Bất chấp khó khăn do dịch Covid-19 gây nhiều tác động cả trong nước và trên thế giới, xuất khẩu ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng, phấn đấu cả năm, toàn ngành nông nghiệp sẽ đạt trên 41 tỷ USD từ xuất khẩu.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong tháng 11/2020, kim ngạch nông sản ước đạt gần 3,72 tỷ USD. Nhiều mặt hàng như rau quả, cà phê, hạt điều, các sản phẩm từ gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt giá trị kim ngạch trên 2 tỷ USD. Như vậy, bất chấp khó khăn do dịch Covid-19 gây nhiều tác động cả trong nước và trên thế giới, xuất khẩu ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng, phấn đấu cả năm, toàn ngành nông nghiệp sẽ đạt trên 41 tỷ USD từ xuất khẩu.
Vào thời điểm này và cả những tháng trước, khi mà dịch Covid-19 liên tiếp gây những tác động lớn tới mọi mặt, việc sản xuất, cung cấp các sản phẩm xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao vẫn hoạt động bình thường. Những chuyến xe tải chở nặng hàng xuất khẩu liên tục ra vào Công ty, vận chuyển hàng đến nơi tập kết, bán khắp thế giới. Đặc biệt, với thế mạnh là các sản phẩm chất lượng cao, Công ty luôn chọn những bạn hàng được xem là khó tính nhưng có tính ổn định lớn để giao dịch.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), riêng trong tháng 11/2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt gần 3,7 tỷ USD. |
Ông Nguyễn Văn Thành – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết: "Với thế mạnh là các mặt hàng chất lượng, chúng tôi luôn mở rộng thị trường ra các bạn hàng được xem là khó tính trên thế giới...".
Thời gian qua, chúng ta chứng kiến các lô xuất khẩu nông sản sang EU tận dụng ưu đãi theo Hiệp định EVFTA như: Thủy sản tôm đông lạnh, chanh leo xuất khẩu sang Đức; Trái cây (gồm bưởi, thanh long) xuất khẩu đi Anh, Đức, Hà Lan; Gạo thơm xuất khẩu sang Séc... Đây là những lô hàng đầu tiên được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào EU.
Chanh leo chế biến xuất khẩu là một trong những mặt hàng thời gian qua có sự phát triển mạnh, có đầu ra rất ổn định, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên. Tại khu vực này, trước đây cũng có trồng chanh leo. Tuy nhiên, sau khi được mùa, giá hạ, nhiều hộ dân đã chặt bỏ. Từ khi có nhà máy chế biến chanh leo xuất khẩu mới được xây dựng tại huyện MangYang, tỉnh Gia Lai, đầu ra quả chanh leo đã giải quyết, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho mặt hàng chế biến có giá trị này.
Bà Nguyễn Thị Thịnh ở xã Đắc Di Răng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai nhận xét: "Bây giờ có nhà máy ổn định rồi nên quả tôi trồng ra bán tốt lắm…".
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), riêng trong tháng 11/2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt gần 3,7 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản và lâm sản chính tương đương tháng 10. Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19, một số mặt hàng vẫn đạt giá trị xuất khẩu cao hơn có với cùng kỳ, như: Gạo, rau quả, tôm, sản phẩm gỗ.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản – Bộ NN&PTNT nhận định, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã phản ánh tác động tích cực của Hiệp định này tới nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Thực tế cho thấy: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, dư địa xuất khẩu các mặt hàng nông sản vẫn rất lớn. Để tiếp tục nâng cao vị thế trên thị trường thế giới, cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân.
"Việc mở rộng thị trường xuất khẩu đóng một yếu tố rất quan trọng chúng ta cần tiếp tục có sự phối hợp đồng bộ" - ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.
Được biết, thời gian còn lại từ nay đến hết năm, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp theo dõi diễn biến thị trường, có các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thương mại, ổn định nguồn cung thực phẩm, nông lâm sản dịp tết. Dự tính, trong quý 4/2020, toàn ngành nông nghiệp phấn đấu mục tiêu xuất khẩu đạt hơn 10 tỷ USD, đưa tổng trị giá xuất khẩu cả năm nay đạt hơn 41 tỷ USD.../.
Nguồn: Báo Công thương