Bạn đang ở đây

Thị trường thực phẩm Việt hút doanh nghiệp Ba Lan

08/12/2022 07:50:24

Các doanh nghiệp Ba Lan có thế mạnh về dược phẩm, thực phẩm như sữa, thực phẩm chế biến, mỹ phẩm... là những mặt hàng thị trường Việt Nam có nhu cầu lớn.

Ba Lan đối tác thương mại lớn

Trong số các nước Liên minh châu Âu (EU), Ba Lan là một trong những đối tác thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam và là một trong những quốc gia có mức độ phát triển mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực kinh doanh thương mại với Việt Nam. Ba Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam tại khu vực Đông Âu và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài EU.

Thị trường thực phẩm Việt hút doanh nghiệp Ba Lan

Giới thiệu chương trình quảng bá “Châu Âu đầy hương vị truyền thống, chất lượng”

Ba Lan là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khối EU và Ba Lan cũng là cửa ngõ vào các nước phương Tây và Đông Âu. Vì vậy, khi các doanh nghiệp đưa được hàng vào thị trường Ba Lan sẽ được tiếp cận với thị trường 500 triệu người của EU.

Đánh giá tại buổi giới thiệu giới thiệu về chương trình quảng bá “Châu Âu đầy hương vị truyền thống, chất lượng” và các hoạt động của Đoàn doanh nghiệp Ba Lan tại Việt Nam chiều ngày 7/12, ông Piotr Harasimowicz - Trưởng đại diện Văn phòng Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TP. Hồ Chí Minh (PAIH) cho hay Việt Nam không chỉ nằm trong khu vực thị trường sôi động của châu Á mà còn là một quốc gia có cơ sở hạ tầng tốt cho việc phát triển thương mại. Hiện Việt Nam là đối tác tiêu thụ hàng nông sản và thực phẩm quan trọng của Ba Lan.

Đáng nói, trong số các thành viên EU, Ba Lan là một trong những quốc gia có mức độ phát triển mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực kinh doanh thương mại với Việt Nam. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của Covid-19 hai năm 2020 - 2021 vẫn tăng trưởng ấn tượng. Riêng năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ba Lan đạt gần 2,6 tỷ USD, tăng 22% so cùng kỳ năm 2020.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước đạt hơn 2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu hơn 1,8 tỷ USD và nhập khẩu hơn 252,9 triệu USD. Hiện Ba Lan đang có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng gạo, nông sản, dầu ăn, thực phẩm hữu cơ, sản phẩm tốt cho sức khỏe từ Việt Nam.

Ông Alexander Nowakowski - Bí thư thứ 3 Phụ trách kinh tế - Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam cho biết, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp Ba Lan đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, chế biến thực phẩm để hưởng các chính sách thuận lợi thương mại từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nói riêng và hàng loạt các FTA khác mà Việt Nam đang thực thi. Với 71% thuế quan được EU gỡ bỏ ngay lập tức đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và phần còn lại được gỡ bỏ trong vòng 7 năm, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa Việt Nam chinh phục thị trường Ba Lan nói riêng và EU nói chung trong thời gian tới.

Thị trường thực phẩm Việt hút doanh nghiệp Ba Lan

Ông Alexander Nowakowski cho biết thêm sản phẩm thực phẩm của Ba Lan chất lượng cao nhất là thịt bò, thịt ngỗng, sữa, kem sữa các loại, trái cây... những mặt hàng này sẽ có mặt ở thị trường Việt Nam nhiều hơn khi các doanh nghiệp Ba Lan tập trung xúc tiến phân phối mạnh. Hơn thế nữa, thị trường thực phẩm Việt Nam cũng có sức hấp mạnh mẽ các doanh nghiệp Ba Lan khi kinh tế tăng trưởng ổn định, nhu cầu tiêu dùng và mức chi tiêu cho các sản phẩm chất lượng cao ngày càng tăng. Người tiêu dùng Việt Nam cũng đang có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến thực phẩm sạch và những sản phẩm thịt và thực phẩm từ Ba Lan hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu này của thị trường Việt Nam.

"Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp hai nước cũng đã gặp gỡ trao đổi để đạt được thỏa thuận đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nông sản thực phẩm từ hai phía. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể đưa sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Ba Lan như gạo, cà phêm ngũ cốc, hạt tiêu, thủy sản, trái cây nhiệt đới... theo tiêu chuẩn của EU nhiều hơn nữa" - ông Alexander Nowakowski nhấn mạnh.

Để tăng cường sự hiện diện, tăng thị phần nhất là hàng thực phẩm Ba Lan tại thị trường Việt Nam các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm như thịt, sữa, hoa quả của Ba Lan sẽ kết nối các khách hàng tiềm năng, gặpcác nhà sản xuất, các đối tác, các siêu thị tại Việt Nam. Bên cạnh đó là các chương trình thông tin trên mạng xã hội cũng được đẩy mạnh hơn để giới thiệu các sản phẩm của Ba Lan cũng như các chứng chỉ chất lượng của Ba Lan và liên minh châu Âu tới người tiêu dùng Việt Nam.

Nguồn: Báo Công Thương