Bạn đang ở đây

Bộ Công Thương đưa giải pháp tiết giảm, ưu tiên nguồn cung ôxy cho điều trị bệnh nhân Covid-19

06/01/2022 10:06:15

Chiều ngày 23/12, Cục Công nghiệp, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đã chủ trì buổi làm việc trực tuyển với các Sở Y tế, Sở Công Thương phía Nam về việc điều chỉnh nhu cầu sử dụng khí ôxy để ưu tiên ngành y tế.

Nguy cơ đứt gãy nguồn cung ôxy y tế

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung oxy cho bệnh nhân mắc Covid-19, UBND TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng điều phối, giảm khối lượng cung cấp cho sản xuất công nghiệp để đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới.

Tăng cuwongf nguồn cung
Tăng cường nguồn cung ôxy cho điều trị bệnh nhân Covid-19

Ngày 17/12, Bộ Y tế đã có Công văn số 10733/BYT- TB-CT gửi Bộ Công Thương nêu rõ, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc nói chung và tại một số tỉnh, thành phố đặc biệt là khu vực TP. Hồ Chí Minh và miền Tây Nam bộ đang diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng bùng phát, gia tăng mạnh, Bộ Y tế nhận được thông tin phản ánh của một số UBND, Sở Y tế trên địa |bàn (TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kiên Giang, Trà Vinh, Hậu Giang,...) và một số nhà cung ứng ôxy y tế lớn trong khu vực (Sovigaz, Oxy Đồng Nai, khu công nghiệp miền Nam...) cho thấy có nguy cơ cao xảy ra tình trạng thiếu hụt ôxy y tế trong thời gian tới tại các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Tại buổi làm việc, các địa phương đã cập nhật tình hình thu mua, sử dụng và dự báo nhu cầu khí ôxy trong thời gian tới.Theo đó, nhu cầu trung bình một ngày của các tỉnh phía Nam về khí ôxy phục vụ ngành y tế vào khoảng trên 400 tấn (trong đó, nhu cầu tại TP. Hồ Chí Minh là khoảng trên 100 tấn, các tỉnh khác mỗi tỉnh khoảng 50 tấn).

Tuy nhiên, các cơ sở y tế phía Nam hiện đang gặp khó khăn về nguồn cung ôxy so với giai đoạn trước đây. Trong thời kỳ đỉnh dịch vừa qua, do các nhà máy phải tạm dừng sản xuất, hoặc sản xuất cầm chừng, nên toàn bộ nguồn cung ôxy trên thị trường được huy động phục vụ cho ngành y tế. Hiện nay, các doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất, các nhà cung cấp khí cũng phải quay lại phục vụ nhu cầu khí công nghiệp của khách hàng theo hợp đồng đã ký kết trước đây, trong đó, ngành thép là ngành sử dụng lượng lớn khí công nghiệp từ các nhà cung cấp khí trong nước, dẫn đến nguồn cung khí trong nước cho ngành y tế bị thu hẹp lại. Các nhà sản xuất khí cho biết, công suất của cả nước đảm bảo đủ dùng cho nhu cầu trong nước cho cả ngành công nghiệp và y tế, tuy nhiên, do nhu cầu thay đổi tuỳ thời điểm và tuỳ địa phương nên có thể gây ra tình trạng thiếu cục bộ khí ôxy phục vụ công tác phòng chống dịch khi nhu cầu tăng đột ngột.

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế khẩn thiết đề nghị Bộ Công Thương trong phạm vi thẩm quyền quản lý có chỉ đạo đối với các nhà sản xuất khí tại Việt Nam, các nhà sản xuất công nghiệp, thực phẩm…, đặc biệt là các đơn vị sản xuất thép tại khu vực miền Nam, Tây Nam bộ vì mục đích nhân đạo. Đồng thời có giải pháp phù hợp để có thể tăng sản lượng khí ôxy y tế phục vụ công tác cứu chữa người bệnh Covid-19 rất nguy cấp tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Bên cạnh đó có phương án điều phối ngay ôxy y tế từ các các tỉnh miền Bắc, miền Trung còn dư thừa vào miền Nam, Tây Nam bộ để cứu chữa người bệnh Covid-19.

Bộ Công Thương đồng hành chia sẻ

Tại buổi làm việc, ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết, sau khi nhận được đề nghị của Bộ Y tế, Cục Công nghiệp đã có Công văn số 508/CN-KSLK gửi Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và một số doanh nghiệp ngành thép về việc điều chỉnh nhu cầu sử dụng khí ôxy ưu tiên phục vụ điều trị y tế. Cụ thể, Cục Công nghiệp đề nghị VSA và các doanh nghiệp điều chỉnh phù hợp nhu cầu sử dụng khí ôxy để ưu tiên nguồn cung phục vụ điều trị các bệnh nhân Covid-19 trong thời gian tới.

Cục Công nghiệp đã chủ trì buổi làm việc trực tuyển với các Sở Y tế, Sở Công Thương phía Nam
Cục Công nghiệp đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với các Sở Y tế, Sở Công Thương phía Nam về việc điều chỉnh nhu cầu sử dụng khí ôxy để ưu tiên ngành y tế

Trước yêu cầu của Bộ Công Thương, về phía VSA đã đề nghị các nhà sản xuất thép khu vực phía Nam khẩn trương xem xét khả năng cung cấp hoặc điều chỉnh nhu cầu sử dụng khí ôxy công nghiệp trong sản xuất thép để ưu tiên chuyển đổi cho ngành y tế. “VSA rất mong các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội tiếp tục hưởng ứng tham gia nhiệt tình để cùng chia sẻ những khó khăn của Chính phủ và ngành y tế đang phải gánh vác”- đề nghị của ngành thép nêu cụ thể.

Đại diện Công ty CP Thép Pomina chia sẻ, hiện nay công ty đang sử dụng nguồn ôxy khí của Công ty CP Nippon Sanso Việt Nam, chúng tôi thấu hiểu và thông cảm với thực trạng thiếu ôxy y tế tại thời điểm này. Hiện doanh nghiệp đang phối hợp với Công ty CP Nippon Sanso Việt Nam để giảm tải ưu tiên ôxy hóa lỏng cung ứng cho ngành y tế. “Về phía công ty sẽ tạo điều kiện chung tay chống dịch, sau buổi làm việc này chúng tôi sẽ bàn phương án cụ thể cùng đồng hành với ngành y tế chống dịch”- đại diện Công ty CP Nippon Sanso Việt Nam thông tin.

Bên cạnh đó, nhằm giảm áp lực nguồn cung trong dài hạn, Công ty CP khí Nippon Sanso mong muốn được đấu nối điện cho Nhà máy khí Long Sơn tại Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời gian sớm nhất để có thể nhanh chóng đưa nhà máy vào vận hành, đáp ứng nhu cầu thị trường về khí y tế để tạo động cơ, khuyến khích các cơ sở sản xuất khí tham gia phục vụ công tác phòng chống dịch; Công ty CP Thép Tân Thuận đề xuất được hưởng giá điện ưu đãi cho hoạt động sản xuất khí cung cấp miễn phí cho các cơ sở y tế trong thời gian nhất định.

Nhất trí với quan điểm của VSA và các doanh nghiệp ngành thép, ông Ngô Khải Hoàn bày tỏ, rất mong các doanh nghiệp chung tay để cùng thực hiện nhiệm vụ cấp bách của ngành y tế. Các doanh nghiệp sản xuất thép chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiết giảm nhu cầu sử dụng ôxy, cân đối hết sức dè sẻn, để có lượng ôxy tăng thêm hỗ trợ chống dịch hiệu quả. “Ngoài việc đảm bảo cung ứng ôxy cho sản xuất, Cục Công nghiệp cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất thép phối hợp với Hiệp hội Gas và các công ty sản xuất khí linh hoạt điều tiết sản lượng thực hiện các hợp đồng đã ký, tiết kiệm ôxy phục vụ chữa bệnh”- ông Ngô Khải Hoàn nêu cụ thể.

Liên quan đến việc doanh nghiệp khí gặp khó khăn về phương tiện và thời gian vận chuyển, Cục Công nghiệp cho biết sẽ tiếp tục giải đáp, xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế và các địa phương để tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển, lưu thông.

Góp ý tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng, Cục Công nghiệp nêu ý kiến, thực tế đã có Công ty CP thép Tân Thuận cung cấp ô xy miễn phí phục vụ chữa bệnh, qua đây mong muốn các doanh nghiệp thép điều tiết sản xuất để có lượng ôxy nhất định bổ sung cho ngành y tế, đặc biệt khu vực phía Nam. “Tại thời điểm này để có lượng ôxy cung ứng trong ngắn hạn không phải dễ, nhưng các cở sở y tế cần thống kê đầy đủ thiếu bao nhiêu để chúng tôi có thể tìm kênh và giải pháp điều tiết cung ứng cụ thể”- ông Nguyễn Ngọc Thành lưu ý.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Xuân Sinh - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương, đầu mối là Cục Hóa chất đã phối hợp với Cục Công nghiệp và các đơn vị nỗ lực cùng với các địa phương và Bộ Y tế trong các hoạt động sản xuất cung ứng ôxy phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Cụ thể, Cục Hóa chất đã rà soát các cơ sở sản xuất, cung ứng và các trang thiết bị có liên quan gửi Bộ Y tế tổng hợp, cập nhật trên phần mềm ôxy do Bộ Y tế xây dựng và vận hành, theo dõi thông tin trên phần mềm và hỗ trợ các địa phương khi cần thiết, kịp thời điều phối cân bằng cung cầu thị trường. “Đề nghị các địa phương tiếp tục kết nối, chia sẻ, chủ động truy cập tham khảo phần mềm ôxy để nắm bắt được hiện trạng phối hợp đảm bảo cung ứng hài hòa trong việc sử dụng, cung ứng ôxy ở mức cao nhất cho y tế”- ông Nguyễn Xuân Sinh nêu cụ thể.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Công điện 1792/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ; trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm nguồn cung ôxy cho điều trị người bị nhiễm Covid-19. Trong đó, yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giải pháp cụ thể để bảo đảm nguồn ôxy phục vụ công tác điều trị trong các tình huống. Trước mắt, chỉ đạo giải quyết ngay đối với địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đồng bằng dông Cửu Long.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan