Trong đó, tổng trị giá XNK của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 153,87 tỷ USD, tăng 6% (tương ứng tăng 8,67 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 89,61 tỷ USD, tăng 11,8% (tương ứng tăng 9,43 tỷ USD).
Xuất siêu 1,59 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm |
Đáng chú ý, kỳ 2 tháng 6, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,5 tỷ USD đưa mức xuất siêu cả nước trong 6 tháng đầu năm lên 1,59 tỷ USD.
Về xuất khẩu, tổng trị giá trong kỳ 2 tháng 6 đạt 11,23 tỷ USD, tăng 10,4% so với 15 ngày đầu tháng 6/2019. Các nhóm hàng tăng mạnh là: Điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; đá quý, kim loại quý; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng... Hết tháng 6, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 122,53 tỷ USD, tăng 7,2% tương ứng 8,21 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy, từ nay đến cuối năm, nhiều ngành hàng của Việt Nam tiếp tục hưởng lợi để thay thế cho hàng Trung Quốc trên thị trường Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cùng với đó là sự chuyển dịch đầu tư từ nền kinh tế thứ hai thế giới sang những thị trường lân cận sẽ thúc đẩy dòng chảy FDI. Bên cạnh đó, theo yếu tố mùa vụ, xuất khẩu nhiều ngành hàng như: Dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ… sẽ tăng tốc trong giai đoạn nửa cuối năm do bước vào giai đoạn xuất khẩu cao điểm, nhu cầu hàng hóa phục vụ các ngày lễ tết cuối năm tăng cao. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường trên thế giới.
Hiện nay, Việt Nam đã kí 12 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, tạo động lực mới cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 122,42 tỷ USD, thấp hơn kịch bản tăng trưởng đề ra (là 123,5 tỷ USD). Như vậy, để đạt được mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng từ 8 -10% Chính phủ giao cho ngành Công Thương (tương đương 263 tỷ USD), xuất khẩu 6 tháng cuối năm phải đạt bình quân 23 – 23,4 tỷ USD. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn bởi lần gần nhất xuất khẩu của Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD đã từ tháng 8/2018, trong khi đó tình hình kinh tế, thương mại thế giới đang suy giảm như hiện nay cũng được cho không phải là môi trường thuận lợi để Việt Nam tăng tốc xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm 2019. Mặc dù vậy, với những nỗ lực trong việc mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại đẩy mạnh xuất khẩu của Chính phủ, các bộ ban ngành và cộng đồng doanh nghiệp, xuất khẩu hàng hóa được kỳ vọng có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.
Nguồn: Báo Công thương