Bạn đang ở đây

Bình Định: Hình thành cụm sản xuất nông - công nghiệp

12/08/2021 09:28:28

Đó là mục tiêu lớn mà khuyến công Bình Định hướng đến trong giai đoạn 2021-2025, nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho sản xuất công nghiệp và góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Theo đại diện Sở Công Thương Bình Định, trong 5 năm tới, khuyến công Bình Định còn gánh trên vai nhiều nhiệm vụ với kỳ vọng tạo bước phát triển đột phá cho công nghiệp nông thôn. Trong Chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt, ngành Công Thương Bình Định có nhiệm vụ thực hiện và phối hợp thực hiện 150 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí 22,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Nguồn kinh phí này thực hiện 7 nội dung, như: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế; nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường…

Bình Định: Hình thành cụm sản xuất nông - công nghiệp
Nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn được thụ hưởng chính sách khuyến công

Để thực hiện được những mục tiêu trên, ngành Công Thương đã tham mưu với UBND tỉnh đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, tỉnh lựa chọn đối tượng, ngành nghề hỗ trợ phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong các sản phẩm công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm làng nghề gắn với phát triển du lịch. Ưu tiên đề án khuyến công điểm, đề án khuyến công nhóm nhằm tập trung nguồn vốn và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành chủ lực của tỉnh...

Tỉnh huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy tối đa năng lực hiện có của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển công nghiệpy; nông thôn. Bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và phần đóng góp từ nguồn ngân sách huyện. Đồng thời, phát triển hoạt động khuyến công từ các nguồn kinh phí lồng ghép theo quy định. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch hỗ trợ, phát triển toàn diện sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, để ngày càng có nhiều hơn sản phẩm cấp khu vực và cấp quốc gia; tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập quốc tế vế kinh tế... từng bước hình thành và phát triển các “cụm sản xuất nông - công nghiệp ở nông thôn”.

Được biết, năm 2021, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh được phê duyệt 33 chương trình, đề án với tổng kinh phí 5,024 tỷ đồng. Hiện trung tâm đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương trước tháng 10/2021.

Giai đoạn 2016-2020, khuyến công Bình Định đã thực hiện 273 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí 21,912 tỷ đồng. Nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được khôi phục, số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển mạnh.

Nguồn: Báo Công thương