Tại Hội nghị về cơ chế, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc và đề xuất giải pháp.
Nhiều vướng mắc trong cơ chế, chính sách
Đại diện cho đơn vị chủ trì thực hiện công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Văn Thịnh- Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương thẳng thắn nhìn nhận: Việc thực hiện công tác quản lý và phát triển cụm công nghiệp hiện gặp nhiều vướng mắc.
Trong đó, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực: Đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng liên quan đến cụm công nghiệp còn thiếu đồng bộ, kịp thời… dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong áp dụng, triển khai thực hiện quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại các địa phương.
Một số địa phương không lập quy hoạch phát triển cụm công nghiệp giai đoạn vừa qua nên gặp khó khăn trong đầu tư phát triển cụm công nghiệp. Về lập, trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 (trong đó có phương án phát triển cụm công nghiệp) tại nhiều địa phương còn chậm, vì vậy phải thực hiện thủ tục điều chỉnh, bổ sung nhiều lần để đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguỹen Sinh Nhật Tân: Sẽ cố gắng hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển cụm công nghiệp |
Nhiều cụm công nghiệp chưa được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, đặc biệt hạ tầng xử lý môi trường, khó thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư, hiệu quả đầu tư không cao.
Các cơ quan Trung ương và nhiều địa phương chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đủ mạnh để hoàn thiện đầu tư hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp và các doanh nghiệp thứ cấp vào cụm. Nguyên nhân chủ yếu là do ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương còn hạn chế, chưa ưu tiên bố trí cho nội dung hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.
Từ thực tế địa phương, tại Hội nghị, ông Quách Tất Liêm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình, phản ánh: Nghị định 68 quy định về tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp đạt trên 50% mới được triển khai cụm công nghiệp khác trên cùng địa bàn. Trong khi đó, thời gian thực hiện các thủ tục dài, gây lãng phí cho doanh nghiệp nên chăng cho phép nhà đầu tư làm cuốn chiếu.
Những quy định về chuyển đổi đất rừng, đất lúa từ 10ha trở lên phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào cụm công nghiệp hay khu thiết chế để làm nhà ở cho công nhân cũng cần được “nới” hơn để thuận lợi cho nhà đầu tư. “Trong văn bản, chính sách mới cũng cần quy định rõ chức năng của UBND huyện và phòng ban liên quan để cấp chính quyền này có trách nhiệm hơn trong quản lý, thu hút đầu tư cụm công nghiệp”, ông Quách Tất Liêm nói.
Ông Phạm Bá Oai - Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hoá |
Ông Phạm Bá Oai - Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hoá cũng, chỉ ra: Nghị định 68 và Nghị định 66 đã tạo hành lang pháp lý tốt cho hình thành, quản lý cụm công nghiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công Thương Thanh Hoá cũng cho rằng: Trong quy hoạch cụm công nghiệp, các tỉnh đề xuất những điều chỉnh nhỏ thì phân cấp cho địa phương nhưng phải nêu rõ nội dung nào phải báo cáo Bộ, nội dung nào chỉ báo cáo tỉnh để tránh vượt thẩm quyền.
Mặt khác, quy định chỉ được thu hút đầu tư thứ cấp sau khi đã hoàn thành đầu tư hạ tầng sẽ mất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Nên chăng cho phép cùng với đầu tư hạ tầng, có thể kêu gọi đầu tư thứ cấp và dự án thứ cấp chỉ được đi vào hoạt động khi hoàn thành hạ tầng. Bên cạnh đó, cần có mẫu thống nhất về quy chế quản lý riêng trong cụm công nghiệp để không trở thành rào cản.
Khắc phục khó khăn, hoàn thiện khung pháp lý
Trước ý kiến của các địa phương, phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân một lần nữa, khẳng định: Nghị định 68, Nghị định 66 đã góp phần thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp, giúp công tác quản lý bài bản và hiệu quả hơn. Từ đó, tạo động lực cho phát triển ngành công nghiệp nói chung và tiểu thủ công nghiệp nói riêng.
Tuy nhiên trong quá trình thực thi, có 1 số nội dung phát sinh từ sự chồng chéo giữa các băn bản quy phạm pháp luật, thực tiễn và những tồn tại từ lịch sử, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung 2 nghị định trên.
“Bộ Công Thương đề cao các ý kiến đóng góp của địa phương xuyên suốt theo các nội dung từ công tác quy hoạch, triển khai, tác động liên quan và đề xuất các giải pháp. Bộ Công Thương sẽ tiếp thu, ghi nhận để áp dụng trong quá trình sửa đổi, xây dựng cơ chế chính sách mới cho cụm công nghiệp”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng đồng thời phác ra những nét cơ bản trong định hướng sửa đổi Nghị định 66 và Nghị định 68. Cụ thể, về công tác quy hoạch sẽ cố gắng tích hợp đồng bộ và đơn giản hoá tối đa thủ tục hành chính.
Tại Hội nghị về cơ chế, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp đại diện nhiều địa phương, doanh nghiệp đã chỉ ra khó khăn và đề xuất kiến nghị gỡ khó |
Nội dung liên quan đến thành lập cụm công nghiệp sẽ kế thừa tinh thần Nghị định 66, Nghị định 68 để đồng bộ quy trình thành lập. Đồng thời hỗ trợ tối đa và cao nhất cho nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư thứ cấp.
Coi trọng yếu tố lựa chọn để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, cùng đó tận dụng ưu thế địa phương, sử dụng hiệu quả cao nhất tài nguyên đất, trong đó ưu tiên thu hút các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao. Đây là hướng mới trong nội dung dự thảo nghị định thay thế Nghị định 66 và Nghị định 68.
“Liên quan đến phân cấp, phân quyền, chỉ định 1 đầu mối quản lý chung. Chúng tôi tiếp thu theo hướng Bộ tập trung ban hành hành lang pháp lý chung còn lại tôn trọng quyền tự quyết của địa phương nhất là tính đặc thù”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, đồng thời cho biết: Về cơ bản, hành lang pháp ý liên quan đến phát triển cụm công nghiệp đã có nhưng đang rải rác ở một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Nghị định thay thế Nghị định 66 và Nghị đinh 68 sẽ cố gắng tích hợp toàn bộ nội dung phát triển cụm công nghiệp vào một văn bản, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan quản lý tại địa phương và trong thực thi của doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Công Thương