Bạn đang ở đây

Bộ Công Thương tích cực, chủ động hướng dẫn doanh nghiệp thực thi các FTA thế hệ mới

30/06/2020 11:01:29

Nhằm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, sau 5 năm triển khai, Bộ Công Thương đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác tuyên truyền, cung cấp, phổ biến thông tin và các hướng dẫn thực thi cam kết trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế (ASEAN, WTO, APEC, ASEM...) và các hiệp định kinh tế-thương mại, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để nâng cao năng lực hội nhập cho doanh nghiệp, tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu, đầu tư, đặc biệt là về APEC, TPP, RCEP...  

Tích cực triển khai công tác tuyên truyền

Bộ Công Thương cho biết, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã là đối tác thương mại của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, nằm trong số ít quốc gia Đông Nam Á có độ mở kinh tế cao và có quan hệ thương mại tự do ưu đãi với thị trường gần 60 quốc gia, đối tác lớn, trong đó có 15/20 nước G20. Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán tổng cộng tới 16 các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó Việt Nam đã ký kết và thông qua 13 FTA (gồm 7 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN, 4 FTA ký kết với tư cách là một bên độc lập, FTA đa phương là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP và mới đây nhất  Quốc hội đã chính thức phê chuẩn FTA với Liên minh châu Âu ) và 03 FTA đang đàm phán.

Để nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập, đặc biệt là khai khác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ ngành, địa phương... tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao năng lực hội nhập cho doanh nghiệp, tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu và đầu tư, cũng như các giải pháp nhằm tận dụng những lợi thế đó.

bo cong thuong tich cuc chu do ng huong dan doanh nghiep thuc thi cac fta the he moi
Bộ Công Thương thường xuyên, tích cực triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, cam kết thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Cụ thể, Bộ Công Thương đã thường xuyên, tích cực triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, cam kết về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và các FTA khác mà ta đã tham gia cho doanh nghiệp, hiệp hội, viện trường, cơ quan nhà nước ở các địa phương trên cả nước để từ đó hỗ trợ các đối tượng liên quan tận dụng tối đa cơ hội do các FTA mang lại ở tất cả các cấp độ từ nâng cao nhận thức đến chuyên sâu theo hầu hết tất cả các kênh khác nhau.

Bộ Công Thương cũng đã thiết lập trang điện tử chuyên sâu về các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA...) để cung cấp thông tin, giải thích cam kết cũng như kết nối với người dân và doanh nghiệp về EVFTA. Đồng thời, Bộ đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về Hiệp định thông qua việc tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn chuyên sâu tại các tỉnh thành, vùng miền trên toàn lãnh thổ Việt Nam, tập trung tại các địa phương có các đơn vị được Bộ Công Thương ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) và nơi tập trung các khu công nghiệp lớn, có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu.

Đẩy mạnh khai thác thị trường xuất nhập khẩu

Bên cạnh việc tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan xây dựng các báo cáo về phát triển thị trường đối với một số thị trường xuất nhập khẩu trọng điểm để khai thác hiệu quả quá trình hội nhập như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN; và một số báo cáo chuyên đề theo ngành hàng (thủy sản, nông sản, gạo, trái cây, gỗ và sản phẩm gỗ); cập nhật các chính sách nhập khẩu, tình hình thị trường, nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; phát hành Bản tin thị trường các khu vực thị trường như: châu Phi, Tây Á, Nam Á hàng tháng (bằng tiếng Anh và tiếng Việt) gửi các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp hữu quan; đồng thời thường xuyên duy trì cập nhật, cung cấp tin, bài về thị trường trên các trang tin của Bộ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và các bên có liên quan; đưa vào vận hành hệ thống cổng thông tin điện tử về CPTPP và EVFTA để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, hiệp hội, cán bộ quản lý các cấp để phục vụ công tác...

bo cong thuong tich cuc chu do ng huong dan doanh nghiep thuc thi cac fta the he moi
Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mở rộng cửa cho các doanh nghiệp Việt có cơ hội "cất cánh" 

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành và doanh nghiệp tổ chức đoàn đưa doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như: tham dự các Hội chợ đối với các ngành hành như thủy sản, nông sản, dệt may, da giày... tại các quốc gia; phối hợp và triển khai các chương trình, đề án về phát triển thị trường như Đề xuất khẩu gạo sang khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á trong khuôn khổ Đề án chiến lược xuất khẩu gạo bền vững của Bộ Công Thương; thực hiện Đề án xuất khẩu rau, quả sang khu vực Trung Đông; Đẩy mạnh thực hiện Đề án đưa hàng Việt Nam trực tiếp vào hệ thống phân phối, hệ thống siêu thị một số nước trong khu vực...

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương đã tích cực, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy nước đối tác mở cửa thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam: thịt lợn, sữa, trái cây và một số sản phẩm nông sản vào Trung Quốc, Hàn Quốc; tôm vào Úc; gà đã qua chế biến vào Nhật Bản; trái cây tươi vào Đài Loan...

Đặc biệt, để chủ động trong việc bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước các áp lực cạnh tranh từ bên ngoài, theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành triển khai xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành một số Đề án như: Đề án về tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian gian lận quy tắc xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM); Đề án đẩy mạnh áp dụng hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực PVTM; Chương trình tổng thể về sử dụng các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của một số ngành công nghiệp Việt Nam...

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp và các bên liên quan tích cực theo dõi, nghiên cứu và điều tra tình hình nhập khẩu và diễn biến giá nhập khẩu đối với một số sản phẩm có khả năng gây cạnh tranh không lành mạnh đối với sản xuất trong nước và triển khai áp dụng biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm phân bón DAP và MAP, dầu thực vật, phôi thép và thép dài, bột ngọt, tôn mạ mầu và áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép nguội, thép hình chữ H và tôn mạ nhập khẩu vào Việt Nam từ một số thị trường châu Á .

Cho đến nay, qua theo dõi tất cả các biện pháp phòng vệ thương mại đã được áp dụng đều cho thấy nhập khẩu không còn gia tăng đột biến, không có tình trạng lợi dụng thuế để tăng giá đột biến; việc tăng trưởng nhập khẩu ồ ạt với những sản phẩm này đã giảm đi đáng kể, các doanh nghiệp trong nước đã bớt khó khăn và đang trên đà phục hồi, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất, công ăn việc làm của người lao động được cải thiện.

Trêm cơ sở đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp, tạo mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ở vùng nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, Bộ Công Thương đang tổ chức triển khai xây dựng Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025 từ ngân sách Trung ương và Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2030 và dự kiến trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020 .

Nguồn: Báo Công thương