10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2022
Báo Công Thương trân trọng giới thiệu 10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2022, tác động đến quan hệ giữa các nước cũng như quá trình phục hồi kinh tế.
1. Cuộc sống trên thế giới trở lại bình thường sau đại dịch
Năm 2022, cuộc sống ở các nước trên thế giới đã cơ bản trở lại bình thường sau đại dịch Covid-19. Riêng với Trung Quốc, dù kích hoạt các phản ứng nghiêm ngặt theo chính sách Zero-Covid và đóng cửa nền kinh tế, nhưng cho đến cuối năm 2022, Chính phủ nước này đã quyết định nới lỏng các hạn chế và bắt đầu mở cửa trở lại, tạo ra những tín hiệu lạc quan về sự trở lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với sức cầu rất lớn và thị trường đa dạng.
2. Căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang với đỉnh điểm là cuộc xung đột Nga - Ukraine
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine từ tháng 2 đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển và thương mại, gia tăng các biện pháp trừng phạt cũng như rủi ro của các biện pháp ứng phó kinh tế. Những căng thẳng này đang và sẽ dẫn đến việc tăng cường chi tiêu quân sự giữa các cường quốc, đồng thời tác động đến kinh tế thế giới cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
3.Các thị trường phát triển trên đà phục hồi với tốc độ chậm
Sự phục hồi sau đại dịch đã diễn ra ở khắp các nước trên thế giới, đặc biệt là ở thị trường phát triển nhưng với tốc độ chậm hơn so với trước đại dịch. Để ngăn chặn lạm phát gia tăng, các ngân hàng trung ương ở Mỹ, Canada và châu Âu đã thực hiện các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm 2022 và khả năng còn tăng lãi suất trong đầu năm 2023. Các dự báo kinh tế trên thế giới đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng dương của các thị trường lớn, mặc dù tồn tại những lo ngại về tốc độ và quy mô của các đợt tăng lãi suất có thể đẩy nền kinh tế Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác vào suy giảm.
4. Chuỗi cung ứng vượt qua cơn bĩ cực
Năm 2022, chuỗi cung ứng đang dần trở lại, mặc dù đối diện với các đợt đóng cửa ở Trung Quốc, chiến tranh ở Ukraine, thời tiết khắc nghiệt… nhưng nhìn chung, đã có những dấu hiệu cho thấy các hạn chế đang được nới lỏng, ngay cả khi chưa hoàn toàn trở lại bình thường trước đại dịch. Giá cước vận tải biển giảm mạnh. Các nhà sản xuất đã tăng lượng hàng tồn kho và tiếp tục tuyển dụng rầm rộ để vượt qua những cú sốc trong tương lai. Chuỗi cung ứng hứa hẹn sẽ tiếp tục thay đổi cho đến khi các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và các công ty tìm được giải pháp thay thế và quen với thực tế mới về khả năng phục hồi.
5. Động lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng
Cuộc khủng hoảng năng lượng mà tâm điểm ở châu Âu, cũng đã làm thay đổi bối cảnh địa chính trị, khi các quốc gia tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng thay thế. Trong trung và dài hạn, điều này đang và sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo và chuyển trọng tâm thương mại năng lượng toàn cầu từ sử dụng dầu mỏ là chính sang sử dụng các năng lượng điện.
6. Dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người
Năm 2022, dân số thế giới đã chính thức chạm mốc 8 tỷ người, mở ra những cơ hội to lớn về quy mô thị trường tiêu dùng toàn thế giới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Con số 8 tỷ cho thấy một nguồn lực to lớn, nguồn lao động dồi dào để thế giới thực hiện những mục tiêu về phát triển con người, thúc đẩy kinh tế - xã hội. Dấu mốc này cho thấy sự thành công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, là minh chứng rõ nét nhất cho những đột phá về khoa học - công nghệ, y học, dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giúp gia tăng tuổi thọ. Đồng thời cũng đặt ra những thách thức ở phạm vi toàn cầu, tạo ra những tác động mạnh mẽ tới an ninh lương thực, an ninh nguồn nước…
7. 55 năm ASEAN hình thành và phát triển
Năm 2022 kỷ niệm dấu mốc đặc biệt khi ASEAN tròn 55 tuổi. Mặc dù đối mặt với hàng loạt thách thức như phục hồi sau đại dịch, tác động của xung đột Ukraine và sự cạnh tranh giữa các nước lớn, ASEAN vẫn chứng minh vị thế và sức bật trong thời đại mới, trở thành điểm sáng của thế giới về tăng trưởng kinh tế. Hiện ASEAN chiếm gần 8% xuất khẩu toàn cầu, khoảng 10% tổng số nguồn vốn FDI thế giới. Quy mô nền kinh tế số dự kiến đạt 194 tỷ USD. Trong năm 2022, ASEAN đã nâng cấp quan hệ với Mỹ và Ấn Độ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Thương mại nội khối ASEAN đang tăng trưởng hơn 30% giúp giảm bớt một phần sự sụt giảm trong xuất khẩu sang Mỹ, EU và Trung Quốc…
8. WTO đạt gói thỏa thuận lịch sử sau 4 năm gián đoạn
Tháng 6/2022, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 của WTO (MC12) tại Geneva, Thụy Sỹ, WTO đã thông qua một gói thỏa thuận mang ý nghĩa lịch sử, được kỳ vọng sẽ đem lại bước tiến mới cho kinh tế thế giới – gọi là “ Gói Geneva”. Gói thỏa thuận bao trùm nhiều vấn đề quan trọng, từ trợ cấp thủy sản, ứng phó đại dịch Covid-19, an ninh lương thực, thương mại điện tử cho đến việc cải cách hoạt động của WTO.
9. Hành động khẩn cấp ứng phó biến đổi khí hậu
Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tổ chức tại thành phố Sharm El- Sheikh, Ai Cập đã thông qua thỏa thuận khí hậu đáng chú ý là việc các nước nhất trí thành lập quỹ "Tổn thất và thiệt hại" để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Trải qua hơn 30 năm đàm phán, nội dung này mới lần đầu được đưa vào thực hiện. Đây là thắng lợi lớn nhất của các nước đang phát triển, trong nỗ lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
10. Xu hướng chuyển đổi toàn cầu hóa
Xung đột ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt sau đó đối với Nga đã góp phần định hướng lại dòng chảy thương mại. Các doanh nghiệp trên thế giới cũng đang thiết kế lại chuỗi cung ứng bằng cách tăng số lượng nhà cung cấp, xây dựng hàng tồn kho và đầu tư vào hội nhập theo chiều dọc. Các Chính phủ cũng đang ngày càng áp dụng các chính sách công nghiệp cho các ngành "chiến lược" để giảm sự phụ thuộc kinh tế.
Nguồn: Báo Công Thương