Bạn đang ở đây

Yên Bái - Những thành tựu quan trọng sau 30 năm tái lập tỉnh

01/10/2021 13:52:47

Dấu mốc ngày 01/10/1991 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, là ngày tỉnh Yên Bái được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai.

Những kết quả đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh là động lực để tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, quyết định này của Trung ương là hoàn toàn phù hợp và đúng đắn. Tỉnh Hoàng Liên Sơn với quy mô, diện tích, số lượng các huyện, thị trực thuộc quá lớn, gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý và tổ chức phát triển kinh tế - xã hội.

Việc chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn, tái lập hai tỉnh Yên Bái, Lào Cai, đã tạo điều kiện để cấp ủy, chính quyền mỗi tỉnh có điều kiện tập trung nghiên cứu, điều tra cơ bản, xác định những tiềm năng, thế mạnh, thuận lợi, cơ hội cũng như những hạn chế, khó khăn, thách thức; từ đó có cơ sở vạch ra các chủ trương, định hướng, chiến lược, mục tiêu và giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn phát triển.

Những kết quả quan trọng đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh

Yên Bái bước vào thời kỳ đổi mới sau ngày tái lập tỉnh với vô vàn khó khăn, thách thức: Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, kinh tế chậm phát triển, chủ yếu “tự cung tự cấp”, đời sống của nhân dân các dân tộc còn nghèo nàn, lạc hậu. Vượt lên những khó khăn, thách thức đó, 30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng đổi mới tư duy, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển quê hương Yên Bái vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Kinh tế duy trì tăng trưởng khá, những năm gần đây đạt trên 6,5%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, từ một tỉnh thuần nông đến nay công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỷ trọng khoảng 75% trong cơ cấu kinh tế. Sau 30 năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng hơn 60 lần, thu nhập bình quân đầu người/năm tăng 50 lần, thu ngân sách tăng 116 lần, giá trị xuất khẩu tăng 35 lần, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 700 lần. Sản xuất nông nghiệp từ chỗ chưa đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, đến nay đã chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, với nhiều sản phẩm chủ lực, đặc sản có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đi vào chiều sâu, là điểm sáng trong khu vực Tây Bắc. Thương mại, dịch vụ phát triển nhanh và khá đa dạng; dịch vụ du lịch có nhiều khởi sắc.

Kinh tế duy trì tăng trưởng khá, những năm gần đây đạt trên 6,5%/năm

Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư đồng bộ. Yên Bái là tỉnh đầu tiên của khu vực Tây Bắc có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trên địa bàn tỉnh có 7 cầu bắc qua sông Hồng, cùng với hệ thống quốc lộ, đường tỉnh kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cầu Bách Lẫm

Cùng với đó, kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc. Đồng bào vùng cao cơ bản đã có đủ tư liệu sản xuất, không còn phải phá rừng để làm nương rẫy, thay vào đó là bảo vệ rừng, nỗ lực phát triển kinh tế đồi rừng để xóa đói giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu từ rừng; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh tăng từ 23% lên 63%, thuộc nhóm đứng đầu cả nước.

Kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc

Văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo và có bước tiến bộ vượt bậc. Chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân không ngừng được nâng lên. Các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát triển. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (giai đoạn 2016 - 2020, giảm bình quân trên 5%/năm). Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Văn hóa - xã hội có bước tiến bộ vượt bậc

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được chú trọng thực hiện tốt. Đảng bộ tỉnh không ngừng lớn mạnh, đã có trên 58.000 đảng viên, 100% thôn, bản đã có chi bộ bền vững. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn, hợp lý, kết hợp với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể được xây dựng vững mạnh, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc.

Từ cuối đầu năm 2020 đến nay, trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực, quyết liệt thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, đã và đang giữ cho Yên Bái là tỉnh “vùng xanh” trên bản đồ dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội diễn ra trong trạng thái bình thường mới.

Đặc biệt, với phần thưởng cao quý Huân chương độc lập Hạng Nhất được Đảng và Nhà nước trao tặng tại Lễ kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Yên Bái (tháng 6/2020), đã khẳng định những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh. Đó là là sự kết tinh từ truyền thống đoàn kết, tinh thần đổi mới, sáng tạo, sự quyết tâm, nỗ lực vượt bậc vươn lên trong gian khó của các thế hệ cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Những kết quả đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh là động lực để cán bộ đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức đồng lòng, không ngừng đổi mới, sáng tạo, khơi dậy mạnh mẽ ý chí, khát vọng vươn lên tận dụng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo ra thế và lực mới đưa tỉnh Yên Bái thực sự phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá và hướng tới nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Những thành quả đạt được và kinh nghiệm trong 30 năm qua là vốn quý, là cơ sở thực tiễn và động lực quan trọng để Yên Bái bứt phá vươn lên trong giai đoạn tiếp theo. Do đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc; cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; xây dựng, hoàn thiện và đưa vào vận hành hiệu quả đề án đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử; tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, đồng thời, nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, để thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế; quan tâm phát triển đồng bộ, toàn diện, văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của nhân dân; quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Đồng chí Đỗ Việt Bách - Giám đốc Sở Giao thông vận tải

Đồng chí Đỗ Việt Bách - Giám đốc Sở Giao thông vận tải: Với lợi thế là cửa ngõ vùng Tây Bắc, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đầu mối giao thông, trung tâm kết nối, giao thương với các đô thị lớn vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh Yên Bái có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc. Do vậy, đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu, thời gian tới, ngành Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục phát triển hệ thống giao thông vận tải một cách đồng bộ, tạo mạng lưới giao thông thông suốt giữa các khu vực của tỉnh, đồng thời gắn kết với mạng giao thông vận tải quốc gia, tạo sự liên kết vùng thông suốt, trọng tâm là tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; tận dụng tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông vận tải hiện có, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tiếp tục triển khai thực hiện các dự án trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy; tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh trong việc phối hợp, triển khai thực hiện các dự án do Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư trên địa bàn tỉnh Yên Bái như: đường tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tuyến nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới...

Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mù Cang Chải

Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mù Cang Chải: Hơn 30 năm về trước, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Mù Cang Chải gặp muôn vàn khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, người dân sống du canh du cư, đốt rừng, phá rừng làm nương rẫy, phong tục, tập quán lạc hậu... Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đến nay, sau 30 năm đổi mới, huyện Mù Cang Chải đã có bước đổi thay căn bản. Với mục tiêu: “Quyết tâm xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến bản sắc, an toàn, thân thiện; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo”, thời gian tới, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải sẽ quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về mục tiêu và định hướng phát triển du lịch; coi phát triển du lịch là nhiệm vụ và giải pháp chính để giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các quy hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc; tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện thành công Đề án xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến “Bản sắc, An toàn, Thân thiện”; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực người dân tộc tại địa phương, nhất là nguồn nhân lực cho ngành du lịch; tập trung huy động các nguồn lực, ưu tiên đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch; tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh thiên nhiên, văn hóa, con người Mù Cang Chải đến với du khách trong, ngoài nước; xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm du lịch; chú trọng bảo tồn, tôn tạo, nâng tầm danh thắng Ruộng bậc thang phục vụ phát triển du lịch bền vững của huyện...

Đồng chí Nguyễn Quốc Chiến - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Để hoàn thành các mục tiêu phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, phát triển kinh tế số nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh Yên Bái trong tương lai, tỉnh Yên Bái tập trung xây dựng chính sách, giải pháp tạo lập thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp trong xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án về chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh, hướng đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh, năng suất lao động tăng bình quân từ 6,2%/năm, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, cơ bản hoàn thành xây dựng đô thị thông minh tỉnh Yên Bái. Mục tiêu đến 2030, mạng 5G phủ sóng trên toàn tỉnh, người dân được truy cập Internet băng rộng với chi phí thấp, kinh tế số chiếm 30% GRDP của tỉnh, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 6,8%, hoàn thành xây dựng chính quyền số, kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong tỉnh và khu vực.

Trong bối cảnh Yên Bái là một tỉnh miền núi với địa bàn phân tán trải rộng, điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc thực hiện điện tử hóa, số hóa chính quyền là giải pháp hữu ích trong công cuộc cải cách hành chính hiện nay. Đây cũng là mong muốn thể hiện sự quyết tâm của Chính quyền tỉnh Yên Bái trong việc nâng cao chất lượng công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn, đồng thời đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguồn: Cổng TTĐT