Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Yên Bái hiện có 56,66 ha trồng cây Mắc ca, trong đó có 51,66 ha trồng tập trung, 5 ha trồng xen canh với chè. Cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh chủ yếu mới trồng từ 1 đến 4 năm tuổi nên sản lượng thu hoạch chưa cao. UBND tỉnh đã giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện Đề tài khoa học “Thử nghiệm trồng cây Mắc ca tại các huyện phía Tây của tỉnh Yên Bái” để đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển của một số loài cây Mắc ca với 2 phương thức là trồng thuần loài và trồng xen kẽ; triển khai tại 3 huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải với diện tích 12 ha trong đó, 8 ha trồng thuần loài và 4 ha trồng xen chè, dự kiến đến đầu tháng 7/2021 sẽ tiến hành trồng.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Lân Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã giới thiệu về nguồn gốc, giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế của cây mắc ca. Đây là loại cây ưa sáng, sinh trưởng và phát triển thích hợp trong điều kiện khí hậu á nhiệt đới. Cây Mắc ca đã được trồng tại nhiều tỉnh trong cả nước và đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Tại các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh như Lai Châu, Sơn La trồng khoảng năm thứ 3 ra bói, đến năm thứ 7-8 năm cho thu hoạch nhiều. Đặc biệt, cây này trồng xen trên diện tích chè, cà phê cho hiệu quả rất cao. Yên Bái là tỉnh có điều kiện, khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với việc phát triển cây Mắc ca, đặc biệt là tại các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Vì vậy, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam mong muốn phát triển cây Mắc ca tại Yên Bái để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân và cam kết sẽ cung ứng giống, bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra cho người dân.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về sự phù hợp của việc trồng cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh Yên Bái; nghiên cứu để Hiệp hội và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội xây dựng mô hình trồng thuần tập trung, tạo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp thuộc Hiệp hội với bà con trồng cây Mắc ca tại Yên Bái.