Bạn đang ở đây

Bộ Công Thương: Khẩn trương triển khai loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo

16/04/2020 08:39:43

Trước thông tin nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp khó khăn về việc mở tờ khai xuất khẩu những ngày qua, ngay trong ngày 15/4, Bộ Công Thương đã có hàng loạt văn bản hỏa tốc gửi các Bộ ngành, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động xuất khẩu gạo.    

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo bức xúc vì không mở được tờ khai hải quan
Doanh nghiệp đồng tình với quyết định hạn ngạch xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương
Hướng đi nào cho xuất khẩu gạo?

Tháo gỡ khó khăn về tờ khai hải quan

Dù rất phấn khởi trước quyết định cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo của Chính phủ trong tháng 4, sau một thời gian gián đoạn, song rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo thuộc các tỉnh Long An, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang… cho biết, liên tục trong mấy ngày qua dù cố gắng nhưng không thể mở tờ khai xuất khẩu trong tháng 4 vì bất cập trong việc đăng ký tờ khai hải quan (đăng ký trực tuyến).

bo cong thuong khan truong trien khai loat giai phap thao go kho khan cho xuat khau gao
Đã có 400.000 tấn gạo được cấp phép xuất khẩu trong tháng 4/2020

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong những ngày qua, Bộ Công Thương nhận được nhiều văn bản của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phản ánh việc đăng ký tờ khai hải quan đã xuất hiện một số bất cập như: thương nhân không được thông báo về thời gian bắt đầu tiếp nhận tờ khai xuất khẩu nên không đăng ký được kịp thời, hoặc không tiếp cận được hệ thống (báo lỗi); cá biệt có trường hợp đã đăng ký được nhưng sau đó lại bị mất tờ khai trên hệ thống…

Nhận được phản ánh này, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu gạo, ngay trong ngày 15/4/2020, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc số 2683/BCT-XNK gửi Bộ Tài chính trao đổi về việc thực hiện hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4 năm 2020.

Theo đó, Bộ Công Thương đã chuyển Bộ Tài chính để xem xét, xử lý theo đúng chức năng, thẩm quyền được giao đối với phản ánh, kiến nghị của các thương nhân xuất khẩu gạo, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính công bố công khai danh sách các thương nhân đã đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4 năm 2020 đến thời điểm hiện nay để các thương nhân có thể nắm rõ hơn về quy trình triển khai nghiệp vụ hải quan và có thông tin chi tiết hơn về việc thực hiện tờ khai hải quan xuất khẩu. Hoạt động này sẽ có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh Bộ Công Thương đang xây dựng phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5/2020, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đã có văn bản số 374/XNK-NS ngày 15/4/2020 gửi các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để thông tin và trao đổi về vấn đề này

Đề xuất cho xuất khẩu gạo nếp

Tại buổi làm việc của Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam cùng một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo mới đây, nhiều ý kiến cho rằng nên loại trừ gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ ra khỏi diện tạm dừng xuất khẩu vì đây là các loại gạo không có nhiều ý nghĩa đối với mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực trong khi diện tích gieo trồng nếp ở một số tỉnh như An Giang, Long An là khá lớn.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn, Bộ Công Thương đã có các văn bản hỏa tốc số 2666/BCT-XNK ngày 15/4/2020 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và số 2681/BCT-XNK gửi Bộ Tài chính đề nghị cho ý kiến liên quan đến diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến (quy gạo) của gạo nếp tại từng tỉnh Long An và tỉnh An Giang theo từng vụ; lượng gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực quốc gia có bao gồm gạo nếp hay không; tác động, ảnh hưởng của gạo nếp được trồng tại tỉnh Long An và tỉnh An Giang đối với an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời đề xuất, kiến nghị đối với việc xuất khẩu gạo nếp trong thời gian tới.

Trước đó, UBND tỉnh Long An đã có kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ cho các doanh nghiệp xuất khẩu lại gạo nếp không giới hạn số lượng nhằm để giải quyết lượng gạo nếp tồn kho trong các doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp tiếp tục thu mua nếp của người dân với giá thu mua tốt hơn.

Theo UBND tỉnh Long An, tỉnh này có diện tích trồng nếp chiếm khoảng 30-32% diện tích của toàn tỉnh, riêng vụ đông xuân diện tích trồng nếp chiếm 65.000ha.

Đáng chú ý, về lương thực, người Việt chỉ có nhu cầu về về gạo tẻ, nhu cầu tiêu dùng gạo nếp rất ít. Các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo trên địa bàn đã ký chưa giao hàng từ đây đến cuối năm 2020 là 204,5 ngàn tấn gạo, trong đó thị trường Trung Quốc là 44,3 ngàn tấn (chủ yếu là nếp). Theo thống kê hiện nay các DN tồn kho nếp là gần 56 ngàn tấn.

Tương tự, tỉnh An Giang cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được ưu tiên xuất khẩu nếp và các loại giống lúa Japonia (hạt tròn). Hiện nông dân An Giang gieo sạ hàng năm hơn 115.000ha nếp, tương đương 747.500 tấn nếp chưa bóc vỏ và khoảng 10.000ha lúa hạt tròn với sản lượng 75.000 tấn/năm. Đến nay, lượng nếp tồn kho khoảng gần 152 ngàn tấn.

Theo tỉnh An Giang, mục tiêu sản xuất 2 sản phẩm trên chủ yếu để phục vụ xuất khẩu (không dành tiêu thụ trong nước).

Nguồn: Báo Công thương