Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong tháng 3 năm 2021 hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng mạnh so với tháng trước, lũy kế 03 tháng, hoạt động sản xuất công nghiệp (SXCN) tăng khá so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3/2021 tăng 32,53% so với tháng trước và tăng 11,13% so với tháng 3/2020.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3/2021 tăng 32,53% so với tháng trước.
Trong quý I năm 2021, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số lĩnh vực sản xuất, chế biến sụt giảm so với quý IV năm 2020, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Công Thương, sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương cùng sự nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Ngành Công Thương đã chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu với tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bám sát định hướng, chỉ đạo theo Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 18/12/2020 của Tỉnh ủy Yên Bái và Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 15/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Ngành Công Thương đã tập trung triển khai công tác xây dựng kế hoạch, quy hoạch, hoàn thành việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện môi trường tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án cơ cấu lại ngành dịch vụ phần lĩnh vực ngành Công Thương; xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2021. Tập trung giải quyết, trả lời đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đôn đốc các dự án đầu tư để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành chủ động ứng phó, phòng, chống thiên tai năm 2021; tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính nhất là tham gia giải quyết TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh…
Theo thống kê, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) tháng 3 năm 2021 ước đạt 1.489 tỷ đồng, tăng 21% so với thực hiện tháng 02/2021. Lũy kế 03 tháng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) ước đạt 4.241 tỷ đồng, tăng 14,45% so với cùng kỳ năm 2020, ước tính theo giá so sánh 2010 đạt khoảng 3.100 tỷ đồng, đạt 21,8% kế hoạch năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3/2021 tăng 32,53% so với tháng trước và tăng 11,13% so với tháng 3/2020. Tính chung 03 tháng đầu năm 2021, chỉ số công nghiệp toàn ngành tăng 10,03% so với cùng kỳ năm 2020. Trong các ngành công nghiệp, ngành khai khoáng giảm 5,93%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,71%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 51,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5%.
Để ngành công nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, trong thời gian tới, ngành Công Thương tiếp tục tập trung chỉ đạo, quán triệt và thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 30/10/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 18/12/2020 về việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021 và Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 15/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Tiếp tục tham mưu triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh do tác động của dịch Covid-19 theo các chính sách hỗ trợ của trung ương và chính sách hỗ trợ của tỉnh. Thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, đơn giản hóa quy trình tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong triển khai các dự án, sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác phối hợp nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, tranh thủ tình hình thị trường thuận lợi đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở sản xuất kinh doanh bảo vệ môi trường; bảo đảm an toàn lao động; phòng chống cháy nổ. Kịp thời tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp tháo gỡ khó khăn, động viên các doanh nghiệp phát triển sản xuất; giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác và phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án của các nhà đầu tư, trọng tâm là các dự án thủy điện, năng lượng tái tạo, chế biến nông sản…
Nguồn: TTKC&XTTM