Bạn đang ở đây

Phát triển thương mại điện tử: Mấu chốt là chữ "tín"

27/04/2021 08:41:28

Bộ Công Thương đang tích cực xây dựng nền tảng tín nhiệm tiêu chuẩn trong thương mại điện tử (TMĐT) để gia tăng niềm tin của khách hàng vào hoạt động mua bán, thanh toán..

Báo cáo tổng kết lượng truy cập website trung bình của các sàn TMĐT khu vực Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020, do iPrice Group và SimilarWeb công bố cho thấy, Việt Nam đã vươn lên là thị trường lớn thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia. Tổng lượt truy cập website trung bình năm 2020 của Việt Nam gấp 4 lần so với Malaysia, 3 lần với Philippines và 2 lần với Thái Lan.

Còn theo dự đoán của Google, TMĐT Việt Nam đến năm 2025 có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực là 34%.

Phát triển thương mại điện tử: Mấu chốt  là chữ "tín"

Việc xếp hạng tín nhiệm website TMĐT sẽ giúp khách hàng có thêm một kênh thông tin chính xác để lựa chọn khi mua sắm

Số liệu thống kê từ Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đưa ra con số ấn tượng: Năm 2020, Việt Nam có khoảng 53% dân số tham gia mua sắm trực tuyến. Doanh thu TMĐT Việt Nam tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tuy nhiên, Cục TMĐT và Kinh tế số cũng dự báo, khoảng 2 - 3 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên TMĐT sẽ chiếm khoảng 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Điều này đòi hỏi cần có những chế tài mạnh mẽ hơn để ngăn chặn tình trạng lừa đảo, củng cố niềm tin của người tiêu dùng khi mua sắm qua sàn TMĐT.

Trong xu hướng chuyển đổi số và phát triển thị trường mua bán trực tuyến, ông Nguyễn Thế Quang- Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số - cho biết, Cục đang đẩy mạnh xây dựng các chương trình, chính sách, giải pháp khuyến khích hoạt động đánh giá tín nhiệm website TMĐT, hoàn thiện nền tảng tín nhiệm TMĐT - một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường TMĐT giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu trong 5 năm tới, giải pháp "Nền tảng tín nhiệm TMĐT" sẽ là công cụ đánh giá các chủ thể kinh doanh TMĐT. Xếp hạng tín nhiệm này sẽ công bố rộng rãi tới người tiêu dùng.

Trước giải pháp xếp hạng tín nhiệm được Bộ Công Thương đưa ra, nhiều chuyên gia cho rằng đây là hướng đi đúng đắn, sẽ là trợ lực mạnh mẽ để phát triển các sàn theo hướng kinh doanh minh bạch, an toàn. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc xếp hạng tín nhiệm giúp khách hàng có thêm một kênh thông tin chính xác để có thể lựa chọn khi mua sắm trên sàn TMĐT. Đồng thời, cũng khiến các sàn tự ý thức được việc nâng cao chất lượng phục vụ, quản lý hàng hóa bán trên sàn một cách tốt hơn, tình trạng chậm giải quyết khiếu nại của người dùng về hàng hóa cũng sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn.

Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số - thông tin thêm, Cục sẽ triển khai Chương trình GoOnline - với nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng TMĐT từ khi bắt đầu đến lúc kinh doanh, hoạt động được trên môi trường trực tuyến. Chương trình có sự đồng hành của các tập đoàn viễn thông, công nghệ, hệ thống TMĐT lớn nhất cả nước, nhắm đến đối tượng là các nhà sản xuất, kinh doanh, DN, cá nhân trên toàn quốc muốn tiếp cận và ứng dụng TMĐT. Đặc biệt, trong những tình huống khẩn cấp như dịch bệnh và hàng hóa cần "giải cứu", chương trình cũng hình thành một liên minh có kết nối chặt chẽ để triển khai các công tác hỗ trợ.

Trong 5 năm tới, bên cạnh việc xây dựng các chương trình, chính sách đánh giá tín nhiệm website TMĐT, giải pháp "Nền tảng tín nhiệm TMĐT" là công cụ đánh giá các chủ thể kinh doanh TMĐT. Xếp hạng tín nhiệm này sẽ công bố rộng rãi tới người tiêu dùng.

Nguồn: Báo Công thương