Thách thức cho các dự án năng lượng chuyển tiếp
Tới hết ngày 31/3, chỉ có 6 hồ sơ được các chủ đầu tư dự án năng lượng chuyển tiếp nộp tới Công ty Mua bán điện (EPTC), song còn chưa đủ điều kiện để bước vào vòng đàm phán hợp đồng mua bán điện.
Nhiều dự án năng lượng tái tạo chưa đàm phán được hợp đồng mua bán điện. Ảnh: Đức Thanh
Quá ít hồ sơ được nộp
Bức xúc về việc các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp không kịp hưởng giá mua điện cố định (FIT) nên không được huy động điện, gây lãng phí không cần thiết, nhưng dù đã có khung giá điện, chủ đầu tư lại không mặn mà với việc đàm phán hợp đồng mua bán điện.
Cho tới hết ngày 31/3, là thời điểm được Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy chuyển tiếp để thỏa thuận, thống nhất giá phát điện, sớm đưa vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên, chỉ có 6 hồ sơ được gửi tới EPTC so với con số 85 dự án được liệt kê.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, có 6 dự án nộp hồ sơ, nhưng đều chưa đủ các giấy tờ theo danh mục. Một số nhà đầu tư cho biết, chưa thể hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của EPTC do vướng các thỏa thuận chuyên ngành ký với các đơn vị thành viên của EVN đã hết hiệu lực và cần điều chỉnh, gia hạn các thỏa thuận đấu nối, SCADA (hệ thống tự động hóa, có chức năng quản lý và giám sát toàn bộ hệ thống điện), đo đếm điện năng…
Tuy nhiên, vấn đề này đã được Tổng giám đốc EVN chỉ đạo các đơn vị trong Tập đoàn hỗ trợ các chủ đầu tư tại cuộc làm việc ngày 20/3.
Tiếp đó, EVN cũng có văn bản chính thức, giao Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các tổng công ty điện lực rà soát các điều khoản của thỏa thuận đấu nối đã ký và chủ động phối hợp với các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp để thực hiện việc điều chỉnh nội dung của thỏa thuận đấu nối (bao gồm thực hiện gia hạn thời gian có hiệu lực của thỏa thuận đấu nối), đảm bảo tuân thủ đúng và đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Thông tư 15/2022/TT-BCT và các quy định pháp luật khác có liên quan. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền của các đơn vị, kịp thời báo cáo (kèm theo kiến nghị cụ thể) trình Tập đoàn xem xét, có ý kiến.
EVN cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương hướng dẫn cụ thể hơn để thuận lợi trong đàm phán với chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp, bởi EVN không phải là cơ quan quản lý nhà nước, không thể ban hành các quy định liên quan đến hợp đồng mua bán điện.
Cụ thể, những vấn đề nảy sinh trong quá trình đàm phán dự án năng lượng chuyển tiếp là thời hạn hợp đồng, đời sống kinh tế của dự án… Đơn cử, do Thông tư 01/2023/TT-BCT đã bãi bỏ thời hạn hợp đồng mua bán điện (PPA) 20 năm trong PPA mẫu của nhà máy điện mặt trời, trong khi giữ nguyên thời hạn 20 năm trong PPA mẫu của nhà máy điện gió, nên EVN và các chủ đầu tư rất khó có thể thống nhất thời hạn PPA của nhà máy điện mặt trời.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng chưa hướng dẫn cụ thể về đời sống kinh tế cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, chi phí vận hành và bảo dưỡng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, lãi vay hay tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, nên các chủ đầu tư và EVN cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán.
Đồng thời, EVN còn đề xuất các chủ đầu tư cung cấp hồ sơ liên quan tới công trình theo quy định của điểm b, khoản 2, Điều 1, Thông tư 15/2022/TT-BCT (Thông tư 15).
“Một số hồ sơ thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư trước pháp luật, EVN không có thẩm quyền kiểm tra xác nhận, nhưng do quy định trên là điều kiện để được áp dụng Thông tư 15, nên EVN sẽ phải yêu cầu chủ đầu tư các hồ sơ liên quan tới công trình”, EVN giải thích.
Tính pháp lý là câu hỏi khó
Theo đề xuất của EVN, ở giai đoạn đàm phán và ký kết PPA, chủ đầu tư tối thiểu phải có các văn bản về quy hoạch; quyết định chủ trương đầu tư; kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi/thiết kế cơ sở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quyết định đầu tư dự án.
Ở giai đoạn công nhận vận hành thương mại (COD), chủ đầu tư sẽ phải thực hiện đúng quy định PPA mẫu ban hành bởi Bộ Công thương.
Còn giai đoạn đưa công trình vào vận hành, chủ đầu tư sẽ phải có các văn bản giao đất/cho thuê đất; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (nếu có); kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật của cơ quan quản lý nhà nước, văn bản chấp thuận kết quả kiểm tra nghiệm thu...
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Bùi Vạn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận cho hay, EVN có yêu cầu các hồ sơ này theo quy định của Thông tư 15 cũng là việc phải tuân thủ theo quy định thôi. Tuy nhiên, về phía các chủ đầu tư thì đúng là có những hồ sơ sẽ không hề đơn giản vào thời điểm này như điều chỉnh chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư nếu dự án trên thực tế có khác so với giấy phép ban đầu. Ngoài ra, còn phải đủ biên bản kiểm tra nghiệm thu của cơ quan chức năng với dự án cũng như giấy tờ đất, phòng cháy chữa cháy…
Các chuyên gia am hiểu về đàm phán giá điện cũng cho rằng, nếu quy định bắt liệt kê 10 loại giấy tờ phải có để ký hợp đồng mua bán điện thì EVN/EPTC cũng sẽ đề nghị các chủ đầu tư cung cấp đầy đủ mới có thể đàm phán và ký kết được.
“Thời gian qua, EVN phải đối mặt với cơ quan thanh, kiểm tra về các vấn đề này, nên cũng phải yêu cầu đủ theo quy định thôi. Giờ sẽ khó có chuyện linh hoạt, cứ đàm phán trước và nộp bổ sung giấy tờ sau, bởi sẽ có những nhà đầu tư khác cho là không công bằng. Tất nhiên, nếu không có sự chuẩn bị trước thì việc nộp được đủ hồ sơ lúc này cũng không dễ”, một chuyên gia nói.
Nguồn: Báo Đầu tư