Theo ước tính của Bộ Công Thương, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2019; thặng dư thương mại hàng hóa 19,1 tỷ USD. Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, kết quả này đã đưa xuất nhập khẩu trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021.
Những năm qua, xuất nhập khẩu luôn giữ vững vị trí một trong ba “cỗ xe tam mã” đưa kinh tế Việt Nam liên tục đạt được nhiều thành tích trong suốt nhiều năm; Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm2030 đạt được mục tiêu trước thời hạn. Tuy nhiên, dịch Covid-19 được ví như cơn bão quét qua cả nền kinh tế trong năm 2020 - năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Xuất khẩu năm 2020 tiếp tục có sự tăng trưởng ấn tượng |
Đã có những thời điểm trong nửa đầu năm, hoạt động ngoại thương giảm sút, kim ngạch xuất nhập khẩu không thể giữ đà tăng trưởng. Song, các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công Thương đã nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, DN đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm chủ động nguồn cung, tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - khẳng định: Sự chủ động nguyên liệu của DN như dệt may, da giày đã giúp các nhóm ngành hàng này giữ được tăng trưởng xuất khẩu. Dù không cao như nhiều năm trước, song đây là kết quả đáng ghi nhận, đóng góp cho thành tích xuất khẩu nói chung.
Nhờ đó, thống kê mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2020 kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,4%), tăng cao hơn so với dự báo tại thời điểm tháng 9 (là tăng 3,5-4%) - đã được Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7804/BCT-KH ngày 16/10/2020.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2019. Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã ước đạt 543,9 tỷ USD, cao hơn con số kỷ lục 517,26 tỷ USD của cả năm 2019. Đáng chú ý, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu trong 2 năm qua không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.
Trong bức tranh xuất khẩu của năm 2020, nhiều ngành hàng đã vượt khó thành công. Đơn cử như với gạo - mặt hàng được ví như “hạt ngọc” của nước ta - đã thắng đậm trong năm 2020 khi nông dân trúng mùa lớn, trong khi xuất khẩu gạo liên tiếp vượt Thái Lan và Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán. Hoặc, sau hơn 3 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu. Hiện nay, với hơn 1.700 DN, năng lực cung của Việt Nam được đánh giá là lớn, lên đến hơn 1,1 tỷ đôi giày và gần 400 triệu ba lô, túi xách mỗi năm. Với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 50%, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được nhận định sẽ tiếp tục là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành giày dép, túi xách trong năm 2021.
Đáng chú ý, kết quả xuất siêu đã được duy trì, tiếp nối thành tích từ năm 2016. Cụ thể, năm 2016, xuất siêu đạt 1,77 tỷ USD; 2,11 tỷ USD năm 2017; 6,83 tỷ USD năm 2018. Năm 2019, xuất siêu đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 10,87 tỷ USD, cũng là năm đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD. Năm 2020, xuất siêu lên đến 19,1 tỷ USD.
Thành tích xuất siêu là một điểm cộng bởi từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã khiến hoạt động xuất nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Xuất siêu cũng mang lại những tác động tích cực nhiều mặt về kinh tế vĩ mô. Dự trữ ngoại hối ổn định đã góp phần ổn định tỷ giá, tạo niềm tin cho DN tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Đặc biệt, trong điều kiện tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng ở trong nước còn yếu so với sản xuất như hiện nay, việc tăng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu sẽ có tác động kích cung, tức kích thích sản xuất trong nước.
Năm 2020 là một năm kinh tế ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19. Song những khó khăn từ chuỗi cung ứng bị đứt gãy hay thị trường gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại vẫn được hóa giải ngoạn mục bằng sự chung tay của Chính phủ, các bộ, ngành và DN. Khó khăn chưa hẳn đã hết, song đây sẽ là tiền đề để nước ta vững bước vào năm 2021 với những kết quả xuất nhập khẩu ấn tượng hơn nữa.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải:
2020 là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, hoạt động ngoại thương của Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng kể. Xuất nhập khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021. Nguồn: Báo Công thương |