Bạn đang ở đây

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam: Gợi mở giải pháp giúp các địa phương gia tăng kim ngạch xuất khẩu

05/05/2022 07:58:33

Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về ý nghĩa của Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam.

Lễ công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2021 vừa được Cục Xuất nhập khẩu và Báo Công Thương phối hợp tổ chức ngày 28/4. Xin bà cho biết Báo cáo Xuất nhập khẩu hằng năm do Cục Xuất nhập khẩu tham mưu xây dựng bắt nguồn từ chủ trương nào và có ý nghĩa như thế nào trong tình hình hiện nay?

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam: Gợi mở giải pháp giúp các địa phương gia tăng kim ngạch xuất khẩu
 

Năm 2016 Cục Xuất nhập khẩu đã phối hợp với Báo Công Thương trình Lãnh đạo Bộ Công Thương về việc xây dựng Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm đầu tiên (2016).

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu cùng những phân tích và dự báo cho thời kỳ tiếp theo. Báo cáo Xuất nhập khẩu cung cấp thông tin minh bạch, có hệ thống, được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, Hiệp hội, tổ chức nghiên cứu và đào tạo quan tâm, tín nhiệm và đánh giá cao.

Sau khi phát hành năm đầu tiên và được đánh giá cao, Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam trở thành ấn phẩm được Bộ Công Thương xây dựng thường niên với sự tham gia của các đơn vị của Bộ Công Thương và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh là Chủ tịch Hội đồng biên tập. Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021 đã là ấn phẩm thường niên năm thứ 6.

Trong báo cáo có bảng xếp hạng kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh thành. Xin bà cho biết bảng công bố này được dựa trên cơ sở nào và mức độ tin cậy ra sao, có ý nghĩa như thế nào đối với các địa phương?

Số liệu kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của các tỉnh, thành phố được lấy từ nguồn số liệu Tổng cục Hải quan thống kê và công bố định kỳ, do vậy đảm bảo mức độ tin cậy và chính xác.

Việc sắp xếp thứ tự quy mô kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của các tỉnh, thành phố và so sánh với năm trước để phục vụ mục tiêu quản lý, cũng như đánh giá, hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam: Tìm giải pháp giúp các địa phương gia tăng kim ngạch xuất khẩu
Xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế

Bà có nhận xét gì về nỗ lực cải thiện thứ hạng xếp hạng kim ngạch xuất khẩu của các địa phương trong năm 2021 so với những năm trước đây?

Tăng trưởng xuất khẩu trong những năm vừa qua có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân, cả ở quy mô toàn quốc lẫn quy mô tỉnh, thành phố. Chính vì lẽ đó, các địa phương đều có sự quan tâm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn. Do vậy, việc quan tâm đến phát triển xuất khẩu là yêu cầu tất yếu của từng địa phương vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Việc công bố chỉ số kim ngạch xuất khẩu cũng như các chỉ số khác liên quan đến xuất nhập khẩu có ý nghĩa quan trọng để thay đổi nhận thức, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững hơn nữa. Theo bà cần có chủ trương gì để các địa phương quan tâm, cải thiện chỉ số tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đột phá hơn nữa, nhất là trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch, các địa phương sẽ phải làm gì để tăng tốc sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu? Bộ Công Thương có nên đưa chỉ số này ra công bố thường niên và tuyên truyền rộng rãi hơn nữa?

Một trong những điểm mới trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 được ban hành tại tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ là nhấn mạnh vai trò của các địa phương trong phát huy lợi thế so sánh của địa phương, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, đối với sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần phát huy vai trò trong lựa chọn loại nông sản thích hợp để hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch; xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực, nông sản đặc trưng, phát triển thương hiệu đi cùng với các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Đối với sản xuất công nghiệp, Chiến lược xác định cần tăng cường công tác điều phối phát triển theo vùng, lãnh thổ nhằm nâng cao hiệu quả liên kết vùng góp phần hình thành các cụm liên kết ngành, các chuỗi giá trị trong nước, nhằm tận dụng lợi thế về tích tụ công nghiệp tại một số địa phương, vùng kinh tế.

Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, việc quan tâm đến phát triển xuất khẩu là yêu cầu tất yếu của từng địa phương vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân. Vai trò của phát triển xuất khẩu càng quan trọng hơn trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển kinh tế, phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện và tuyên truyền rộng rãi Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam thường niên trong các năm tới, để Báo cáo thực sự là nguồn thông tin đáng tin cậy cho các cơ quan quản lý Nhà nước ở trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng và các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, các cá nhân trong và ngoài nước.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Báo Công Thương

Tin liên quan