Nhiều năm qua, tình trạng phân bón giả, phân bón hết hạn sử dụng vẫn "vô tư" bày bán trên thị trường tiềm ẩn nhiều hệ lụy, gây thiệt hại tới 2,6 tỷ USD mỗi năm cho cả nhà nước, doanh nghiệp và bà con nông dân.
Trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường (QLTT) bắt giữ khoảng 4.000 vụ phân bón giả. Thời gian qua, các ngành chức năng đã liên tiếp triệt phá hàng loạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả trên địa bàn cả nước.
Tại Long An, lực lượng chức năng phát hiện Công ty TNHH Minh Phát (Khu công nghiệp Tân Kim, huyện Cần Giuộc) có dấu hiệu sản xuất tiêu thụ phân bón giả. Tỉnh Bình Phước cũng vừa ra quyết định xử lý 4 trường hợp phân bón không đạt chất lượng, buộc tiêu hủy toàn bộ.
Lực lượng chức năng đã liên tiếp triệt phá hàng loạt cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả |
Hay, Sở Công Thương Vĩnh Long đã tịch thu 365 bao phân bón giả hiệu NPK cao cấp Canada 23-23-0 + TE, 25-25-5 + TE, 20-20-15 + TE, không đạt 70% chất lượng so với các thông số đã công bố trên bao bì. Số phân này do Công ty Hà Tây (TP. Hồ Chí Minh) sản xuất và Doanh nghiệp tư nhân thương mại Thanh Phong (ấp 7, xã Tân An Luông, Vũng Liêm, Vĩnh Long) phân phối. Chi cục QLTT tiếp tục tiến hành kiểm tra và lấy 5 mẫu phân của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn các huyện Tam Bình, Vũng Liêm. Kết quả, phát hiện 3/5 mẫu có hàm lượng các chất thấp hơn so với tiêu chuẩn doanh nghiệp đã công bố trên bao bì. Gần đây nhất, Cục QLTT Sơn La đã xử phạt một cơ sở kinh doanh gần 2 tấn phân bón đã hết hạn sử dụng trên địa bàn 8.000.000 đồng.
Liên tục phát hiện và xử phạt, tuy nhiên phân bón giả vẫn tràn lan trên thị trường, khiến hàng triệu người nông dân đứng trước nguy cơ đe dọa và nhiều doanh nghiệp sản xuất chân chính đang phải gánh chịu thiệt hại. Theo các chuyên gia, để dẫn đến thực trạng như hiện nay là vì cả nước có quá nhiều cơ sở, nhà sản xuất (có tới trên 1.000 cơ sở với 7.000 chủng loại phân bón), nên phân bón giả dễ trà trộn, tiêu thụ dễ dàng và vượt tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý. Mặt khác, do lực lượng quản lý về lĩnh vực này rất mỏng, kinh phí dành cho quản lý ít, đội ngũ quản lý không thống nhất, đặc biệt, các cán bộ được phụ trách không chuyên trách và thường xuyên bị thay đổi nên việc theo dõi nắm bắt tình hình không được hệ thống. Thêm vào đó, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, do số vụ việc bị khởi tố rất ít, đa phần áp dụng xử phạt vi phạm hành chính, trong khi lợi nhuận từ phân bón giả rất lớn.
Trước thực trạng hiện nay, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT tập trung thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 8/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực phân bón vô cơ. Tổng cục QLTT cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Cục QLTT các địa phương phối hợp với lực lượng công an, thanh tra các sở, ngành tăng cường kiểm tra tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón trên thị trường. Để triệt tiêu phân bón giả, Tổng cục QLTT cho biết sẽ chỉ đạo lực lượng QLTT cả nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón.
Để ngăn chặn phân bón giả, các địa phương cần đưa ra hướng dẫn, khuyến cáo nông dân nhận biết phân bón giả, kém chất lượng; nên chọn mua phân bón ở các đại lý kinh doanh có uy tín và cam kết về chất lượng, không nên ham rẻ, ham khuyến mại mà mua phân bón không có thương hiệu... Nguồn: Báo Công thương |