Bạn đang ở đây

Bóng ma suy thoái đe dọa tự do thương mại

17/04/2020 09:31:15

Giống như năm 2008, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và Liên minh châu Âu đang tập trung vào “lỗ đen” suy thoái khi công nghiệp và thương mại toàn cầu lao dốc. Nhưng giờ đây, bánh xe thương mại tự do hay bài học từ cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 (đặc biệt là các chuỗi cung ứng gắn liền với Trung Quốc) là một lỗ hổng. Và, liệu các nền kinh tế lớn có chuyển hướng sản xuất? 

Tại Trung Quốc, xuất khẩu của nước này đã giảm 17% trong hai tháng đầu năm nay, và trong một dấu hiệu kịch tính của sự co lại trong sản xuất công nghiệp, vận tải, giá dầu thế giới đã giảm hơn 60% kể từ đầu năm. Trong 2 tuần đầu tiên của tháng 3, các chuyến hàng xuất khẩu của Đức, Pháp đến Mỹ đã giảm lần lượt 10,6% và 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

bong ma suy thoai de doa tu do thuong mai

Vòng xoay của thương mại tự do vẫn sẽ tiếp diễn

Đối mặt với quy mô sụt giảm đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier khẳng định, chính sách thương mại phải đóng vai trò chính trong việc thoát khỏi cuộc khủng hoảng, tránh căng thẳng và trở ngại cho thương mại thế giới. Trong ngắn hạn, Mỹ cũng hướng tới việc cung cấp cho các công ty một khoản cứu trợ 90 ngày với các khoản thanh toán thuế quan, nhưng đại diện thương mại Robert Lighthizer đang cho một cảm giác dài hạn hơn rằng toàn cầu hóa đã đi quá xa. Bài học trong cuộc khủng hoảng này, việc phụ thuộc quá nhiều vào quốc gia khác như nguồn cung cấp sản phẩm và vật tư y tế giá rẻ đã tạo ra một lỗ hổng chiến lược cho nền kinh tế.

Các hiệp hội công nghiệp lớn nhất thế giới, bao gồm BDI (Đức), MEDEF (Pháp) và FKI (Hàn Quốc) cho rằng, công thức phục hồi chắc chắn là thương mại nhiều hơn. Họ đang thúc giục các nhà hoạch định chính sách rút khỏi những hạn chế xuất khẩu và giảm thiểu sự gián đoạn đối với các chuỗi giá trị toàn cầu, kiềm chế các quy định mới và rào cản thương mại. Nhưng hầu hết biện pháp của các nhà hoạch định chính sách tương đối khiêm tốn và kỹ thuật. Italia là một trong những chính phủ đầu tiên ở châu Âu thực hiện trước một bước, với một nghị định nhằm giải quyết tác động kinh tế của dịch Covid-19, bao gồm: Tài trợ bổ sung để hỗ trợ "quốc tế hóa" các doanh nghiệp, tài trợ cho một chiến dịch truyền thông để thúc đẩy xuất khẩu và các sáng kiến ​​quảng cáo khác.

Về phần mình, Ủy ban châu Âu đang cố gắng thúc đẩy cho các nhà xuất khẩu EU bằng cách tăng cường bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Brussels đã thay đổi quy tắc hiện hành để cho phép các nước EU cung cấp bảo hiểm cho rủi ro tín dụng xuất khẩu ngắn hạn. Các phòng thương mại của Đức đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp để chính phủ cung cấp bảo hiểm cho ngoại thương. Pháp cũng tuyên bố sẽ bảo đảm thương mại quốc tế trên toàn thế giới, thay vì chỉ cho 17 quốc gia. Nhưng một lần nữa, các nhà hoạch định chính sách đang bị kéo theo hai hướng. Các quốc gia có thể đánh giá cao thương mại mở nhưng cũng có mối quan tâm chiến lược sâu sắc về xuất khẩu thiết bị y tế. Một báo cáo mới đây của Cơ quan Cảnh báo thương mại toàn cầu có trụ sở tại Thụy Sĩ cho thấy, 54 quốc gia đã áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với hàng hóa y tế kể từ đầu năm nay. Các bộ trưởng thương mại G20 đã tuyên bố sẽ giữ cho thị trường mở cửa, nhưng không dừng lại ở việc hứa sẽ không áp đặt các hạn chế xuất khẩu.

Tại châu Âu, cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 đã dồn nén căng thẳng vào chuỗi cung ứng nội bộ, với các kiểm tra biên giới mới gây ùn tắc giao thông cho xe tải. Ủy ban châu Âu đã phải kêu gọi các nước EU thực hiện cái gọi là làn đường xanh để cho phép vận chuyển hàng hóa và đang tìm cách giảm thiểu kiểm tra, giấy tờ cho công nhân vận tải. Ngay cả khi EU giải quyết những rắc rối đó trong khu vực thương mại chung, thị trường chung thì dịch Covid-19 đang đặt ra thách thức toàn cầu hơn. Italia xuất khẩu sẽ bị giảm 5,1% trong năm 2020, theo số liệu từ tổ chức vận động hành lang công nghiệp Italia Confindustria. Thông điệp đóng cửa đã dẫn đến sự cô lập của Italia bởi các đối tác công nghiệp và thương mại quan trọng, dẫn đến các kịch bản không thể đoán trước với thiệt hại khó định lượng.

Hiện tại, các chính trị gia cố gắng đánh giá mức độ chậm lại của thương mại sẽ tồi tệ như thế nào. Các tín hiệu từ hàng hóa hàng không toàn cầu rất kinh khủng. Tất cả các nước EU ngoài Ireland đều có lệnh cấm du lịch từ các nước thứ ba. Ngay cả khi ngành công nghiệp này được phục hồi và hoạt động trở lại vào cuối tháng 4, thế giới sẽ chứng kiến ​​sự sụt giảm 700 triệu hành khách đi qua các sân bay của châu Âu trong năm nay, giảm 28%. Điều quan trọng là máy bay chở khách cũng được chở đầy hàng hóa. Điều đó không có nghĩa là sự kết thúc của thương mại toàn cầu. Khoảng 80% khối lượng thương mại quốc tế hàng hóa vẫn được vận chuyển bằng đường biển. Để duy trì hoạt động thương mại hàng hải, Tổ chức vận chuyển hàng hóa quốc tế đã kêu gọi các chính phủ cho phép tiếp tục tiếp cận các cảng trên toàn thế giới. Cảng Rotterdam của Hà Lan là cảng lớn nhất ở châu Âu cho biết, trong vài tháng đầu năm nay, khối lượng của tất cả luồng hàng hóa sẽ tụt giảm đáng kể so với các dự đoán ban đầu. Bản thân nhà xuất khẩu đang dò dẫm trong bóng tối để biết cảm giác thế giới thương mại sau Covid-19 sẽ như thế nào.

Ngày nay, thương mại tự do vượt xa việc cắt giảm thuế. Việc loại bỏ rào cản thương mại phi thuế quan, như các quy định xã hội hoặc môi trường, đang được sử dụng để tạo ra một sân chơi bình đẳng kinh tế toàn cầu, củng cố các cấu trúc hiện có. Cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 đang cho thấy sự mong manh của các chuỗi cung ứng toàn cầu xuất phát từ nỗ lực của các nước mạnh nhất trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và đã được củng cố bởi các hiệp định thương mại và đầu tư toàn diện hơn bao giờ hết. Có thể có những thay đổi chọn lọc đối với khuôn khổ thương mại quốc tế, tuy nhiên sẽ nhằm mục đích bảo vệ hệ thống hiện có. Các công ty lớn bắt đầu lo lắng về chuỗi giá trị toàn cầu hóa có lợi nhuận bị gián đoạn hoặc về lâu dài thậm chí bị phá vỡ. Do đó, WTO đang kêu gọi quay trở lại kinh doanh càng sớm càng tốt, việc quay trở lại một hệ thống thương mại đã có những thất bại nhất định khi đối mặt với khủng hoảng, nhưng cần thiết.

Một phần nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của hệ thống thương mại toàn cầu là do đại dịch đang bộc lộ ra mức độ dễ bị tổn thương, sự cạnh tranh toàn cầu về hàng hóa, vốn, dịch vụ và lao động, hiện đang diễn ra so với trước khủng hoảng. Ngay cả trước khi xuất hiện dịch Covid-19, các thỏa thuận thương mại đã làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa các quốc gia và đẩy các quốc gia vào các cuộc chiến thương mại. Do đó, việc duy trì hiện trạng thương mại sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu, nhưng những nhà hoạch định chính sách và các chính trị gia biết rằng, nếu muốn mọi thứ được giữ nguyên như hiện tại thì mọi thứ sẽ phải thay đổi. Có thể chưa rõ chính xác điều gì sẽ thay đổi nhưng một số khía cạnh đã trở nên rõ ràng, từ việc tái định vị các dây chuyền sản xuất chính đến vai trò ngày càng tăng của sản xuất.

Vòng đàm phán về các hiệp định thương mại tự do đã bị hoãn lại trong thời gian này do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một phương thức điều hành mới cho các cuộc đàm phán quốc tế có thể phải được tìm thấy. Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 dự kiến được tổ chức vào tháng 6 đã bị hủy bỏ, nhưng các cuộc đàm phán của WTO về trợ cấp thủy sản vẫn đang tiếp tục cho đến nay, trong khi các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do EU - Mercosur vẫn là ưu tiên hàng đầu của Đức với tư cách là chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu. Điều này cho thấy, việc dừng các cuộc đàm phán trong lúc khủng hoảng không thể thay thế cho một chiến lược dài hạn, và vòng xoay của thương mại tự do vẫn sẽ tiếp diễn.

Nguồn: Báo Công thương