Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023.
Dự báo trước khó khăn để tiếp tục đạt các mục tiêu
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Năm 2022 là năm đặc biệt khó khăn với kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam song kinh tế của đất nước vẫn đạt kết quả ngoạn mục, tăng trưởng kinh tế vượt 8%, thu ngân sách vượt 21%, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, xuất nhập khẩu tiếp tục đạt kết quả ngoan mục tổng kim ngạch 725 tỷ USD. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại lên tới 11,2 tỷ USD.
Năm 2022, thương mại trong nước phát triển với tốc độ gần 20% cao hơn năm trước khi đại dịch diễn ra, gấp 2,5 lần so mục tiêu đặt ra (7,5-8%). Thương mại điện tử có bước nhảy vọt gần 21% đưa Việt Nam trở thành quốc gia tăng trưởng thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Tổng kim ngạch 732,5 tỷ USD đưa Việt Nam vào trong 20 quốc gia có thương mại quốc tế lớn nhất thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc |
Có được kết quả rất ấn tượng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trước hết là sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực của toàn đảng, toàn dân, toàn quân, doanh nghiệp, trong đó có sự nỗ lực của ngành Công Thương và hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
"Tuy nhiên chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, kết quả ấy không có nghĩa chúng ta đang trên đà chiến thắng, đặc biệt không có nghĩa chúng ta sẽ đạt và vượt trong năm 2023. Bởi chính trị và kinh tế thế giới hết sức phúc tạp rất khó đoán định, lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng ngày càng giảm, nguồn cung năng lượng, nguyên liệu đứt gãy ở nhiều châu lục. Nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam sẽ chịu nhiều ảnh hưởng"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Chủ động, sáng tạo, tập trung vào 5 giải pháp
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Sau hơn 2 năm đầy khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm 2022 về đích với con số kỷ lục 732.5 tỷ USD, tăng 9.5% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước.
Đóng góp vào thành tích đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,09 tỷ USD, tăng 6,5%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 276,76 tỷ USD, tăng 12,1%, chiếm 74,4%. Trong năm 2022 có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 08 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%)...
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại hội nghị |
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 đã nêu dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định, cạnh tranh chiến lược các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn, xung đột quân sự tại Ukraine còn có thể kéo dài, hậu quả đại dịch Covid-19 trên toàn cầu còn phải khắc phục nhiều năm, lạm phát tiếp tục ở mức cao, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin trên toàn cầu gia tăng. Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế.
Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.
Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Trước những khó khăn thách thức của kinh tế, thương mại trong nước và quốc tế năm 2023, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2023 phê duyệt 76 đề án xúc tiến thương mại, phát triển ngoại thương bao gồm tổ chức tham gia hội chợ triển lãm có uy tín tại nước ngoài, tổ chức đoàn giao thương tại nước ngoài và đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam mua hàng, các hội nghị quốc tế ngành hàng, thông tin thương mại, đào tạo nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu... Về thị trường, các hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp củng cố thị trường truyền thống, khai thác các cơ hội thì thị trường các nước FTA, tìm kiếm cơ hội thâm nhập nhiều hơn vào các khu vực thị trường mới như Trung Đông, Châu Phi, Mỹ Latinh...
Tham tán thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển Nguyễn Thị Hoàng Thuý phát biểu |
Nhận định những khó khăn thách thức, vì vậy trong năm 2023, Cục Xúc tiến thương mại đã báo cáo lãnh đạo Bộ tiếp tục phối hợp với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngòai đổi mới phương thức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động, sáng tạo hơn nữa, tập trung vào 5 định hướng cụ thể:
Theo đó, tiếp tục hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và doanh nghiêp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt khai thác các thị trường/khu vực hiện đang có FTA với Việt Nam. Song song, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trực tiếp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại khơi thông các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp chưa trực tiếp triển khai hoạt động xúc tiến thương mại được như các thị trường khu vực như châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ; Phối hợp với các cơ quan thương vụ và các đơn vị liên quan trong Bộ nhanh chóng xây dựng các chương trình hỗ trợ các BSO, TPO và doanh nghiệp nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu xanh để đáp ứng yêu cầu, thích nghi với xu hướng mới của các thị trường nhập khẩu trên toàn cầu vì thương mại xanh, tăng trưởng xanh ngày nay không còn là sự lựa chọn nữa mà đã trở thành xu thế tất yếu trên toàn thế giới.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại. Đặc biệt, tận dụng ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác cung cấp thông tin, tư vấn thị trường xuất khẩu và kết nối thị trường cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp;
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả Chương trình Thương hiệu quốc gia thông qua các hoạt động nâng cao năng lực xúc tiến thương mại gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu bền vững giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước thâm nhập sâu vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu;
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc thúc đẩy ký kết và triển khai các Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và đầu tư ngành Công Thương với các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại đối tác quốc tế.
Bám sát chính sách, tận dụng lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu
Tại Hội nghị, đại diện Thương vụ Việt Nam tại nhiều thị trường đã cập nhật thông tin chính sách thương mại mới, những thay đổi quan trọng trong các quy định về xuất nhập khẩu.
Tại thị trường Canada, bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada thông tin: Ngày 16/1/2023, Toà thương mại quốc tế Canada (CITT) đã khởi sự đánh giá hết hạn về kết luận điều tra vụ việc chống phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm khớp nối bằng đồng của Việt Nam xuất khẩu sang Canada. Ngay sau khi CITT đánh giá hết hạn, ngày 17/1/2023, Cơ quan dịch vụ biên giới Canada (CBSA) đã quyết định tiến hành điều tra lại để xác định có tiếp tục áp thuế chống phá giá/trợ cấp lên sản phẩm này của Việt Nam. Dự kiến CBSA sẽ có kết luận điều tra chậm nhất vào ngày 30/6/2023 và chuyển hồ sơ lên tòa án đề có phán quyết cuối cùng vào ngày 22/11/2023. Doanh nghiệp trong nước có liên quan cần theo dõi sát sao để có động thái phù hợp.
Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada |
Về thị trường Bỉ và EU, ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại tại Bỉ và EU cho hay: Ngày 27/1/2023, Uỷ ban châu Âu đã đăng công báo Quy định số (EU) 2023/174, ban hành ngày 26/01/2023, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.
Theo đó, đối với Việt Nam, các mặt hàng gia vị vốn bị kiểm soát ở mức 50% tại lần thông báo trước như rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây đã được đưa ra khỏi danh mục kiểm soát. Hiện tại chỉ còn ớt nằm trong danh mục kiếm soát tại cửa khẩu của EU với tần suất kiểm chất lượng là 50%. Tuy nhiên, đậu bắp đã bị chuyển từ phụ lục I sang phụ lục II với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam và tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU là 50%. Thanh long và mỳ tôm vẫn nằm trong phụ lục II với yêu cầu chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20%. Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ ngày đăng công báo.
“Năm 2023 thị trường EU được dự báo có nhiều thách thức, tuy nhiên theo lộ trình cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU. Năm nay nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang EU về được hưởng mức thứ 0%. Điều này là lợi thế cạnh tranh, cũng là động lực cho Việt Nam tăng xuất khẩu sang EU”, ông Trần Ngọc Quân nói.
Các đại biểu dự hội nghị lắng nghe báo cáo về công tác phát triển thị trường |
Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại UAE, hàng Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang UAE do nhu cầu tiêu dùng cao, sản xuất nội địa chưa đáp ứng. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng được khuyến cáo: UAE là thị trường cạnh tranh rất khốc liệt về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là giá cả, do đó doanh nghiệp cần có chiến lược tiếp cận phù hợp. Mặt khác, dân số của UAE phần lớn theo đạo hồi do vậy chứng nhận Hala cho mặt hàng lượng thực, thực phẩm là cần thiết; tem mác trên bao bì sản phẩm nên được dịch sang tiếng Ả- rập, ghi rõ và đầy đủ thông tin về sản phẩm…
Trước những thông tin mới được cập nhật, soi chiếu vào nhu cầu thực tế, đại diện Sở Công Thương Hải Dương, Đăk Lăk đề nghị Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường hỗ trợ kết nối giao thương, tổ chức các hoạt động XTTM giúp địa phương tiêu thụ, nhất là xuất khẩu hàng hoá thế mạnh của tỉnh.
Riêng đại diện Hiệp hội Gỗ Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất: Tháng 2/2023 Hiệp hội tổ chức Hội chợ Xuất khẩu Đồ gỗ và Nội thất TP.HCM – HawaExpo 2023, đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương có thư chào mừng hội chợ, tham dự khai mạc hội chợ nhằm động viên doanh nghiệp; Cục XTTM hỗ trợ một phần kinh phí cho hiệp hội tổ chức đón đoàn doanh nghiệp Canada và Mỹ và tăng cường quảng bá cho sự giúp giúp lan toả và thu hút thêm đối tác.
Đánh giá về vai trò của các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, hoạt động xúc tiến thương mại có vai trò hết sức quan trọng đóng góp rất lớn cho thành quả về mặt xuất nhập khẩu thời gian qua. Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng và các lãnh đạo Bộ hết sức quan tâm công tác này. Đồng thời, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá cao sự phối hợp các đơn vị, bộ ngành làm công tác xúc tiến thương mại, các địa phương, hiệp hội các doanh nghiệp, ngành hàng đã hết sức nỗ lực, sáng tạo đặc biệt trong đại dịch Covid-19. Nếu chúng ta không có sự sáng tạo, phối hợp đưa ra những biện pháp phù hợp thì chắc chắn kết quả xúc tiến thương mại, xuất khẩu không đạt được kết quả như những năm qua, minh chứng rõ ràng là năm 2022.
Thứ trưởng cho rằng, công tác này thời gian tới phải tiếp tục giữ được sự phối hợp. Đồng thời, thương vụ việt nam tại nước ngoài, hoạt động xúc tiến thương mại cần phải đổi mới đa dạng, phong phú đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực không chỉ là xúc tiến xuất khẩu mà còn cả nhập khẩu, không chỉ là hội chợ, triển lãm mà cần có nâng cao năng lực trình độ cho các doanh nghiệp, cung cấp thông tin, xúc tiến đầu tư ngành Công Thương, phá triển công nghiệp…
Đồng thời, Cục Xúc tiến thương mại cũng cần phải tiếp tục tổ chức nhiều hình thức triển khai giao ban một cách tốt nhất vừa tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả. Qua mỗi lần triển khai cần đánh giá các hoạt động, có báo cáo kết quả cụ thể. Công tác xúc tiến cũng cần dựa vào đề xuất phối hợp ngành hàng, hiệp hội, ví dụ như ngành dệt may, đưa ra các giải pháp tập trung để đạt hiệu quả cao nhất.
Thực hiện trọng tâm 6 nhiệm vụ để giữ vững thành quả, vươn tới đỉnh cao
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Năm 2022 là năm đặc biệt khó khăn đối với kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam bởi tính dị biệt của thị trường và khó lường của chính trị.
Với kinh tế Việt Nam, năm 2022 dù gặp nhiều khó khăn nhưng lại gặt hái được thành công với những kết quả nổi bật đó là tăng trưởng kinh tế là 8,02%, thu ngân sách vượt trên 20%. Những cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, chúng ta đạt mức tăng trưởng trên dưới 8 %, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 8,1% và đóng góp 2,1% cho tăng trưởng GDP của đất nước, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 732 tỷ đô la. Đây là năm thứ 7 liên tiếp liên tục xuất siêu với thặng dư là 11,2 tỷ đô la. Điểm đặc biệt trong tháng 1 của năm 2023, theo số liệu thống kê tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 46,5 tỷ đô la, trong đó xuất khẩu đạt là 25,08 tỷ đô và nhập khẩu đạt 21,47 tỷ đô, đây là tháng Việt Nam tiếp tục xuất siêu tới 3,6 tỷ đô, cao hơn nhiều so cùng kỳ năm 2022 (1,6 tỷ đô).
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đây là một tín hiệu vui nhưng cũng là dấu hiệu không thể xem thường. Vui bởi Việt Nam đã xuất siêu nhưng nguyên nhân lại do nhập khẩu bị giảm sâu vì nhu cầu về nguyên liệu thấp. Đồng thời, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tuy đạt 46,5 tỷ đô la nhưng lại giảm 25 % so với cùng kỳ vì tháng 1 có hai kỳ nghỉ Tết và thời gian làm việc chỉ có 1/3 so với thời gian làm việc của năm trước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận hội nghị |
Mặt khác, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vừa qua đều là sản phẩm các doanh nghiệp xuất khẩu còn tồn tại của năm kế hoạch 2022. Trong khi các nước, nhất là các nước có nền sản xuất, xuất khẩu như Trung Quốc và một số nước châu Á mở cửa muộn hơn, cho nên năng lực cung ứng ra thị trường chậm so với Việt Nam. Tất cả những điều này vừa là lợi thế nhưng cũng là thách thức đối với Việt Nam trong những tháng tiếp theo của năm 2023. Vì vậy, có thể nói kết quả được vừa qua là sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, trong đó phải khẳng định là có sự đóng góp rất quan trọng và tích cực của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công Thương, các cơ quan đại diện Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ trưởng cũng cho rằng năm 2023 sẽ còn thách thức gấp bội, bởi lẽ cạnh tranh chiến lược, xung đột chính trị và xung đột vũ trang ngày càng gay gắt, thị trường tiếp tục có những dị biệt… Thứ hai là cạnh tranh thương mại, đầu tư diễn biến phức tạp, thị trường ngày càng bị thu hẹp, tổng cầu sẽ giảm, năng lực sản sản xuất của Việt Nam lại đang bị lệ thuộc bởi nguồn nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu. Nguồn cung bị đứt gãy nguồn cung, nhất là nguồn cung về năng lượng bởi sản lượng dầu mỏ, khí đốt của Liên bang Nga sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng do tiếp tục phải hứng chịu lệnh trừng phạt châu Âu. Tổng cung của thế giới sẽ giảm, trong đó nguồn cung để phục vụ nhu cầu của các nước, trong đó có Việt Nam sẽ là thách thức rất lớn.
“Để vượt qua được những khó khăn, thách thức và tiếp tục tận dụng được thời cơ, phát huy được những thành tựu, kinh nghiệm mà Việt Nam đạt được trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2022, tôi đề nghị là các cơ quan chức năng của Bộ, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng như là các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn trước hết cần phải tổ chức nghiên cứu, quán triệt thật sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chiến lược, kế hoạch và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của năm 2023, từ đó có được những kế hoạch và có chương trình hành động một cách cụ thể, phù hợp” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Thứ nhất, trong mục tiêu phấn đấu của Đảng, Nhà nước, về tăng trưởng kinh tế của năm 2023 đạt từ 6,5% trở lên và trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thì cố gắng là đạt mức 6,5% trở lên. Vì vậy, chúng ta cần phải đưa ra những kịch bản, nhiệm vụ, giải pháp thật cụ thể cho từng lĩnh vực. Từ các cơ quan nghiên cứu tham mưu chính sách cho đến các cơ quan, tổ chức thực thi chính sách đều phải có tiếp cận. Đồng thời, phải thực hiện được phương châm là giữ vững những thị trường truyền thống nhưng phải phát triển được các thị trường mới, nhất là thị trường có những tiềm năng ở khu vực châu Á, nhất là Tây Á, Nam Á, châu Phi và Mỹ la tinh… Các thị trường như châu Âu và Mỹ đã có kinh nghiệm, địa bàn thì phải cố gắng duy trì và giữ vững.
Thứ hai, các cơ quan thương vụ phải tiếp tục chú trọng nắm bắt các chủ trương, chính sách mới của nước sở tại cả trong chính trị và kinh tế. Nhất là những rào cản mới mà các nước, các khu vực thị trường đang đặt ra, ví dụ như là những cái rào cản về kỹ thuật của Liên minh Châu Âu… để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cho lãnh đạo Bộ có những đối sách hợp lý nhằm kịp thời bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc, lợi ích của các doanh nghiệp.
Đồng thời chú ý phổ biến, lan tỏa chủ trương, chính sách cởi mở của Đảng và Nhà nước ta trong đầu tư và thu hút đầu tư, nhất là những ngành, lĩnh vực có tính chất nền tảng như: Công nghệ vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo, chế biến điện tử, hóa chất và năng lượng. Đây là những ngành mà Việt Nam đang khuyến khích để phát triển công nghiệp nền tảng để thúc đẩy nền xây dựng công nghiệp hóa đất nước.
Thứ ba, tiếp tục làm tốt công tác thu thập thông tin, kết nối thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Việt Nam và các châu lục, quốc gia, doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp trong nước điều chỉnh kịp thời những chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Các ý kiến của một số địa phương như Hải Dương, Đắc Lắk đã cho thấy Việt Nam có rất nhiều sản phẩm được làm ra nhưng sản phẩm ấy có được thị trường trong nước hay nước ngoài ưa chuộng hay không lại là một câu chuyện khác.
Kinh tế thị trường thì việc sản xuất ngay từ khi bắt tay vào sản xuất đều đã phải trả lời được câu hỏi một cách rõ ràng, làm cái gì để bán hàng đâu, cho ai, thậm chí với giá bao nhiêu. Đã đến lúc phải thay đổi phương thức, thay đổi từ quan điểm, chủ trương cho đến tổ chức sản xuất phải theo tín hiệu thị trường. Tất cả những sản phẩm làm ra đều phải có địa chỉ, đều phải đáp ứng được các cái tiêu chuẩn, tiêu chí và điều kiện của một thị trường nào đó chứ không phải sản xuất ra theo tập quán thói quen và hô hào cả hệ thống vào cuộc để giải cứu.
"Vì vậy, điều quan trọng nhất là các thương vụ phải tiếp tục thu thập thông tin, có những cái sự khuyến nghị đối với các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước và khuyến nghị đối với các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp để có những điều chỉnh phù hợp trong chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh. Từ đó, những doanh nghiệp hay vùng sản phẩm của các địa phương có ngành hàng lợi thế trong xuất khẩu thì đều phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện của một thị trường tổng thể. Đồng thời, chúng ta vừa phải giữ vững các thị trường, sản phẩm truyền thống nhưng cũng phải phát triển thị trường, sản phẩm mới, theo nhu cầu tiêu chí, điều kiện mà mỗi thị trường đặt ra”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Toàn cảnh hội nghị |
Thứ tư, bằng mọi cách phải duy trì, phát triển các thị trường truyền thống và các mặt hàng truyền thống. Đồng thời nỗ lực tối đa để phát triển thị trường mới mặt hàng mới, nhất là khu vực Tây Á, Nam Á, Châu Phi, Mỹ La tinh để hàng Việt Nam có thể vươn xa hơn, đáp ứng tốt hơn với nhu cầu của người tiêu dùng trên phạm vi toàn thế giới.
Đối với một số thị trường như Nga và các nước ở khu vực Đông Âu, đây là khu vực thị trường thời điểm hiện tại rất có tiềm năng để phát triển các ngành hàng. Việc phát triển các ngành hàng ở những thị trường này còn góp phần thông qua hoạt động giao lưu, kết nối về kinh tế và thương mại để củng cố các mối quan hệ về chiến lược giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Ở khu vực này, hàng hóa chú trọng vào những mặt hàng thiết yếu của cuộc đời sống người dân. Trong khi chiều về đó là nguồn cung về năng lượng, nguyên liệu và nhất là những nguyên liệu quý hiếm. Đây những địa bàn mà chúng ta hoàn toàn có thể khai thác được vì vậy các cơ quan Thương vụ và các cơ quan chức năng của Bộ lưu ý để tham mưu cho Bộ, tham mưu cho Chính phủ có được những quyết sách phù hợp.
Thứ năm là từ kinh nghiệm của các nước sở tại và những phát kiến mới của mình, các cán bộ thuộc cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục có những đề xuất đổi mới trong hoạch định và thực thi các chính sách mới, giúp Việt Nam có những bứt phá ngoạn mục trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong thời gian tới.
Thứ sáu, Bộ Công Thương yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ tăng cường phối hợp với các cơ quan Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ thực thi tốt hơn các chức trách, nhiệm vụ của mình, kể cả trong cái hoạt động mang tính nội dung và nghiệp vụ của các đơn vị. Vụ Đa biên, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi và châu Âu, châu Mỹ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu lãnh đạo Bộ có những đàm phán, ký kết những hiệp định, thỏa thuận thương mại mới.
Đồng thời hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng thuộc các Bộ, ngành có liên quan như là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiếp tục đàm phán mở rộng ngành hàng và đạt được những tiêu chuẩn, điều kiện đối với các thị trường để có thể phát triển mạnh hơn các mặt hàng, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản, kể cả những mặt hàng nguyên liệu hay là những mặt hàng đã qua chế biến để nâng giá trị xuất khẩu hàng Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ Công Thương trân trọng đề nghị các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và địa phương tăng cường cung cấp, trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ, không chỉ với các cơ quan chức năng của Bộ mà cả với các cơ quan thương vụ, các cán bộ đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài để có được những thông tin cần thiết cho việc hoạch định đường lối chiến lược và kế hoạch sản xuất.
"Năm 2023, Bộ Công Thương đã đề ra phương châm tiếp tục đổi mới để vươn tới đỉnh cao. Nếu như năm 2022, Bộ Công Thương đã đạt được những kết quả rất vang dội trong xuất nhập khẩu, thương mại điện tử… thì năm 2023 phải là một năm giữ được thành quả đó và đạt được tốc độ tăng trưởng ít nhất từ 6,5% trở lên theo chỉ tiêu mà Chính phủ đã đề ra" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Công Thương