Đa số bộ, ngành đồng ý lựa chọn biểu giá bán lẻ điện theo phương án 5 bậc
Theo ý kiến góp ý cho dự thảo biểu giá bán lẻ điện mới, hầu hết người dân tham gia góp ý đồng tình rút ngắn từ 6 bậc còn 5 bậc đối với giá điện sinh hoạt.
Không làm thay đổi giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt
Vào tháng 10/2022, Bộ Công Thương gửi các bộ ngành, địa phương lấy ý kiến về biểu giá bán lẻ điện mới. Đối với biểu giá điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đề xuất thay đổi theo hướng rút gọn từ 6 bậc còn 5 bậc hoặc 4 bậc.
Trên cơ sở các phương án đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tư vấn đề xuất, Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan thuộc Quốc hội; các Bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức liên quan; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Thống kê ý kiến góp ý của các đơn vị về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt.
Thông tin từ Cục Điều tiết điện lực cho biết, trong số các ý kiến góp ý gửi về Bộ Công Thương, 92,2% đề xuất lựa chọn phương án 1 (rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc và thay đổi tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân). Chỉ có 7,8% đề xuất lựa chọn phương án 2 (rút ngắn từ 6 bậc xuống 4 bậc và thay đổi tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân).
Biểu giá bán lẻ điện mới vẫn đảm bảo các chính sách an sinh xã hội |
Theo Cục Điều tiết điện lực, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành được thiết kế theo các bậc là đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, đảm bảo chính sách an sinh xã hội của Nhà nước thông qua việc quy định mức giá thấp cho những bậc đầu nhằm hỗ trợ hộ có mức sử dụng điện thấp và trung bình.
Việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt mặc dù không làm thay đổi giá bán lẻ điện bình quân nhưng sẽ có một số khách hàng phải tăng tiền điện. Ngược lại, sẽ có một số khách hàng được giảm tiền điện so với giá điện hiện hành ở các mức độ khác nhau, tùy thuộc vào mức độ sử dụng điện của khác hàng.
Đồng thời, biểu giá mới được xây dựng, đề xuất đảm bảo theo nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu, cải tiến biểu giá bán lẻ điện là đảm bảo không thay đổi giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt.
Việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt chỉ thay đổi kết cấu sử dụng điện của từng bậc và giá điện cho từng bậc với mục tiêu đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thuận lợi cho hộ sử dụng điện cũng như thuận lợi cho quản trị doanh nghiệp; nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả…
Người dùng ít hưởng lợi nhiều
Chuyên gia năng lượng Mã Khai Hiền- Giám đốc Trung tâm Enterteam, đánh giá: Với phương án 5 bậc, những hộ gia đình sử dụng ít điện sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi so sánh với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay. Những người sử dụng nhiều điện, từ 700 số trở lên, sẽ phải trả nhiều tiền hơn.
Trước đó, tại hội nghị tổng kết năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt sửa đổi Quyết định 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Việc thay đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trong thời điểm hiện nay là cần thiết khi mà chi phí đầu vào từ đầu năm 2022 đến nay đã tăng cao. Giá bán lẻ điện bình quân được Chính phủ, Bộ Công Thương cho phép điều chỉnh gần nhất từ ngày 20-3-2019 và giữ nguyên đến thời điểm hiện nay, gần bốn năm.
Những hộ nghèo, hộ dùng điện ít không ảnh hưởng bởi biểu giá điện bán lẻ mới |
Trong năm 2020, 2021 khi tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, EVN đã nỗ lực để đáp ứng đủ nhu cầu điện cho đời sống nhân dân và đồng thời đã năm đợt hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 với tổng số tiền 15.232 tỉ đồng.
Từ đầu năm 2022, giá nhiên liệu thế giới và trong nước tăng đột biến làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao, đặc biệt giá than nhập khẩu tăng hơn ba lần. EVN đã rà soát kỹ lưỡng các khoản chi phí, tiết kiệm, cắt giảm tối đa chi phí.
Tuy nhiên, kết quả tính toán giá điện theo quy định tại quyết định 24 cho thấy chi phí đầu vào đã tăng cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật điện lực, Quyết định số 28, các hộ nghèo, chính sách được ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền điện. Trên cơ sở đó, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định (không thuộc diện hộ nghèo) và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50kWh được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30kWh, tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Theo biểu giá trên thì các hộ nghèo, hộ chính sách (khoảng 1,8 triệu hộ) vẫn được nhà nước hỗ trợ với tổng số trên 1.000 tỷ đồng/năm như hiện nay, không bị thay đổi.
Trên thực tế, chi phí mua điện chiếm tỉ trọng lớn trong giá điện của EVN. Ngay khi có sự biến động của giá than cho các nhà máy nhiệt điện than, giá dầu dùng để tính giá khí (đối với các nhà máy điện tuốc bin khí), tỉ giá ngoại tệ sử dụng để mua than nhập khẩu, mua khí... thì chi phí của các nhà máy đều bị tác động.
Thị trường điện tại Việt Nam hiện đang trải qua hai giai đoạn phát triển: thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh và sẽ tiến tới giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo Luật điện lực, nên cần có cơ chế điều chỉnh giá điện phù hợp hơn với từng giai đoạn.
Nguồn: Báo Công Thương