Bạn đang ở đây

Bài 1: Không có hậu kế, nguy cơ mai một nghề truyền thống

03/09/2019 09:24:47

Khi cha truyền nhưng... con không nối

Trong hội làng nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam, hầu như ai cũng biết đến nghệ nhân mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp. Bởi, đây là một nghệ nhân kỳ cựu, uy tín, nhưng nổi bật hơn đó là cả 3 người con trai của nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp đều tham gia làm việc tại cơ sở mộc mỹ nghệ của gia đình, dần đảm trách nghề mộc mỹ nghệ đã có truyền thống đến 5 đời.

bai 1 khong co hau ke nguy co mai mot nghe truyen thong
Anh Nguyễn Văn Ân - Nghệ nhân đời thứ 5 của mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp, một trong số ít "con em nghệ nhân nối nghiệp cha ông, giữ nghề"

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp là một trong số ít nghệ nhân làng nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam có con theo nghề mộc mỹ nghệ để kế nghiệp, giữ nghề. Nhiều nghệ nhân nổi tiếng của Quảng Nam mặc dù đã có tuổi nhưng vẫn luôn trăn trở tìm người kế bước.

Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, hiện nay, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ mai một rất lớn. Khó khăn nhất đó là con người – những thế hệ con, em của các nghệ nhân bỏ nghề truyền thống.

Theo nghệ nhân Lê Phước Tiến – Công ty TNHH Phước Tiến, kiêm quản lý nhà trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống Quảng Nam (35 Nguyễn Thái Học, Hội An), tìm người kế thừa di sản làng nghề đã được cha ông gây dựng bao đời nay đang là vấn đề làm đau đầu các nghệ nhân. “Làm gì cũng phải có đam mê, yêu nghề. Điều này đặc biệt đúng với nghề truyền thống bởi muốn trở thành nghệ nhân của làng nghề truyền thống phải gắn bó, bền chí. Các nghệ nhân, trong đó có tôi, không ép con mình theo nghề truyền thống, chúng tôi tôn trọng lựa chọn của con cái. Nhưng đằng sau đó các nghệ nhân luôn trăn trở về người sẽ nối nghiệp mình, người sẽ giữ hồn cho di sản làng nghề Quảng Nam”, nghệ nhân Lê Phước Tiến chia sẻ và cho rằng, bây giờ có rất nhiều ngành nghề có thu nhập tốt, môi trường làm việc năng động, hiện đại, nên giới trẻ đam mê, theo đuổi là không có gì lạ. “Tôi cũng đang tìm người kế nghiệp dần, mà cũng khó. Lo nhất bây giờ là chủ già, thợ già, thêm chục năm nữa rồi không biết ai sẽ tiếp nối nghề truyền thống”, nghệ nhân Lê Phước Tiến nói.

Người trẻ không “mặn mà” với nghề truyền thống

Theo nghệ nhân Lê Phước Tiến, hiện đang diễn ra sự dịch chuyển các thợ thủ công chuyển hướng lao động sang các ngành nghề khác, dẫn đến nguy cơ mất dần đi những di sản làng nghề. Ông Tiến cho biết, tại cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ của ông, đa số thợ làm việc đều đã gắn bó trên dưới 10 năm và hầu như không có người trẻ theo đuổi nghề. “Tìm thợ giỏi giờ rất khó, mình sẵn sàng đào tạo nhưng lớp trẻ bây giờ không chịu cực được, tuyển vào vài hôm là bỏ”, ông Tiến trăn trở.

Cũng cùng quan điểm như trên, anh Nguyễn Văn Ân – Cơ sở mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp chia sẻ, 20 thợ thủ công làm việc tại cơ sở đều tự tìm đến học, vì họ có đam mê với mộc mỹ nghệ, chứ không phải chạy theo đồng tiền, có nghệ nhân đã gắn bó với cơ sở đến 20 năm.

bai 1 khong co hau ke nguy co mai mot nghe truyen thong
Trương Anh Dũng lựa chọn nghề thủ công mộc mỹ nghệ để gắn bó

Theo học nghề tại mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp được 5 năm, Trương Anh Dũng (SN 1995, Điện Bàn) cũng thừa nhận mình đến với nghề vì đam mê, vì thích các đường nét tinh xảo của mộc mỹ nghệ, chứ không phải vì lợi ích kinh tế. “Em có thu nhập thấp nhất trong lứa các bạn cùng tuổi. Em học và làm nghề ở đây không phải vì tiền, mà vì yêu thích. Tiền em nghĩ cũng quan trọng, nhưng làm việc phải có đam mê, chứ không phải nhất thiết cứ nhiều tiền. Ở đây em có thể sáng tạo sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng nhưng mang ý tưởng của mình. Mẫu mã cũng liên tục thay đổi nên em học và làm mãi vẫn cứ mới mẻ”, Dũng vừa cười, vừa chia sẻ.

Anh Ân cho biết, khó nhất của làng nghề Quảng Nam bây giờ đó là con người. Muốn trở thành thợ thủ công có tay nghề của làng nghề, trong đó có nghề mộc mỹ nghệ, đòi hỏi phải bền chí, chịu khó học hỏi, trong khi giới trẻ bây giờ rất ít người tỉ mẩn ngồi học nghề. Một nguyên nhân nữa khiến lớp trẻ ít mặn mà với nghề truyền thống đó là thu nhập. So với những ngành nghề thâm dụng lao động trong khu công nghiệp, các đơn vị dịch vụ du lịch, thì thu nhập của người thợ thủ công có phần kém cạnh hơn.

Theo anh Ân, người gắn bó với làng nghề đều có niềm đam mê và họ không đặt kinh tế là yếu tố hàng đầu. “Nghệ nhân làm nghề không đặt kinh tế lên hàng đầu mà làm vì đam mê, vì muốn để lại nghề cho sau này. Giới trẻ bây giờ chịu áp lực về gánh nặng cơm áo gạo tiền cao quá, nên rất ít người trụ lại được khi học nghề. Trước đào tạo 10 người thì còn được 7 – 8 người, giờ đào tạo 10 chỉ được 3 người. Đa số tồn tại học tiếp là vì đam mê, không chạy theo đồng tiền. Nghề truyền thống không học chứ nếu xác định đã học sẽ thành nghề, còn những người đã có ý định bỏ đi thì không thể giữ được”, anh Ân bộc bạch.