Với doanh thu thương mại điện tử B2C toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Nhân viên đóng gói hàng hóa cho khách hàng tại một trung tâm dịch vụ của Amazon. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
"Cái khó ló cái khôn" khi trong lúc các doanh nghiệp Việt đang gặp nhiều khó khăn cho việc xuất khẩu hàng hóa ra thế giới do phải đối mặt với dịch COVID-19 gây ra thì thương mại điện tử xuyên biên giới được coi là "cứu cánh" giúp các doanh nghiệp xoay chuyển tình thế, đồng thời còn mở ra nhiều cơ hội để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nếu biết nắm lấy cơ hội.
Mở rộng thị trường, tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (IDEA), cho biết Việt Nam nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, là quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhanh nhất thế giới.
Với doanh thu thương mại điện tử B2C (kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, để hàng hóa Việt Nam kết nối hiệu quả với thị trường toàn cầu, ngoài những giải pháp từ cơ quan quản lý thì mấu chốt là các doanh nghiệp phải thực sự vào cuộc, thích ứng với xu hướng.
Trong năm 2020, thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành một phương thức hữu hiệu để doanh nghiệp Việt Nam mở lối vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng truyền thống đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Cờ Đỏ - một doanh nghiệp có mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đến thị trường 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, chia sẻ: "Hy vọng thông qua sàn thương mại điện tử Amazon, doanh nghiệp có thể tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng. Dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giao thương trực tiếp. Chúng tôi hy vọng khi mang các sản phẩm thủ công mỹ nghệ lên kênh Amazon sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, sản phẩm đến được thẳng tay người tiêu dùng cuối cùng."
Đồng quan điểm này, ông Trần Đức Chung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vinescraft (quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội), chia sẻ trước đây, phương thức xuất khẩu của doanh nghiệp chủ yếu là tiếp cận với các nhà nhập khẩu, hoặc các trung tâm phân phối, cá nhân, cửa tiệm.
Cách đây 5 năm, doanh nghiệp bắt tay vào việc đưa hàng lên kênh thương mại điện tử Amazon. Thời điểm này, thông tin về kênh phân phối này tại thị trường Việt Nam là chưa nhiều.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+) |
Mất 2 năm tìm hiểu về thị hiếu tiêu dùng của người Mỹ cũng như tìm hiểu cách bán trên sàn thương mại điện tử Amazon. Với sự mày mò và phát triển, đến thời điểm này, mỗi ngày doanh nghiệp có khoảng 300-500 đơn hàng.
Trên Amazon các đơn hàng giá trị 50 USD trở lại là các đơn hàng dễ bán. Hiện nay, các đơn hàng của doanh nghiệp có giá từ 19-40 USD/đơn.
Chia sẻ kinh nghiệm từ chính doanh nghiệp mình, ông Trần Đức Chung cho rằng bất kỳ nền tảng nào đều có những điểm lợi thế và hạn chế. Điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp đó là tìm kiếm sự phù hợp giữa doanh nghiệp và sàn thương mại điện tử xuyên biên giới mà mình sẽ tham gia từ đó thúc đẩy doanh số của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để có thể xuất khẩu được sản phẩm qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới cần có sự thích nghi với sự thay đổi về nhu cầu của khách hàng, chính sách của sàn. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể thành công.
Ngoài ra, doanh nghiệp khi tham gia sàn thương mại điện tử cần tìm hiểu các quy định, cách thức để có thể xuất khẩu đúng tiêu chuẩn của Amazon, cách thức vận chuyển, thủ tục mở gian hàng, thời gian giao nhận hàng... Tất cả những yếu tố này đều tác động lên giá thành của sản phẩm.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử cũng rất phụ thuộc vào sản phẩm và mùa vụ. Chẳng hạn, nếu sản phẩm bán vào dịp Noel hay cuối năm thì lượng đơn hàng tăng mạnh, nhưng ở dịp đầu năm thì đơn hàng lại giảm. Nếu bạn kinh doanh mặt hàng thời trang, từ tháng 3-9 là cao điểm mùa du lịch nên tăng trưởng bán hàng sẽ rất nhanh, nhưng đến hết mùa du lịch thì lại giảm.
Dịch COVID-19 gây không ít trở ngại cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế. Trước thách thức đó, việc xuất khẩu trực tuyến thông qua sàn thương mại điện tử quy mô toàn cầu như Amazon không chỉ là giải pháp tình thế, mà còn mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng kênh bán hàng
Theo số liệu cung cấp bởi Amazon Gloabal Selling Việt Nam, hiện đã có hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đưa qua kênh thương mại điện tử này với doanh thu năm 2020 vượt mốc 1 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2019.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp tăng số lượng đơn hàng, doanh thu trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới không phải là dễ dàng, mà còn gặp không ít những khó khăn. Đó là làm thế nào để phát triển thương hiệu của mình, nâng cao nhận diện với người mua nước ngoài, đồng thời giảm chi phí giao hàng vì sản phẩm bán online thường có giá trị không lớn.
Ông Gijae Seong - Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam - cho rằng doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới phát triển bền vững và đa dạng hóa kênh bán hàng.
Bên cạnh đó, cần thích ứng với những thay đổi từ nhu cầu khách hàng, tối ưu hóa sản phẩm và dịch vụ dựa theo đánh giá. Cuối cùng là mở rộng kênh bán hàng xuyên biên giới, mang hàng Việt ra thế giới.
Đồng quan điểm này, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nhận định dịch COVID-19 tạo áp lực thay đổi, mở hướng đi mới cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhỏ.
Một trong những cơ hội đó là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình lên môi trường trực tuyến, để kết nối trực tiếp với người tiêu dùng.
Tận dụng hiệu quả phương thức xuất khẩu trực tuyến không chỉ cần chính sách, mà cần hỗ trợ nền tảng của các sàn thương mại điện tử lớn có phạm vi hoạt động trên thế giới, từ đó cho doanh nghiệp biết đâu là cơ hội, thách thức đang chờ đợi họ.
Theo đại diện Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME), thế giới đang thay đổi nhanh chóng nên đặt ra thách thức với nhà cung cấp về áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Khách hàng có nhiều lựa chọn nên đòi hỏi doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đóng gói, bao bì, dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn mà thị trường, người dùng thế giới cần.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết tới đây Hà Nội sẽ tổ chức một cuộc xúc tiến riêng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và làng nghề của Hà Nội vào kênh thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon.
Sở rất kỳ vọng qua các đợt hỗ trợ như tổ chức các buổi hội thảo, các lớp tập huấn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ hiểu rõ và nắm bắt được những quy trình, thủ tục, các quy định. Đồng thời, được tư vấn để thường xuyên làm mới sản phẩm của mình trên hệ thống. Từ đó, có thể gây được sự chú ý và phản hồi tích cực của người tiêu dùng trên thị trường thế giới./.
Nguồn: Báo Công thương