Bạn đang ở đây

Ai Cập - thị trường tiềm năng cho sản phẩm cá ngừ đóng hộp Việt Nam

26/10/2020 09:31:22

Trong 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Ai Cập đạt 11,9 triệu USD, chiếm 2,29% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam và chỉ đứng sau thị trường Israel trong khu vực Trung Đông-châu Phi.

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã gây ảnh hưởng không không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường Trung Đông và châu Phi.

Mặc dù vậy, lĩnh vực xuất khẩu cá ngừ, đặc biệt là cá ngừ đóng hộp, sang thị trường Ai Cập và một số thị trường ở Trung Đông hiện có nhiều tín hiệu khả quan.

Đây là nhận định của Bí thư thứ nhất, Trưởng bộ phận Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, ông Nguyễn Duy Hưng.

Ông Nguyễn Duy Hưng cho biết dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Trung Đông-châu Phi.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam 9 tháng năm 2020 cho thấy cả 3 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam trong khu vực này, trong đó có Israel, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ai Cập đều ghi nhận mức giảm khá cao so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Ai Cập mới chỉ đạt 23,5 triệu USD giảm 35,6% so với giai đoạn 9 tháng đầu năm 2019. Đây là mức sụt giảm lớn nếu so với mức giảm chung 8,7% của tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng vào thị trường này.

Các biện pháp đối phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Ai Cập trong thời gian vừa qua như ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm, cấm các hoạt động tụ tập đông người, đóng cửa nhà hàng… dẫn đến nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm sút. Cùng với đó, Ai Cập có chính sách giảm nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại...

Đã có thời điểm Ủy ban Công nghiệp của Quốc hội Ai Cập kêu gọi chính phủ tạm ngừng nhập khẩu cá đông lạnh do lo ngại có sự liên quan đến khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 trong sản phẩm này.

Về mặt hàng thủy sản đông lạnh, các nhà nhập khẩu Ai Cập cho biết tình trạng tiêu thụ chậm trên thị trường trong thời gian qua buộc họ phải cắt giảm nhiều đơn hàng mới trong khi thời gian thu hồi vốn bị kéo dài.

Thực tế, đã có doanh nghiệp thủy sản Việt Nam phản ánh với Thương vụ việc bị chậm thanh toán tiền hàng và các hợp đồng mới đưa ra các điều kiện thanh toán bất lợi.

Tuy nhiên, mặt tích cực là kế hoạch từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế đã được Chính phủ Ai Cập thực hiện sớm ngay từ đầu tháng Bảy và nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi tốt. Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm nhờ đó có chiều hướng gia tăng trong các tháng cuối năm.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ, đặc biệt là loại cá ngừ vằn đóng hộp, có sự tăng trưởng tốt trong những năm gần đây.

Theo báo cáo của VASEP, trong 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Ai Cập đã đạt 11,9 triệu USD, chiếm 2,29% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam và chỉ đứng sau thị trường Israel trong khu vực Trung Đông-châu Phi.

Ai Cập cùng với Saudi Arabia, Israel, UAE là các quốc gia nhập khẩu cá ngừ (được chế biến hoặc bảo quản) lớn nhất trong khu vực.

Theo số liệu của Hải quan Ai Cập, năm 2019, Ai Cập nhập khẩu lượng cá ngừ có trị giá 162 triệu USD, chủ yếu từ Thái Lan (145 triệu USD). Thái Lan là nước xuất khẩu cá ngừ đứng đầu thế giới với kim ngạch khoảng 2 tỷ USD/năm và mặt hàng này đã quen thuộc với người tiêu dùng Ai Cập.

Mặc dù đứng thứ 2 nhưng Việt Nam lại chỉ chiếm 5,6% thị phần với khoảng 9 triệu USD. Như vậy, tiềm năng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp có xu hướng đa dạng hóa các nhà cung cấp để tránh phụ thuộc vào một nguồn hàng duy nhất.

Xét về mặt hàng thủy sản (chưa qua chế biến) nói chung, năm 2019, Ai Cập cùng với Nigeria là 2 nước nhập khẩu lớn nhất châu Phi, trong đó Ai Cập chi tới gần 850 triệu USD.

Ngoài cá, Ai Cập phải nhập khẩu tôm với kim ngạch khoảng 164 triệu USD nhưng chủ yếu từ UAE (89%) và Saudi Arabia (7,6%) trong khi giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường không đáng kể, vào khoảng 180.000 USD theo số liệu của Hải quan Việt Nam.

Có thể thấy tiềm năng tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Ai Cập vẫn còn lớn do chủ yếu hiện nay mới chỉ có cá ba sa phi lê đông lạnh trên thị trường. Nhiều mặt hàng thủy sản khác như tôm đông lạnh hay cá thu, các hồi đóng hộp sẽ có cơ hội lớn đến với người dân nước bạn.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng hiện nay, đang có sự chuyển dịch tìm kiếm nguồn hàng đa dạng từ các nước và đây là cơ hội “vàng” để thủy sản Việt Nam khẳng định và có chỗ đứng tốt hơn tại thị trường.

Tuy nhiên, thách thức lại đến từ chính chúng ta nếu doanh nghiệp chưa có chiến lược phù hợp để nắm bắt cơ hội này, trong đó việc quản lý chất lượng sản phẩm đáp ứng đúng yêu cầu là hết sức cần thiết.

Đơn cử, một số doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng cá ngừ đóng hộp cho biết họ yêu cầu chất lượng sản phẩm phải đảm bảo 100% cá ngừ vằn, không mùi, không có lẫn thịt đen, máu và da cá.

Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng và sản phẩm nên được phân loại cũng như công bố theo các tiêu chí chất lượng rõ ràng, phù hợp với thị trường người tiêu dùng ở nước bạn.

Về sản phẩm thủy sản nói chung, có thể thấy doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường mặt hàng cá phi lê đông lạnh. Tuy nhiên, đây không phải là mặt hàng có sức tiêu thụ lớn trên thị trường. Do đó, chúng ta cần đa dạng hóa các mặt hàng cũng như nâng cao tính cạnh tranh của hàng Việt với sản phẩm cùng loại của các nước khác.

Ông Nguyễn Duy Hưng cho biết thêm mặc dù hiện tại một số sản phẩm nông nghiệp và thủy sản Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị trường Ai Cập như càphê, hạt tiêu, hạt điều, cá ba sa… nhưng kim ngạch sẽ khó có sự tăng trưởng đột biến do nhu cầu nhập khẩu và thói quen tiêu dùng.

Chúng ta cần nghiên cứu lợi thế cạnh tranh để có thể đẩy mạnh các mặt hàng mà nước bạn có nhu cầu nhập khẩu lớn, trong đó nguyên vật liệu, linh phụ kiện cần thiết cho các ngành sản xuất Ai Cập là một hướng đi cần thiết.

Ông Hưng cho rằng Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng gia dụng thiết yếu (như giầy dép, đồ may mặc, đồ nhựa…), nguyên liệu và sản phẩm từ gỗ (ván ép phủ phim, giấy), cao su (săm, lốp xe, rulo, băng tải, găng tay cao su) và linh phụ kiện, máy móc thiết bị cho các ngành sản xuất công nghiệp (ôtô, dệt may, chế biến thực phẩm, hóa chất, xây dựng).

Về nông nghiệp, chúng ta vẫn còn những mặt hàng có thế mạnh chưa thể xâm nhập thị trường như trái thanh long, trong khi về thủy sản, có thể tăng cường mặt hàng tôm và các loại thực phẩm, cá đóng hộp khác.

Nguồn: Báo Công thương