Việc người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng thông qua livestream để tiếp cận thông tin chi tiết sản phẩm đã và đang thúc đẩy một xu hướng kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp và góp phần phát triển thương mại điện tử nhanh hơn, nhất là trong bối cảnh đại dịch hiện nay.
Thống kê 4 sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam cho thấy, lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử kể từ đầu năm tới nay đã tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm 2019. Mỗi ngày có khoảng 4 triệu lượt lượng truy cập các sàn thương mại điện tử mua sắm.
Theo các sàn thương mại điện tử, sở dĩ hoạt động mua bán trên sàn thương mại điện tử tăng mạnh là do tác động từ dịch bệnh làm thay đổi thói quen tiêu dùng; đồng thời cũng do các sàn này có sự đổi mới trong hoạt động kinh doanh khi đưa vào phương thức bán hàng livestream (quay video phát trực tiếp).
Bán hàng qua livestream đang ngày một phổ biến hơn tại Việt Nam |
Ông Chris Feng - Giám đốc Điều hành Shopee - cho biết, trong thời điểm chúng ta chuyển sang giai đoạn bình thường mới, thương mại điện tử ngày càng đóng góp vai trò quan trọng hơn trong cuộc sống của mọi người. Khi người tiêu dùng gia tăng việc mua sắm trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của họ, thì các doanh nghiệp cần chủ động thay đổi và thích nghi.
Theo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, khi áp lực phải thích nghi đã kéo theo hình thức kinh doanh qua livestream trở nên phổ biến. Bởi lẽ livestream đóng vai trò quan trọng trong quá trình mua sắm trực tuyến của người dùng khi họ dành nhiều thời gian giải trí hơn để theo dõi livestream và sử dụng công cụ này để kết nối cộng đồng, đồng thời tương tác với người bán và tìm hiểu về các sản phẩm đang quan tâm.
Liên quan đến phương thức bán hàng này, giới kinh doanh thương mại điện tử cho biết, livestream xuất hiện tại Việt Nam từ cuối năm 2018 nhưng phải tới cuối năm 2019 và đặc biệt là thời gian gần đây khi đại dịch xảy ra mới bước vào thời kỳ cực thịnh. Hình thức bán hàng này hứa hẹn trở thành công cụ đắc lực của các nhà bán lẻ trên môi trường thương mại điện tử trong thời gian tới. Đáng chú ý, theo ghi nhận của các sàn thương mại điện tử hiện hoạt động livestream có 3 xu hướng phổ biến gồm: Thứ nhất - người tiêu dùng Việt theo dõi các hoạt động livestream như một cách để kết nối với người bán hàng, đồng thời thu thập tất cả thông tin có liên quan đến sản phẩm khi mua sắm trực tuyến tại nhà. Thứ hai - trong vài tháng gần đây, người dùng đang ngày càng dành nhiều thời gian giải trí hơn với các hoạt động phát trực tiếp. Thứ ba - độ tuổi người xem livestream không giới hạn ở giới trẻ mà phổ biến thêm độ tuổi từ 34-50.
Nhiều thương hiệu lớn từ hàng tiêu dùng cho tới hàng công nghệ như: P&G, Logitech, Xiaomi, Ohui và L’Oreal Paris… đều ghi nhận doanh số bán ra khả quan hơn từ khi sử dụng hình thức livestream để bán hàng. Đơn cử như P&G đã có số lượng đơn hàng bán ra tăng gấp 10 sau khi hợp tác với Shopee.
Theo lý giải của Lazada Việt Nam, sở dĩ livestream trở nên phổ biến do các nhà bán hàng có thể duy trì kết nối trực tuyến với khách hàng dễ dàng và thường xuyên. Bên cạnh đó, mô hình này cho phép tương tác hai chiều tức thì với người dùng, giúp việc tạo đơn hàng diễn ra thuận lợi hơn. Người mua có thể đặt câu hỏi và nhận giải đáp ngay về sản phẩm, giá cả, vận chuyển hay tư vấn sử dụng. Và nền tảng livestream của Lazada thu hút hàng chục nghìn lượt xem mỗi ngày - tạo ra một trải nghiệm mua sắm toàn diện và khác biệt cho người dùng trên môi trường trực tuyến.
Mặc dù đạt kết quả tương đối tốt nhưng các sàn thương mại điện tử cũng khuyến nghị nhà bán hàng, không phải cứ “livestream” thì sẽ đạt hiệu quả như mong đợi. Theo đó, để tăng doanh thu qua kênh tương tác mới này, nhà bán hàng cần chủ động đầu tư cho cả nội dung và hình ảnh, kết hợp trò chơi trực tuyến để tăng hiệu quả quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, để đưa livestream phát triển mạnh hơn, trở thành xu hướng truyền thông - marketing thì cần có sự kết hợp đỉnh cao của influencer và livestream.
Nguồn: Báo Công thương