Bạn đang ở đây

Bến Tre: Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử xây dựng chuỗi giá trị nông sản

04/11/2020 08:59:18

Bến Tre đang đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản, đồng thời tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thông tin được ông Nguyễn Trúc Sơn – Phó Chủ tịch UBND Bến Tre - khẳng định trong Hội thảo Sơ kết Kế hoạch phát triển TMĐT Bến Tre giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch giai đoạn 2021-2025, diễn ra ngày 3/11 tại TP. Bến Tre.

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre chủ trì Hội thảo Sơ kết Kế hoạch phát triển TMĐT Bến Tre giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch giai đoạn 2021-2025

Nâng cao nhận thức về TMĐT

Trong giai đoạn 2016 - 2020, để tạo động lực phát triển TMĐT, Bến Tre đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TMĐT rộng khắp đến các đối tượng có liên quan trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Sở Công Thương Bến Tre đã tích cực phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Trung tâm phát triển TMĐT (Bộ Công Thương) triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về TMĐT cho cán bộ quản lý, cộng đồng DN…

Cụ thể, Sở Công Thương Bến Trê đã phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và các đơn vị có liên quan tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức về TMĐT, nhằm triển khai các văn bản pháp luật về TMĐT, các nội dung liên quan về TMĐT cho cán bộ quản lý sở, ngành tỉnh, huyện, các DN. Ngoài ra còn tổ chức cho các DN tham dự “Diễn đàn toàn cảnh TMĐT Việt Nam năm 2019”; tổ chức hội thảo “TMĐT - giải pháp tạo bứt phá cho các DN”, “Đưa TMĐT về nông thôn - Làng dừa Bến Tre online”…

Bên cạnh công tác đào tạo, tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng TMĐT, các hoạt động hỗ trợ DN thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Bến Tre ứng dụng các giải pháp TMĐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh. Theo đó, Sở Công Thương đã hỗ trợ 50 DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng website TMĐT; hỗ trợ trên 50 DN, cửa hàng bán lẻ ứng dụng phần mềm quản lý bán hàng thông minh; hỗ trợ các DN tham gia các sàn giao dịch điện tử: lazada, alibaba, amazon...

Đáng chú ý, Sở đã tích cực hỗ trợ các DN quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP, đặc sản Bến Tre trên các công cụ trực tuyến như: youtube, google; Xây dựng sàn giao dịch TMĐT Đặc sản Bến Tre; xây dựng bộ công cụ quảng bá thương hiệu trực tuyến sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre... Qua đó, từng bước tạo dựng môi trường, hệ sinh thái phát triển TMĐT cho các DN trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai, ứng dụng việc mua bán, trao đổi, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên môi trường mạng và thu được những kết quả nhất định từ việc thiết lập các website riêng, tham gia các sàn giao dịch TMĐT đến việc tạo lập các tài khoản trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber,...

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TMĐT, tỉnh Bến Tre cũng đã chú trọng phát triển hạ tầng TMĐT. Đặc biệt, mạng lưới viễn thông, internet đạt tốc độ phát triển nhanh, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo cung cấp các dịch vụ về viễn thông và internet chất lượng tốt với nhiều loại hình phong phú, đa dạng phục vụ khách hàng và các doanh nghiệp. Việc đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước, hành chính công và tại các doanh nghiệp ngày càng được quan tâm cùng với việc phát triển mạnh các thiết bị di động thông minh là nền tảng để pháp triển TMĐT trên địa bàn tỉnh.

Ông Châu Văn Bình - Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre – đánh giá, nhận thức của các DN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có bước chuyển biến khá rõ rệt, từ kinh doanh thương mại theo phương thức thương mại truyền thống thuần túy sang kết hợp với phương thức kinh doanh TMĐT, góp phần giảm chi phí, tăng doanh thu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của DN trên thị trường trong và ngoài nước.

Gần 400 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tham dự hội thảo

Đẩy mạnh ứng dụng TMĐT xây dựng chuỗi giá trị nông sản

Tại hội thảo, các diễn giả đến từ các cơ quan quản lý, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM)… thông tin về định hướng phát triển TMĐT của Việt Nam trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã được Chính phủ phê duyệt; các hoạt động đồng hành của VECOM cùng Sở Công Thương Bến Tre nhằm phát triển TMĐT trong thời gian tới. Các DN tại hội thảo cũng chia sẻ về những kinh nghiệm, khó khăn và thuận lợi trong phát triển TMĐT.

Các nhà quản lý, chuyên gia tại hội thảo đều nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong thời gian qua cũng còn nhiều mặt hạn chế, so với xu thế phát triển chung của cả nước. Trong đó, hoạt động TMĐT phát triển chưa cao,việc triển khai và ứng dụng TMĐT của DN cũng như của người dân vẫn còn nhiều hạn chế, sự sẵn sàng của các DN khi tham gia vào các hoạt động TMĐT, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên môi trường mạng chưa cao…

Để tạo động lực phát triển TMĐT của Bến Tre, tại hội thảo các chuyên gia trình bày các giải pháp TMĐT hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT... Đồng thời, giới thiệu các giải pháp ứng dụng TMĐT hiệu quả cho DN Bến Tre và có những đề xuất, kiến nghị về kế hoạch phát triển TMĐT Bến Tre giai đoạn 2021– 2025.

Dịp này, Sở Công Thương đã công bố sàn TMĐT “Đặc sản Bến Tre”. Đồng thời, giới thiệu sàn TMĐT Tiki và ký kết hợp tác gữa Sở Công Thương Bến Tre và VECOM, giữa Tiki và Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công Thương.

Theo Phó Chủ tịch UBND Bến Tre, thời gian qua TMĐT trở thành một giải pháp hữu hiệu, không chỉ giúp DN vừa và nhỏ, đặc biệt là DN khởi nghiệp vượt qua đại dịch, mà còn tạo tiền đề giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận khách hàng và hội nhập quốc tế hiệu quả hơn. Hiện nay, tỉnh đang triển khai xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực để đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản.

Bên Tre sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích của TMĐT đến cộng đồng DN và người dân, nhất là các DN, hợp tác xã và hộ nông dân trực tiếp sản xuất, chế biến, phân phối nông sản, chú trọng các sản phẩm đặc sản của địa phương, sản phẩm nông nghiệp nông thôn (OCOP). Đồng thời xây dựng và vận hành một cách có hiệu quả Sàn giao dịch TMĐT Đặc sản Bến Tre để cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm sản xuất, phân phối nông sản trên địa bàn tỉnh…

Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tham gia sàn giao dịch TMĐT uy tín trong và ngoài nước nhằm quảng bá thương hiệu và sản phẩm. Kết nối các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế với các nhà cung cấp dịch vụ, cung cấp giải pháp TMĐT (dịch vụ thiết kết website, các sàn giao dịch, cung cấp tên miền, vận chuyển, thanh toán…); Các giải pháp về xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp trên môi trường mạng…Từng bước xây dựng hệ sinh thái TMĐT toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi phát triển TMĐT của tỉnh nhà.

Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử của VECOM, chỉ số TMĐT của Bến Tre năm 2017 là 27/54 tỉnh, thành, năm 2020 là 15/55 tỉnh, thành. Kết quả đó cho thấy, hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh thời gian qua có sự chuyển biến khá rõ rệt, tạo ra các điều kiện thuận lợi, từng bước hình thành những nền tảng cơ bản để phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới.

Ông Phan Văn Mãi - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - cho biết, sau hội thảo tỉnh sẽ kiến nghị với Bộ Công Thương hỗ trợ địa phương phát triển TMĐT trong thời gian tới. Đồng thời, tin tưởng TMĐT là công cụ xúc tiến thương mại đắc lực, hiệu quả, thiết thực sẽ giúp các DN giới thiệu, quảng bá hình ảnh sản phẩm, DN của Bến Tre ra thị trường trong và ngoài nước, tiếp cận nhiều cơ hội giao thương, nâng cao hiệu hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường bền vững.

Nguồn: Báo Công thương