Tiếo tục thực hiện kế hoạch mở rộng thị trường Trung Quốc cho mặt hàng nông sản, thực phẩm, ngày 16-17/6, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại Quốc tế Trung Quốc - Chi nhánh tỉnh Sơn Đông tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến kết nối các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm của Việt Nam với các đối tác của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Hội nghị dự kiến có khoảng 60 doanh nghiệp tham gia, trao đổi trực tuyến trong những phiên giao thương chia theo từng lĩnh vực, chủ đề hợp tác cụ thể, phù hợp với nhu cầu của từng doanh nghiệp.
Những sản phẩm được giới thiệu tại hội nghị gồm hàng nông sản (rau, củ, quả tươi, sấy khô, các loại hạt, gia vị…); các loại thực phẩm chế biến; bánh kẹo và đồ uống như cà phê, sữa đậu nành, nước ép trái cây...
Sơn Đông là tỉnh nông, công nghiệp lớn của Trung Quốc. Với dân số 107 triệu người, Sơn Đông có nhu cầu nhập khẩu đa dạng các sản phẩm nhu yếu phẩm như nông sản, thực phẩm. Nhu cầu và mức độ tiêu dùng không ngừng nâng cao, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu nông sản, sản phẩm nhu yếu phẩm tăng nhanh kéo theo quy mô nhập khẩu hàng hóa sản phẩm tăng rõ rệt trong vòng 5 năm trở lại đây. Cùng với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu, yêu cầu về chất lượng sản phẩm nhập khẩu, vệ sinh an toàn thực phẩm, thương hiệu sản phẩm của thị trường tỉnh Sơn Đông ngày càng cao.
Bộ Công Thương mở rộng thị trường Trung Quốc cho mặt hàng nông sản Việt Nam |
Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản của Sơn Đông đạt 230,8 tỷ NDT tương đương 32,5 tỷ USD. Trong đó nhập khẩu 107,35 tỷ NDT, tương đương 15,1 tỷ USD, xuất khẩu 123,45 tỷ NDT, tương đương 17,34 tỷ USD.
Lương thực, thủy hải sản và bông là những sản phẩm nhập khẩu chủ đạo của tỉnh Sơn Đông. Năm 2019, địa phương này nhập khẩu lương thực đạt 4,93 tỷ USD, trong đó đậu tương nhập khẩu đạt 3,9 tỷ USD; thủy hải sản nhập khẩu đạt 3,22 tỷ USD; thịt các loại nhập khẩu đạt 2,42 tỷ USD. Thị trường nhập khẩu nông sản chủ yếu của Sơn Đông là châu Mỹ La tinh, EU và Australia.
Hiện dịch Covid 19 đang được đẩy lùi ở cả Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, hoạt động giao thương theo các hình thức truyền thống giữa hai nước hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc tham gia hội nghị giao thương được xem là một giải pháp quan trọng và thiết thực trong việc kết nối các doanh nghiệp hai bên.
Tham gia Hội nghị, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội quảng bá sản phẩm, tìm hiểu đối tác, thị trường Sơn Đông nói riêng và Trung Quốc nói chung để có thể mở rộng thị phần tại thị trường tiềm năng này.
Nguồn: Báo Công thương