Bạn đang ở đây

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Xử lý trên 4.400 vụ, nộp ngân sách hơn 538 tỷ đồng

07/04/2022 13:59:56

Trong quý 1/2022, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra 4.675 vụ; xử lý 4.418 vụ, khởi tố 42 vụ đối với 59 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 538,524 tỷ đồng.

Thu nộp ngân sách nhà nước 538,524 tỷ đồng

Quý 1/2022, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trên môi trường kinh doanh thương mại điện tử và vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Cụ thể, trong quý 1/2022, các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra 4.675 vụ; xử lý 4.418 vụ. Khởi tố 42 vụ đối với 59 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 538,524 tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Xử lý trên 4.400 vụ, nộp ngân sách hơn 538 tỷ đồng
Lực lượng liên ngành kiểm tra lô hàng thuốc tân dược điều trị Covid tại Hà Nội

Trong số các vụ vi phạm quý 1/2022 có 763 vụ hàng cấm, hàng lậu; gian lận thương mại 3.543 vụ; hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ 112 vụ.

Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội nhận định, lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết tăng cao, các đối tượng đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng và hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Các mặt hàng tập trung chủ yếu là các loại hàng hóa tiêu dùng có nhu cầu cao như: quần áo, đồ điện, điện tử, bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, mỹ phẩm, thuốc tân dược, pháo nổ, thuốc lá…

Đáng chú ý, lợi dụng tình hình dịch bệnh và nhu cầu phòng chống dịch Covid-19 tăng cao, một số đối tượng chào bán trên mạng internet nhiều loại sản phẩm hỗ trợ phòng, điều trị Covid-19 như bộ kít thử xét nghiệm nhanh Covid-19; kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp phòng chống Covid-19… nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, không được phép lưu hành...

Một số đối tượng khác lợi dụng tình hình khan hiếm hàng trên thị trường để mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán bất hợp lý hoặc đầu cơ găm hàng đối với hàng hóa là khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng dịch Covid-19.

Ngoài ra, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua đường hàng không và bưu chính quốc tế cũng được các đối tượng buôn lậu che đậy rất tinh vi qua hình thức bưu kiện hàng hoá là quà tặng, quà biếu… được gửi từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ.

Chủ động kiểm soát tốt

Ban chỉ đạo 389 thành phố dự báo trong thời gian tới, các địa phương trong cả nước đang thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19; theo đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hoạt động bình thường trở lại.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường; xu hướng bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh chiến lược của các nước lớn còn diễn ra gay gắt, hàng hóa nhập lậu, gian lận về xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu sang nước thứ ba để hưởng ưu đãi về thuế quan, lẩn tránh phòng vệ thương mại, hoạt động thương mại điện tử còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Xử lý trên 4.400 vụ, nộp ngân sách hơn 538 tỷ đồng
Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một điểm kinh doanh tại làng nghề huyện Phú Xuyên - Hà Nội

Để chủ động kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, trong thời gian tới, các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389/TP và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 02/KH-BCĐ389/TP ngày 16/02/2022 của Ban Chỉ đạo 389/TP về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình theo lĩnh vực, địa bàn quản lý; Chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp để đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên nhận diện các phương thức thủ đoạn mới của các đối tượng lợi dụng để vi phạm và các thủ đoạn mới phát sinh.

Bên cạnh đó, chú trọng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng kém chất lượng và không đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng là vật tư, thiết bị y tế, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc cổ truyền; quảng cáo, ghi nhãn thiếu minh bạch, gây hiểu nhầm, không đúng với bản chất hàng hóa để trục lợi, lừa dối người tiêu dùng.

Nguồn: Báo Công thương