Bạn đang ở đây

Yên Bái - Nỗ lực chuyển đổi số để nhân dân hạnh phúc hơn

26/12/2022 07:53:38

Ghi chép của THÀNH TRUNG

Trước sự phát triển bùng nổ của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin trong thời đại hiện nay, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, là yêu cầu khách quan để phát trin của toàn nhân loại. Đứng trước xu thế đó, để không bị bỏ lại phía sau, các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã nhanh chóng bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số. Các Chương trình, Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt xác định rất rõ quan điểm, lấy người dân là trung tâm của quá trình chuyển đổi số. Trong ba trụ cột của chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số là để phục vụ người dân tốt hơn, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số để mỗi người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và phát triển xã hội số để người dân trở nên hạnh phúc hơn, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn. Bắt nhịp với xu thế của thế giới và đất nước, Yên Bái- một tỉnh miền núi tuy còn nghèo và nhiều khó khăn nhưng cũng đã và đang nỗ lực phát triển một môi trường số hiện đại, an toàn, hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Nhận thức rõ tầm quan trọng và tính cấp thiết của chuyển đổi số trong việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương nên ngay từ Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021- 2025. Sau Hội nghị lần thứ Chín, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 với quan điểm và mục tiêu: Đổi mới căn bản, toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành, vận hành hệ thống quản lý nhà nước và xã hội, xây dựng mô hình đô thị thông minh, tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số nhằm nâng cao chất lượng đời sống xã hội và sự hài lòng của người dân; Phấn đấu đến năm 2025 đưa Yên Bái vào nhóm 30/63 tỉnh, thành phố của cả nước về chuyển đổi số và đến năm 2030 sẽ thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh để tiếp tục nâng thứ hạng của Yên Bái  lên cao hơn nữa trên Bảng xếp hạng đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) hàng năm. Để hiện thực hóa tất cả mục tiêu đó, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Chương trình hành động số 15/CTr-UBND ngày 26/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh (viết tắt là Chương trình hành động số 15) cũng nhanh chóng được các cấp, các ngành và địa phương triển khai thực hiện. Chương trình hành động đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 51. Trong đó đưa ra 15 mục tiêu cơ bản đến năm 2025, 10 mục tiêu cơ bản đến năm 2030, 19 nhiệm vụ chung, 69 nhiệm vụ cụ thể cho các ban, sở, ngành, địa phương.

Xác định chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ và sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp trong toàn hệ thống chính trị và mỗi người dân chính là nền tảng quan trọng trong chuyển đổi số của tỉnh. Cho nên ngay khi mới bắt tay vào triển khai, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số; việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số trong Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 15 của UBND tỉnh; gắn việc triển khai với nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đặc biệt là truyền thông đến người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và lợi ích đem lại từ việc chuyển đổi số, giúp người dân hiểu rõ về các khái niệm liên quan trong chuyển đổi số, từ đó dần hình thành các thói quen và hành động hưởng ứng tham gia. Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh được thành lập, do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban; Ban Chỉ đạo của các sở do Giám đốc sở làm Trưởng Ban; các huyện, thị, thành phố do đồng chí Bí thư Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND làm Trưởng Ban.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đã khẳng định, định hướng phát triển hàng đầu trong năm 2022 của Yên Bái chính là chuyển đổi số. Xác định là “con nhà nghèo”, muốn phát triển được, muốn đi tắt đón đầu, thì Yên Bái phải lựa chọn phát triển công nghệ. Bởi khi nền tảng hạ tầng công nghệ thông suốt, mọi thủ tục được số hóa, thuận tiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp, sẽ là một lợi thế thu hút nhà đầu tư, đời sống người dân qua đó được nâng cao, cho nên các đồng chí lãnh đạo tỉnh tin tưởng và hy vọng rằng với định hướng này, Yên Bái sẽ đón đầu cơ hội bứt phá, dù “đi sau” nhưng có thể “đuổi kịp, tiến cùng”, sớm rút ngắn khoảng cách với các tỉnh, thành phát triển trong cả nước. Với quyết tâm cao, tinh thần nghiêm túc và nỗ lực triển khai thực hiện chuyển đổi số để phát triển; từ những chủ trương, chỉ đạo qua các Nghị quyết, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Yên Bái đã bước vào cuộc đại chuyển đổi. Bằng cách tiếp cận riêng là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực đã có sẵn dữ liệu đầu vào, dễ làm trước, khó làm sau, Yên Bái tiến hành triển khai chuyển đổi số từ những việc cụ thể, bắt đầu từ xã, phường chuyển đổi số, huyện chuyển đổi số, trường học chuyển đổi số, sở chuyển đổi số, doanh nghiệp chuyển đổi số... Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tỉnh đã tập trung đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho công tác chuyển đổi; chủ động hợp tác, đặt hàng tư vấn, hỗ trợ từ các doanh nghiệp công nghệ thông tin- viễn thông hàng đầu của cả nước như Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT. Đầu năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh đã có chuyến đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm và ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số với Tập đoàn Viettel tại Hà Nội. Các cấp ủy cấp huyện luôn chủ động tìm kiếm các giải pháp chuyển đổi số bằng việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ thông tin- viễn thông còn người dân Yên Bái cũng đã thay đổi nhận thức, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới từ chuyển đổi số. Sự quyết liệt trong chỉ đạo và quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị đã đem về cho Yên Bái những quả ngọt đầu tiên trong công cuộc chuyển đổi số. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm triển khai Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Kết quả lớn nhất có thể kể đến chính là sự thay đổi, chuyển biến trong nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ chuyển đổi số được tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số trong thời gian tiếp theo. Tỉnh đã bước đầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số phục vụ hiệu quả các hoạt động chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, cho người dân. Đầu tháng 3/2022, Trung tâm tích hợp dữ liệu điện tử tỉnh Yên Bái (DC)- nơi tập hợp hệ thống máy chủ và các trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ việc lưu trữ, vận hành các ứng dụng và dữ liệu của tỉnh đã chính thức được khai trương và đi vào khai thác sử dụng với 12 hệ thống phần mềm của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và các máy chủ, dữ liệu của dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thông minh được đưa vào vận hành. Trước đó, Trung tâm Giám sát an ninh không gian mạng của tỉnh cũng đã được đưa vào sử dụng. Trung tâm được kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) và giám sát 38 nút mạng tại các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố; thực hiện giám sát 143 ứng dụng, 67 máy chủ và hơn 1000 thiết bị đầu cuối tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Hệ thống camera giám sát đô thị thông minh với 58 điểm, 155 cam được lắp đặt trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có 09 điểm giám sát xử lý vi phạm giao thông, 44 điểm giám sát an ninh, trật tự; 05 điểm quay quét tầm cao, xa. Mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến nay đã được triển khai tại 408 điểm; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến triển khai gần 200 điểm cầu, kết nối từ Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng cấp ủy, chính quyền cấp huyện và được mở rộng đến 173 xã trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh là 100% (425 dịch vụ); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt 78,33%; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan Nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 20% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 100% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính tại 3 cấp chính quyền, góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025...

Từ những nỗ lực trong công tác chỉ đạo và tích cực triển khai của các cấp, các ngành, các địa phương và sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp cùng người dân trong toàn tỉnh, đến nay, kinh tế số, xã hội số của tỉnh đã bắt đầu được hình thành. Tỉnh đã xây dựng và bước đầu đi vào vận hành hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý, thông tin về sản phẩm OCOP. 100% đơn vị cấp xã có băng rộng cáp quang. Tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 94%. Tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng điện thoại thông minh đạt 94,7%. 100% cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý nhà trường. 100% cấp huyện có hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (telehealth), đưa Yên Bái trở thành tỉnh thứ 6 trên cả nước triển khai thí điểm hệ thống telehealth đến cấp xã. 65% người dân trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám bệnh, chữa bệnh. Chủ động, linh hoạt, thích ứng an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới, tỉnh đã triển khai một số nền tảng công nghệ hỗ trợ và truyền thông chủ động về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh như triển khai Bản đồ thông tin dịch tễ, cập nhật số liệu, thông tin hàng ngày về tình hình dịch bệnh; cập nhật dữ liệu tiêm chủng lên nền tảng thông qua hệ thống dữ liệu tiêm chủng toàn tỉnh; Hệ thống nền tảng xét nghiệm SARS-CoV-2 trên PC-COVID giúp người dân nhận được kết quả xét nghiệm trên điện thoại thông minh nhanh chóng, chính xác; Hệ thống phần mềm Chăm sóc sức khỏe tại nhà cho bệnh nhân F0 tại nhà...

Quá trình chuyển đổi số của tỉnh được khởi đầu bằng việc xây dựng 8 mô hình thí điểm tại 8 đơn vị thuộc 3 cấp chính quyền và doanh nghiệp và bước đầu đã đem lại kết quả tích cực. Là tỉnh thứ 3 trên cả nước triển khai nền tảng số Sổ tay đảng viên điện tử, “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” được triển khai thí điểm tại Sở Thông tin và Truyền thông, Chi bộ Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và 09 tổ chức Đảng thuộc huyện Yên Bình. Là đơn vị cấp huyện được chọn làm mô hình thí điểm, UBND huyện Văn Yên là đơn vị đầu tiên ban hành Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2021- 2025; thành lập “Tổ công nghệ cộng đồng” cấp xã tại 25/25 xã, thị trấn, “Tổ công nghệ cộng đồng” cấp thôn tại 172/172 thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện; phê duyệt danh mục phần việc đăng ký thực hiện để hưởng ứng “Năm đột phá về chuyển đổi số” của huyện năm 2022. Với xã chuyển đổi số, xã Tú Lệ (huyện Văn Chấn) là xã thực hiện mô hình thí điểm. Sau 6 tháng triển khai, đến nay 100% cán bộ, công chức xã có tài khoản phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; 100% cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức có thẩm quyền được cấp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; 100% cán bộ công chức xã được cấp và sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ; Trang thông tin điện tử xã có trên 4 nghìn lượt truy cập. Bộ phận điều hành thông minh với chức năng giám sát các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, kinh tế- xã hội, đặc biệt đã hiển thị, giám sát thời gian thực (realtime) tình hình giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa điện tử và các số liệu lĩnh vực giáo dục, y tế giúp UBND xã chủ động trong chỉ đạo điều hành. Hệ thống camera đã được lắp đặt tại 04 điểm công cộng, tích hợp với hệ thống giám sát an ninh, góp phần tăng cường công tác bảo đảm an ninh- trật tự công cộng trên địa bàn xã. Trong quá trình tổ chức triển khai thí điểm, nhiều cơ quan, đơn vị mặc dù chưa có trong kế hoạch nhưng cũng đã chủ động tiếp cận với công nghệ, nền tảng số để ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn. Hiện tại, lĩnh vực tài nguyên môi trường đã triển khai nhiều phần mềm để xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; cơ sở dữ liệu địa chính thống kê, kiểm kê đất đai; cơ sở dữ liệu địa chính quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sở dữ liệu địa chính giá đất; vận hành trạm tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động; đưa vào sử dụng thử nghiệm phần mềm Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng hệ thống quản lý môi trường trực tuyến tỉnh Yên Bái. Trong lĩnh vực nội vụ, bằng hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin, “Hệ thống cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Yên Bái” được cài đặt, sử dụng tập trung, cung cấp tài khoản truy cập tới 100% các cơ quan, đơn vị 3 cấp tỉnh, huyện và xã...

Những kết quả bước đầu trong chuyển đổi số đã đem đến tín hiệu tích cực cho Yên Bái trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế của tỉnh. Chỉ số Par Index năm 2020 của Yên Bái đứng thứ 24/63 tỉnh, thành, tăng 2 bậc so với năm 2019, trong đó: Chỉ số hài lòng đứng thứ 16/63, tăng 3 bậc; chỉ số hiện đại hóa cải cách hành chính đứng thứ 12/63, tăng 3 bậc và đứng thứ 3 trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Năm 2022 được coi là năm bản lề để thúc đẩy tăng tốc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra; cũng là năm được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông coi là năm “Tổng tiến công chuyển đổi số”. Tại Chương trình hành động số 56-CTr/TU lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022 được Tỉnh ủy ban hành đã xác định, phát triển kết cấu hạ tầng và chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng trong chủ đề của năm, là một khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ tỉnh trong năm 2022. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, thực hiện chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai 03 nhiệm vụ tổng thể, xuyên suốt; 12 nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Với sự quyết liệt, quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị toàn tỉnh trong triển khai thực hiện chuyển đổi số, tin tưởng rằng mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Yên Bái cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; từng bước hoàn thành chuyển đổi số đối với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số mà Nghị quyết số 51-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra, chắc chắn sẽ trở thành hiện thực; để từ đó hoàn thành mục tiêu lớn nhất là phục vụ cho cuộc sống của nhân dân ngày càng giàu có hơn, hạnh phúc hơn, quê hương Yên Bái ngày càng phát triển, thịnh vượng hơn.

Nguồn: Cổng TTĐT hội VHNT Yên Bái