YênBái - Là tỉnh miền núi, Yên Bái còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, 9 tháng năm 2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phấn đấu khắc phục khó khăn của các địa phương, các đơn vị doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đã đạt được những kết quả khá tích cực.
Công nhân Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn thi đua lao động sản xuất những tháng cuối năm 2020. |
Gam màu sáng cho bức tranh kinh tế
Có thể thấy, phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2020 của tỉnh Yên Bái diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 làm đứt gẫy các chuỗi cung ứng, thu hẹp cả tổng cung và tổng cầu, gia tăng rủi ro tài chính, đưa kinh tế thế giới vào vòng suy giảm. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục có xu hướng tăng. Trong nước, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng...
Trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của người lao động…
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cộng với sự quyết tâm phấn đấu, khắc phục khó khăn của các địa phương, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong tỉnh, nên nhìn chung hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn đã đạt được những kết quả khả quan trên từng ngành, từng lĩnh vực.
Cụ thể, tổng diện tích gieo trồng năm 2020 ước tính đạt 101.367 ha; trong đó, diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt 42.856 ha, vượt 4,9% kế hoạch, tăng 90 ha so với năm trước; diện tích lúa tăng chủ yếu ở vụ xuân, do một số xã thuộc vùng hồ của huyện Yên Bình tận dụng được diện tích dưới cốt nước hồ để gieo trồng. Diện tích trồng ngô cả năm đạt 29.353 ha, vượt 2,03% kế hoạch, tăng 586 ha so với năm 2019. Nguyên nhân diện tích ngô tăng là do năm nay thời tiết thuận lợi có đủ nước, cho nên một số xã vùng cao gieo trồng được ngô đồi, cùng đó là nông dân một số xã ven sông tận dụng được diện tích bãi bồi để gieo trồng.
Sản xuất công nghiệp của tỉnh như đã dự báo từ đầu năm tiếp tục có nhiều khởi sắc; trong đó, chỉ số công nghiệp toàn ngành 9 tháng năm 2020 tăng 5,62% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành công nghiệp cấp 2 thì một số ngành sản xuất chính có chỉ số sản xuất 9 tháng tăng so với cùng kỳ là khai thác đá các loại tăng 24,16%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,47%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 16,12%; sản xuất kim loại tăng 5,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 15,89%.
Một số sản phẩm chính có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ là: đá blook, đá xây dựng, tinh bột sắn, bao bì và túi giấy, xi măng, các sản phẩm bằng đá hoặc bằng các chất liệu khoáng khác, thép ống mạ kẽm, điện thương phẩm...
Góp phần tạo nên những gam màu sáng cho bức tranh kinh tế của tỉnh còn phải kể đến sự đóng góp của các ngành trong lĩnh vực xây dựng. Ngay từ các tháng đầu năm, nhiều công trình giao thông được các nhà thầu tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào sử dụng; một số nguồn vốn giải ngân cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Thời gian xử lý các công việc liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, giải ngân đã được tỉnh chỉ đạo xử lý trong thời gian rất ngắn. Việc phân cấp mạnh cho các địa phương được chủ động giao chi tiết, nhất là đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn, dự phòng xây dựng nông thôn mới... Ủy quyền và giao nhiệm vụ cho các đơn vị chủ đầu tư phê duyệt dự toán, điều chỉnh thiết kế dự toán trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; qua đó, đã tạo sự chủ động, rút ngắn thời gian phân bổ vốn của các địa phương.
Cuộc đua nước rút trong 3 tháng cuối năm
Khó có thể nói hết những nỗ lực của các ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh qua 9 tháng của năm. Tuy chỉ số tăng trưởng chưa đạt như mong muốn, nhưng với những kết quả đã đạt được nêu trên, sẽ là nền tảng để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu còn lại về phát triển kinh tế - xã hội trong 3 tháng cuối năm.
Để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, thời gian tới, tỉnh và các ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện tốt nghị quyết của Chính phủ, các nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; tập trung chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch cây trồng vụ mùa, nhất là cây lúa.
Tăng cường công tác trồng, bảo vệ và phòng chống cháy rừng; huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với triển khai các chính sách, mô hình sản xuất nông lâm nghiệp bền vững.
Có chính sách khuyến khích phát triển đàn gia súc, gia cầm, nhất là khuyến khích phát triển đàn lợn; tập trung phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là triển khai các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng; kiểm dịch chặt chẽ đối với việc vận chuyển gia súc, gia cầm từ tỉnh khác vào trong tỉnh và vận chuyển qua tỉnh.
Tăng cường phát triển nuôi trồng thủy sản ở những địa phương có lợi thế về sông, hồ; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với khí hậu và thời tiết cực đoan...
Cùng đó, để sản xuất, kinh doanh phát triển ổn định và bền vững, các cấp, ngành chức năng cần tập trung chỉ đạo, đánh giá sát thực những diễn biến của tình hình cho từng sản phẩm chủ yếu, từng doanh nghiệp để có các giải pháp tháo gỡ phù hợp cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn và hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định.
Có những chính sách thu hút đầu tư, giải pháp cụ thể khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid -19. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công của các công trình, dự án, đảm bảo chất lượng, tiến độ tại tất cả các khâu của dự án, xây dựng tiến độ chi tiết đối với từng dự án, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn lao động, an toàn công trình và vệ sinh môi trường.
Kiên quyết thay thế những nhà thầu không đáp ứng được chất lượng, tiến độ theo yêu cầu đã đề ra. Đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công các công trình. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán đối với các dự án đã hoàn thành, các dự án chuyển tiếp, nhất là các dự án khắc phục hậu quả thiên tai, các dự án công trình trọng điểm; đối với các dự án có tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân thấp, cần điều chuyển vốn sang cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm, quan trọng, cấp bách.
Nguồn: Báo Yên Bái