Những năm gần đây, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Trung Đông - châu Phi ngày càng phát triển đa dạng, mở ra dư địa hợp tác thương mại giữa Việt Nam với khu vực này ngày càng lớn.
Còn nhiều tiềm năng
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với tất cả 70 quốc gia ở Trung Đông – châu Phi. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với hai khu vực này đã tăng hơn 9 lần trong vòng 15 năm trở lại đây. Nông nghiệp, năng lượng, giao thông, lao động và chuyên gia đang là những lĩnh vực có nhiều chuyển biến trong hợp tác giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông - châu Phi.
Hội thảo trực tuyến “Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông - châu Phi” |
Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến “Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông - châu Phi” chiều 30/9, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Cồng Thương) cho biết, trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước Trung Đông - châu Phi. Với lợi thế vị trí địa lý có diện tích rộng trên 36 triệu km2 và dân số trên 1,6 tỷ người, chiếm khoảng 7% GDP toàn cầu và có nhu cầu nhập khẩu cao nhiều loại mặt hàng phù hợp với hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, khối thị trường Trung Đông – châu Phi thực sự là những thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Trung Đông – châu Phi ngày càng phát triển đa dạng. Bên cạnh các mặt hàng như nông sản, dệt may, da giày... đã có thêm những mặt hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động, máy móc, thiết bị phụ tùng... Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh của Trung Đông – châu Phi ngày càng được cải thiện nhờ xu thế hòa bình và tăng cường liên kết khu vực nên dư địa mở rộng hợp tác thương mại giữa Việt Nam với khu vực này là rất lớn.
Ông Lê Hoàng Tài cho rằng, bên cạnh khai thác các thị trường truyền thống, việc mở rộng và phát triển hợp tác thương mại với các thị trường mới giàu tiềm năng tại Trung Đông - châu Phi là một trong những giải pháp mà Việt Nam cần hướng đến trong thời gian tới.
Chia sẻ về những cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi xúc tiến thương mại sang thị trường này, ông Nguyễn Thái Sơn - Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) - cho biết, các nước Trung Đông và châu Phi có nguồn tài nguyên chủ yếu là dầu mỏ, khí đốt và các loại quặng. Đối với hàng lương thực, thực phẩm, họ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Các kênh phân phối hàng hóa như chuỗi siêu thị, chuỗi bán lẻ được trải dài khắp các quốc gia trong khu vực nên nếu sản phẩm của Việt Nam được nhập khẩu vào một nước thuộc Trung Đông – châu Phi cũng sẽ có cơ hội vào được nhiều quốc gia khác trong khu vực này.
Chủ động tìm hiểu thị trường
Ông Đào Mạnh Đức - Bí Thư thứ ba, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi - cũng chỉ ra những thuận lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Đông - châu Phi. Ông Đức cho rằng, khối thị trường này khá dễ tính, không đòi hỏi cao về yêu cầu kỹ thuật như thị trường Liên minh châu Âu (EU) hay những thị trường khó tính khác.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xúc tiến thương mại sang thị trường này cũng cần lưu ý, cần phải nghiên cứu, tìm hiểu về phong tục tập quán, văn hoá kinh doanh, tiêu chuẩn kỹ thuật và vấn đề thanh toán ở các quốc gia này để có những kế hoạch cụ thể.
Chỉ ra những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải tại thị trường Trung Đông – châu Phi, ông Hoàng Đức Nhuận - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Algieria cho rằng, dịch Covid-19 làm cho giá dầu (nguồn thu chủ yếu) ở các nước này giảm, kéo theo ngoại tệ của họ giảm đã khiến cho một số nước có chính sách giảm nhập khẩu. Trong đó, Algieria đã cấm nhập khẩu một số loại trái cây như cam, quýt… khi nước này vào mùa thu hoạch. Ngoài ra, tại Trung Đông – châu Phi, hàng Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa của nhiều quốc gia khác như: gạo, ngũ cốc của Ấn Độ; chè, cà phê, gia vị của Trung Quốc, Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất; nông sản của Thái Lan, Kuwait, Ấn Độ…
Để hàng Việt Nam thâm nhập thành công vào thị trường Trung Đông – châu Phi, các Tham tán thương mại Việt Nam tại khu vực này cho rằng, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, sản phẩm khi xuất khẩu sang thị trường này không chỉ “đánh” vào người tiêu dùng nước sở tại mà còn hướng tới những người nước ngoài sinh sống ở đây như người Ấn Độ và các nước châu Á khác.
Các doanh nghiệp cũng cần ứng dụng công nghệ sản xuất để sản phẩm có giá trị gia tăng cao và giảm giá thành để tăng năng lực cạnh tranh với sản phẩm của những nước khác.
Tại hội nghị, chia sẻ về triển vọng phát triển thương mại Việt Nam – châu Phi trong bối cảnh hậu Covid-19, bà Nguyễn Minh Phương, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho rằng, hiện nay, vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi muốn xúc tiến sang thị trường này là thủ tục, phương thức thanh toán. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động đối phó với các rủi ro khi thực hiện hoạt động kinh doanh tại châu Phi và Trung Đông.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động khai thác thị trường như đăng ký với Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để tham gia xúc tiến thương mại sang khối thị trường này. Đồng thời, Cục Xúc tiến thương mại cùng các Thương vụ cam kết sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kết nối và tìm hiểu, xác minh thông tin về đối tác, thị trường… tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Đông - châu Phi.
Hội thảo “Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông - châu Phi” đã thu hút sự tham gia của hơn 120 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh thực phẩm tươi sống, chế biến, nông – lâm – thủy sản, sản phẩm điện tử… có nhu cầu tìm hiểu, hợp tác với khu vực thị trường Trung Đông – châu Phi. Nguồn: Báo Công thương |