Sáng ngày 8/6/2021, hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều đã được UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT tổ chức tại 30 điểm cầu trong nước và quốc tế, bao gồm: 22 điểm cầu trong nước, 8 điểm cầu tại Nhật Bản, Úc, Singapore và Trung Quốc.
Tỉnh Bắc Giang có vùng vải thiều tập trung lớn nhất cả nước, hằng năm vải thiều Bắc Giang có mặt ở hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến nay, quả vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia).
Đặc biệt, tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang đã trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, đã mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác; đồng thời, là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác.
Để ứng phó trong bối cảnh dịch Covid- 19 bùng phát, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản thu hoạch và tiêu thụ vải thiều năm 2021; đồng thời triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Bắc Giang cũng phát huy tinh thần hữu nghị, hợp tác với các bạn hàng truyền thống, có sự liên hệ, trao đổi, phối hợp chặt chẽ từ các bạn hàng quốc tế, các tỉnh, thành phố bạn và doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh nông sản.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 30 điểm cầu |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang |
Báo cáo chiêu thương tại hội nghị của UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, năm nay sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 180 nghìn tấn. Trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp song việc tiêu thụ vải thiều thời gian qua cơ bản thuận lợi, sản lượng tiêu thụ đến ngày 1/6 đạt hơn 22.749 tấn ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Có thể nói, tỉnh Bắc Giang đã dồn tổng lực để bảo đảm một vụ thu hoạch vải thiều tốt đẹp. Năm 2021, trước bối cảnh chung của đại dịch Covid-19 song Bắc Giang đã tập trung triển khai các giải pháp cụ thể, quyết liệt để bảo vệ vùng vải thiều. Do đó, đến nay đã khẳng định vụ này vải thiều Bắc Giang chất lượng cao nhất từ trước đến nay.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (thứ 2 từ trái qua) và đại diện các Bộ, địa phương tại hội nghị |
Lãnh đạo các bộ, ban ngành T.Ư và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang dự hội nghị |
Để vải thiều có chất lượng cao nhất đáp ứng yêu cầu của tất cả các thị trường trong nước và quốc tế, những năm qua, tỉnh đã kiên trì thực hiện các biện pháp như hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn người trồng vải thiều kỹ thuật canh tác, chăm sóc; việc ghi chép truy xuất nguồn gốc; kiểm tra, giám sát nội bộ và giám sát từ bên ngoài; thử nghiệm biện pháp che màn để hạn chế sâu bệnh; nhân rộng mô hình hợp tác xã, nhóm hộ liên kết sản xuất để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị; mở rộng diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... hướng tới 100% vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương phát biểu tại hội nghị |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn đọc báo cáo chiêu thương |
Cùng với đó, giám sát chặt chẽ các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ; lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc điện tử; tạo nên vải hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội. Về thị trường tiêu thụ, tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường.
Khai trương gian hàng vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử và công bố Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản |
Nhân dịp này, Bắc Giang đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tỉnh kết nối với các doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu nông sản; hỗ trợ tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử; chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp với tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều; chỉ đạo các Cục, Vụ, Thương vụ của Việt Nam tại hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc), tại Nhật Bản, Úc, Singapore và các nước trên thế giới hỗ trợ tỉnh kết nối, tiêu thụ vải thiều.
Cắt băng xuất hành đoàn xe vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế năm 2021 |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chúc mừng và đánh giá cao cách làm của tỉnh Bắc Giang trong việc tổ chức Hội nghị trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh với những cách làm năng động, sáng tạo và triển khai các giải pháp hết sức quyết liệt.
Bộ trưởng khẳng định: Thương mại điện tử là phương thức kinh doanh mới, hiện đại, dựa trên nền tảng công nghệ. Nhờ có công nghệ mà các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ đã được tiếp cận trực tiếp, nhanh chóng nhất với người tiêu dùng, đồng thời giúp cả hai bên tiết giảm tối đa chi phí, thời gian, vật chất và nâng cao độ tin cậy, chính xác rất cao trong quá trình giao thương. Chính vì thế thương mại điện tử đã và đang trở thành phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Phương thức này càng trở nên tiện ích và thể hiện ưu thế vượt trội khi đại dịch Covid 19 đang bùng phát trên phạm vi toàn cầu khiến việc đi lại, gặp gỡ trực tiếp là hết sức khó khăn. Việc Bắc Giang cũng như một số địa phương khác của Việt Nam có những sản phẩm nông sản đặc trưng đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành khác áp dụng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới là một hướng đi đúng, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề rất sáng tạo, phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh Covid-19 bùng phát cục bộ ở một vài nơi trên địa bàn tỉnh.
Bộ trưởng mong rằng không chỉ trái vải thiều, nhiều sản phẩm khác đặc trưng khác của Bắc Giang cũng cần được áp dụng giải pháp tương tự để hiệu quả kinh doanh được nâng lên nhiều lần trong tương lai.
“Nhân sự kiện hôm nay, tôi chân thành cảm ơn doanh nghiệp, các hiệp hội, các sàn thương mại điện tử, các trang bán hàng online đặc biệt là cảm ơn người tiêu dùng ở bốn phương. Cảm ơn các quý vị đã đến tham dự theo dõi trực tiếp cùng nhau trao đổi chia sẻ thông tin mua bán trái vải thiều một trong những sản phẩm trái cây đặc trưng của Việt Nam có hương vị thơm ngon bổ dưỡng, là sản phẩm được kết tinh của tiểu vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa của vùng Đồng bằng Bắc bộ. Đặc biệt trái vải được sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, đóng gói, vận chuyển theo một quy trình khép kín, công nghệ hữu cơ được cơ quan chức năng của Việt Nam và của địa phương, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và an toàn dịch bệnh”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
“Hy vọng rằng với thiện chí và nỗ lực của tất cả chúng ta, của các bên liên quan thì trái vải thiều thơm ngon, đặc sản của Bắc Giang sẽ sớm đến tay người tiêu dùng ở phương, ở tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ, ở các địa phương trong cả nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh và mong rằng sau sự kiện này sẽ có thêm nhiều đối tác, bạn hàng tiếp tục đến với Việt Nam, với Bắc Giang qua thương mại điện tử, các sàn giao dịch điện tử hoặc trực tiếp khi điều kiện cho phép để thu mua, kinh doanh vải thiều cũng như nhiều sản phẩm đặc trưng khác, góp phần củng cố, phát triển quan hệ kinh tế thương mại rất tốt đẹp, hai chiều giữa Việt Nam với quốc gia, vùng lãnh thổ, thực hiện thành công các mục tiêu, chiến lược sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng bốn phương.
Giới thiệu trái vải thiều tươi ngon của Bắc Giang tới đại biểu và đối tác tại Hội nghị |
Vụ vải thiều năm 2021 được xem là có chất lượng cao nhất từ trước đến nay của Bắc Giang |
Cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng của Việt Nam; các tỉnh, thành phố, các tổ chức thương mại; các doanh nhân, thương nhân của Việt Nam; các cơ quan Ngoại giao và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; các Đại sứ quán, các cơ quan Ngoại giao, các tổ chức, các cơ quan chức năng, các Tổ chức thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân và thương nhân của các quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác thương mại của Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bắc Giang và các địa phương của Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với nhau ở cả cấp kỹ thuật và lãnh đạo để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa và tạo luồng xanh cho trái vải thiều được thông quan thuận lợi qua các cửa khẩu.
“Tôi mong rằng từ nay, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản tới vụ của Việt Nam, nhất là những trái cây tươi, không bảo quản được tới tay người tiêu dùng sớm nhất ở cả thị trường trong nước và nước ngoài, cả thị trường truyền thống và thị trường mới”, Bộ trưởng chia sẻ tại Hội nghị.
Trong khuôn khổ hội nghị, tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang cũng đã diễn ra lễ công bố và trao văn bằng Chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản, khai trương “Gian hàng vải thiều trên sàn Alibaba.com và các sàn thương mại điện tử” và lễ xuất hành đoàn xe vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế. Những sự kiện quan trọng này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều của tỉnh Bắc Giang được thông quan thuận lợi, đưa vải thiều tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử và tiêu thụ vải tại các hệ thống siêu thị lớn, chợ đầu mối lớn trong nước. |
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Nguồn: Báo Công Thương