Bạn đang ở đây

Xử lý nghiêm vi phạm, gian lận trên sàn thương mại điện tử

10/08/2022 08:20:53

Để công tác chống hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc trên sàn thương mại điện tử đạt hiệu quả, cần tăng cường phối hợp giữa đơn vị chức năng liên quan.

Theo Sách trắng thương mại điện tử, dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm thông qua mua sắm online. Điều này cho thấy, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về phát triển thương mại điện tử với tốc độ tăng trưởng thuộc Top 3 trong khu vực Ðông Nam Á.

Xử lý nghiêm vi phạm, gian lận trên sàn thương mại điện tử
Nhu cầu mua hàng trên sàn thương mại điện tử ngày càng tăng

Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết, hàng hóa giới thiệu trên các website bán hàng trực tuyến, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng rất phong phú, đa dạng với hàng nghìn chủng loại sản phẩm, nhiều hình thức dịch vụ giao nhận, thanh toán khác nhau. Mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp, trong khi đó các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Việc xử lý vi phạm đối với các hành vi gian lận thương mại trên các sàn thương mại điện tử cũng gặp không ít khó khăn, do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp "ảo" không đơn giản.

Cũng chính vì tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu ngày càng lớn, các đối tượng thường xuyên tận dụng mọi kẽ hở để vừa cung cấp thông tin về hàng hóa, thông tin giao dịch trên internet; quảng bá trực tuyến và khuyến mại rầm rộ; vừa thẩm lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ qua cửa khẩu, biên giới, cảng biển, sân bay… bán tràn lan trên thị trường nội địa với quy mô lớn. Như vậy, thương mại điện tử đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung và công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi vận chuyển, kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử nói riêng.

Để ngăn chặn tình trạng này, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác về thương mại điện tử với nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Tổng cục trưởng trong Quản lý thị trường về thương mại điện tử. Cùng với đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Công văn số 1621/TCQLTT-VPTC gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về việc thành lập Tổ công tác về thương mại điện tử. Tổng cục Quản lý thị trường cũng chủ trì thành lập Đoàn theo dõi tình hình thi hành pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử...

Để công tác chống hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc trên môi trường thương mại điện tử đạt hiệu quả cao hơn nữa, sự tăng cường phối hợp giữa các đơn vị chức năng rất quan trọng; đặc biệt là phối hợp với các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm. Liên quan đến nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, sẽ đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho lực lượng Quản lý thị trường về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử. Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật để hoạt động này lan tỏa rộng rãi tới doanh nghiệp, nhất là các sàn giao dịch thương mại điện tử và người tiêu dùng trong việc chủ động trang bị các kỹ năng mua hàng trên mạng.

Trong thương mại điện tử, 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 168 vụ việc, xử lý 147 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 1,9 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại...

Nguồn: Báo Công thương