Bạn đang ở đây

Phấn đấu đưa Yên Bái trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao

28/09/2020 14:40:53

YênBái - Với diện tích đất lâm nghiệp gần 533.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 63% (cao thứ tư cả nước) và là thế mạnh để phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, Yên Bái đang nỗ lực phấn đấu trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao.

Chế biến gỗ rừng trồng đang là thế mạnh kinh tế của tỉnh Yên Bái.

Chế biến gỗ rừng trồng đang là thế mạnh kinh tế của tỉnh Yên Bái.

 

Để khuyến khích kinh tế lâm nghiệp phát triển, tỉnh đã rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, giao đất, giao rừng cho người dân; quy hoạch vùng nguyên liệu để tạo điều kiện cho các nhà máy phát triển hợp tác, liên kết trồng rừng sản xuất nguyên liệu; thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC. 

 

Trong đó, với trên 188.000 ha rừng trồng sản xuất, sản lượng gỗ rừng trồng hàng năm đạt khoảng 480.000 m khối  và là  tỉnh có sản lượng gỗ lớn  của vùng trung du miền núi phía Bắc. Đồng thời, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững FSC cho trên 4.000 ha rừng trồng. Cùng đó, tỉnh tập trung đầu tư phát triển rừng trồng sản xuất, nhất là phát triển theo hướng kinh doanh gỗ lớn có giá trị kinh tế cao. 

 

Hiện, ngành nông nghiệp đã xây dựng trình tỉnh phê duyệt đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn với mục tiêu đến năm 2030 hình thành vùng rừng trồng gỗ lớn bằng loài cây keo tai tượng, keo lai mô giống mới với quy mô trên 27.000 ha. Ngoài các sản phẩm gỗ, tỉnh Yên Bái còn là địa phương giàu tiềm năng thế mạnh về các loài cây lâm sản ngoài gỗ như: quế, tre măng Bát độ, các loại cây thuốc, sơn tra, thảo quả... 

 

Bên cạnh phát triển vốn rừng, để nâng cao giá trị sản phẩm lâm nghiệp, thông qua chính sách thu hút đầu tư, nhiều doanh nghiệp chế biến đi vào sản xuất nâng cao giá trị gỗ rừng trồng và khép kín chu trình tạo lập sự gắn kết trong sản xuất giữa vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến. 

 

Đến nay, toàn tỉnh có gần 500 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng các loại. Nhiều công ty đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền, thiết bị tương đối đồng bộ, sản phẩm sản xuất là ván ghép thanh, đũa gỗ xuất khẩu xuất sang  một số nước: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. 

 

Trong đó, phải kể đến dự án đầu tư nhà máy sản xuất gỗ tấm và gỗ lát sàn do Công ty TNHH Ngành gỗ Thiên An Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 136,1 tỷ đồng, với quy mô sản xuất gỗ lát sàn công suất 2 triệu m vuông/năm; ván ép công suất 100.000 m khối/năm; ván lạng công suất 130.000 m khối /năm; ván gỗ gia dụng công suất 100.000 m khối/năm. 

 

Cùng đó, một số các dự án đầu tư chế biến gỗ đang được triển khai nhằm thực hiện tái cơ cấu trong hoạt động sản xuất, chế biến nâng cao giá trị từ gỗ rừng trồng. 

 

Mới đây, tại thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, Tập đoàn An Việt Phát (AVP) đã xây dựng 2 nhà máy chế biến gỗ với tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng. Trong đó, nhà máy sản xuất gỗ xẻ và Plywood có công suất gỗ xẻ đạt 56.160 tấn/năm; Plywood  trên 187.200 tấn/năm. 

 

Ngoài ra, chủ đầu tư còn xây dựng nhà máy sản xuất viên gỗ nén công suất 150.000 tấn/năm và các sản phẩm, dịch vụ cung cấp gỗ xẻ, ván ép, viên gỗ nén. Tổng Giám đốc Tập đoàn AVP  Bùi Tuấn Anh cho biết: dự án xây dựng 2 nhà máy sản xuất gỗ tại Yên Bái là một trong những dự án trọng điểm trong chuỗi 20 nhà máy sắp triển khai của Tập đoàn AVP trên cả nước. 

 

Dự kiến nhà máy đi vào hoạt động trong năm 2021 và sẽ đóng góp vào ngân sách nhiều tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. 

 

Thời gian tới, tỉnh xác định phát triển lâm nghiệp là thế mạnh, là khâu đột phá trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Qua đó, tỉnh phấn đầu mỗi năm trồng trên 15.000 ha rừng các loại; phấn đấu đến năm 2025, kinh tế lâm nghiệp chiếm khoảng 37% tỷ trọng toàn ngành nông nghiệp; toàn tỉnh có trên 40.000 ha rừng cây gỗ lớn, khoảng 100.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. 

 

Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư chế biến sâu, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm sản, hướng tới mục tiêu đưa Yên Bái trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Nguồn: Báo Yên Bái