Lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa, kéo chỉ số MXV-Index chung tăng phiên thứ tư liên tiếp, đạt 2.617 điểm.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), phiên giao dịch vừa qua lực mua chiếu ưu thế trên thị trường. Cả 4 chỉ số MXV-Index riêng của 4 nhóm nguyên liệu đều tăng điểm và kéo chỉ số MXV-Index chung tăng phiên thứ tư liên tiếp, đạt 2.617 điểm.
Tâm điểm của thị trường trong phiên giao dịch hướng về cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Trong đó, nhóm năng lượng và kim loại chịu tác động nhiều nhất bởi yếu tố vĩ mô này. Thị trường năng lượng đón nhận dòng tiền đầu tư tăng mạnh trong phiên, đạt mức hơn 2.200 tỷ đồng. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng vọt đến 31%, cán mốc 4.000 tỷ đồng, ghi nhận mức cao nhất trong vòng 3 tuần qua.
Giá dầu được hỗ trợ trong bối cảnh tồn kho giảm mạnh
Giá dầu tăng trở lại trong phiên giao dịch hôm qua, khi thị trường đón nhận các thông tin tích cực. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 2,4% lên 97,26 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 2,22% lên 101,67 USD/thùng.
Phiên giao dịch sáng hôm qua, dầu thô duy trì đà tăng từ khi mở cửa do lực mua “bắt đáy” và báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ API cho biết tồn kho dầu thô giảm mạnh 4 triệu thùng. Tuy vậy, giá chỉ thật sự bật tăng mạnh mẽ khi báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm mạnh 4,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 22/07.
Kết hợp với sự sụt giảm trong tồn kho dự trữ chiến lược (SPR), con số lên đến 10,1 triệu thùng. Trong khi đó, tồn kho xăng cũng giảm mạnh 3,3 triệu thùng, và tồn kho nhiên liệu chưng cất cũng giảm 0,8 triệu thùng. Đây là thông tin tích cực đối với thị trường, nhất là khi tồn kho các sản phẩm lọc dầu đã liên tục tăng trong giai đoạn nửa đầu tháng 7. Xuất khẩu dầu của Mỹ tăng mạnh khi tuần vừa rồi chênh lệch giữa giá Brent và giá WTI tăng cao.
Đáng chú ý sản lượng dầu nội địa tại Mỹ đã đạt mức 12,1 triệu thùng/ngày, cao hơn 1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, các công ty dịch vụ dầu khí tại Mỹ cảnh báo, trong giai đoạn 18 tháng tới, việc tăng sản lượng sẽ rất khó khăn, do thiếu hụt các thiết bị lọc và khoan dầu.
Dầu thô cũng nhận được hỗ trợ từ thông tin Nga tiếp tục cắt giảm khí vận chuyển qua đường ống Nord Stream 1. Hiện tại, đường ống này chỉ vận chuyển khoảng 20% công suất bình thường, bất chấp đây là con đường chính cung cấp khí đến cho châu Âu. Nga liên tục gây sức ép cho các nước châu Âu sau khi phương Tây liên tục thảo luận khả năng áp đặt trần giá lên dầu thô của nước này. Giá khí tăng có thể khiến cho nhu cầu chuyển đổi sang sử dụng dầu thô từ các nhà máy phát điện gia tăng.
Các mặt hàng kim loại tăng vọt ngay sau quyết định lãi suất của FED
Trên thị trường kim loại, sắc xanh bao phủ 8 trong số 10 mặt hàng trong nhóm sau tâm điểm của thị trường về mức lãi suất mới của FED. Giá vàng tăng gần 1% lên mức 1733,89 USD/ounce. Bạc đã có lúc tăng lên 19 USD/ounce trong phiên ngay sau cuộc họp, tuy nhiên, lực mua yếu dần về cuối phiên và kết thúc ngày giao dịch với mức giá 18,6%, tăng 0,35% so với phiên trước đó. Bạch kim dẫn đầu đà tăng của nhóm kim loại, đóng cửa ở mức 877,2 USD/ounce sau khi tăng 1,48%.
Cuộc họp của FED ngày hôm qua đã chính thức quyết định mức tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản và điều này không nằm ngoài dự đoán của thị trường. Đồng Dollar Mỹ giảm do rào cản tâm lý lo ngại về mức tăng mạnh tay hơn của FED được gỡ bỏ, trong khi Chủ tịch FED, ông Jerome Powell phát biểu sau cuộc họp rằng tốc độ tăng lãi suất nhiều khả năng sẽ chậm lại trong thời gian tới. Điều này đã hỗ trợ cho đà tăng của các mặt hàng trong nhóm kim loại quý do chi phí nắm giữ tiếp tục hạ nhiệt.
Bên cạnh đó, nhu cầu trú ẩn an toàn cũng được đẩy mạnh khi 2 lần liên tiếp trong hai tháng, FED đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm. Điều này cho thấy quyết tâm đẩy lùi lạm phát của ngài Powell cùng các đồng nghiệp, tuy nhiên, cũng cho thấy rủi ro suy thoái kinh tế có thể xảy ra. Nhu cầu trú ẩn được thúc đẩy, hỗ trợ cho đà tăng của bạc và bạch kim.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp và cán mốc 3,43 USD/pound, tương đương với mức tăng 1,34%. Bên cạnh yếu tố về mức tăng lãi suất đã không gây ra tính bất ngờ nào cho thị trường, động lực tăng của đồng còn đến từ triển vọng phục hồi trong nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc. Lợi nhuận ngành công nghiệp của quốc gia này trong tháng 6 được cải thiện với mức tăng 0,8% sau 2 tháng tăng trưởng âm trước đó. Trong khi đó, yếu tố về nguồn cung đang có thấy dấu hiệu thắt chặt khi các doanh nghiệp cắt giảm sản lượng trong nửa cuối năm do giá đồng liên tục lao dốc trước đó làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của họ.
Trong khi đó, đối với quặng sắt, đà tăng thu hẹp lại khi thị trường đánh giá về năng lực phục hồi của ngành thép tại Trung Quốc trong tương lai. Kết phiên, giá quặng sắt tăng 0,38% lên mức 112,12 USD/tấn trước thông tin 1 quận ở Thượng Hải đã đóng cửa một số kho thép sau khi 1 khu dân cư tại đây bị xếp vào khu vực có nguy cơ vì dịch bệnh.
Trên thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp sản xuất đồng loạt hạ giá các sản phẩm thép tuỳ theo chủng loại vào ngày hôm qua. Đây là đợt điều chỉnh giảm lần thứ 3 trong tháng 7. Thép Hòa Phát miền Bắc điều chỉnh giảm 310 đồng/kg đối với thép cuộn CB240 và giảm 150 đồng/kg đối với thép D10 CB300. Hiện giá thép xây dựng đang ở mức 15,3 - 16,9 triệu đồng/tấn.
Nguồn: Báo Công Thương