Cụ thể, giá trị xuất khẩu lâm sản chính 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 7,612 tỷ USD (bằng 84% kế hoạch năm); tăng 16,12% so với cùng kỳ năm 2017; chiếm 23,37% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,23 tỷ USD, tăng 16,12%. Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 10 tháng ước đạt 5,72 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các quốc gia: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU,chiếm khoảng 87% kim ngạch xuất khẩu. Trong 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu tại các thị trường chính này đều có tăng trưởng tốt so với cùng kỳ 2017.
Ở chiều ngược lại, trong 10 tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 1,88 tỷ USD, tăng 5,23% so với cùng kỳ năm 2017. Những thị trường chủ yếu trong 9 tháng đầu năm gồm: Trung Quốc; Hoa Kỳ; Campuchia; Thái Lan; Malaysia, Chi Lê; Đức; Brazil; Pháp; New Zealand, chiếm 60% giá trị kim ngạch nhập khẩu.
Đặc biệt, việc Việt Nam và EU vừa ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ sang thị trường EU trong thời gian tới.
Liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng, Tổng cục Lâm nghiệp cho hay, tính đến 23/10/2018 cả nước đã thu được 2.557 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 109% kế hoạch năm 2018 và 161% so với cùng kỳ năm 2017 (thu tăng so với cùng kỳ 967 tỷ đồng). Trong đó, Quỹ Trung ương thu được 1.974,7 tỷ đồng (đạt 117,7% kế hoạch năm 2018); Quỹ tỉnh thu được 582 tỷ đồng (đạt 89% kế hoạch năm 2018).Quỹ Trung ương đã thực hiện điều phối tiền dịch vụ môi trường rừng cho các tỉnh là 1.427,4 tỷ đồng, đạt 85,5% kế hoạch năm 2018.
Về khai thác rừng trồng tập trung tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, Tổng cục Lâm nghiệp ước tính, theo diện tích, khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc trong tháng 10 khoảng 22.000 ha, tương ứng sản lượng 1,63 triệu m3. Lũy kế từ đầu năm ước đạt 15,47 triệu m3 (bằng 83,5% kế hoạch năm 2018), tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2017.
Nguồn: Báo Công thương