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng với cá nhân vi phạm. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện, mức phạt tiền sẽ cao hơn.
Theo Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương), xác định chống gian lận trên môi trường internet là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm 2020, đơn vị đã thành lập một bộ phận đặc nhiệm chuyên trách, nắm bắt thông tin và những biện pháp nghiệp vụ, qua đó, lực lượng đã tấn công, xử lý một số đường dây, ổ nhóm quy mô lớn trên môi trường mạng, đặc biệt là mô hình kinh doanh mới như trên các mạng xã hội, kênh bán hàng đa kênh livestream. Nguồn: Báo Công thương |