Trong bối cảnh tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (NTD) đang diễn ra ngày càng tinh vi, với phạm vi rộng... Để đảm bảo quyền lợi NTD, rất cần sự tham gia tích cực, chủ động của toàn xã hội, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của chính cộng đồng doanh nghiệp.
Cải thiện chỉ số trao quyền NTD
Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin, Tư vấn đào tạo - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD, số lượng cuộc gọi tổng đài tư vấn, hỗ trợ NTD tại Bộ Công Thương qua tổng đài 1800.6838 ngày càng tăng mạnh. Cụ thể, năm 2011 tổng đài chỉ nhận được 26 cuộc gọi nhưng đến năm 2020 đã có gần 8.000 cuộc gọi cần tư vấn, khiếu nại của NTD”. Hầu hết, các phản ánh liên quan đến dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển; tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, tín dụng tiêu dùng; hàng hóa tiêu dùng hàng ngày; dịch vụ điện thoại, viễn thông...
Nhằm xây dựng, hỗ trợ doanh nghiệp nhận thức và thực thi đúng quy định pháp luật bảo vệ NTD và nâng cao hiệu quả bảo vệ NDT, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD tổ chức Hội nghị Triển khai Chương trình Doanh nghiệp vì NTD và Hệ thống Tổng đài 1800.6838 ngày 25/9 tại Hà Nội. Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD cho biết, thông qua hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân liên quan sẽ được cập nhật các thông tin chi tiết, cụ thể về đối tượng, mục tiêu, cách thức và giá trị lợi ích khi tham gia các hoạt động nêu trên. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể xây dựng chiến lược tham gia phối hợp thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ NTD tại đơn vị trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD phát biểu tại hội nghị |
Từ Chương trình “Doanh nghiệp vì NTD”, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD, đồng thời, tự kiểm tra, đánh giá hiệu quả bảo vệ NTD để kịp thời có các biện pháp cải thiện, nâng cao mức độ bảo vệ NTD, nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững cho doanh nghiệp - ông Tân nhấn mạnh.
Ngoài ra, tổng đài tư vấn, hỗ trợ NTD tại Bộ Công Thương được xây dựng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ và giải quyết yêu cầu, khiếu nại của NTD thông qua việc hướng đến sử dụng một đầu số điện thoại chung, một hệ thống cơ sở dữ liệu chung và một quy trình, nội dung tư vấn thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Các chủ thể tham gia vận hành tổng đài gồm, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD, các Sở Công Thương, các doanh nghiệp và tổ chức, cơ quan có liên quan trên phạm vi cả nước.
Trong thời gian tới, Trung tâm Thông tin, Tư vấn đào tạo sẽ kết nối đến khắp các tỉnh thành; thống nhất quy trình tiếp nhận tư vấn hỗ trợ NTD; số hóa, điện tử hóa khâu tư vấn, tiếp nhận đến giải quyết khiếu nại của NTD. Đồng thời, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp, NTD và các bên liên quan trong công tác tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại của NTD; giảm thiểu thủ tục hành chính; hỗ trợ, nâng cao nhận thức của các cán bộ trong công tác bảo vệ quyền lợi của NTD. Cùng với đó, Trung tâm cũng sử dụng một đầu số điện thoại chung, một hệ thống cơ sở dữ liệu chung và một quy trình nội dung tư vấn thống nhất cho các khiếu nại của NTD trên phạm vi toàn quốc thông qua tổng đài 1800.6838...
Ông Daniel Hermann, đại diện dự án bảo vệ NTD khu vực ASEAN của GIZ phát biểu tại hội nghị |
Ông Daniel Hermann, đại diện dự án bảo vệ NTD khu vực ASEAN của GIZ cho biết, bảo vệ NTD nên đóng vai trò trung tâm trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, ưu tiên quan tâm nguồn lực trong bảo vệ NTD. Bởi vì, chỉ số quốc gia của Việt Nam với trao quyền NTD là gần với chỉ số trung bình toàn ASEAN, tức vẫn chỉ ở mức trung bình thấp.
Bà Phạm Quế Anh - chuyên gia GIZ cho biết, theo quy định về Chỉ số trao quyền cho NTD trong ASEAN, một quốc gia đạt 104-130 điểm thì NTD ở nước đó có thể được coi là mức độ trao quyền cao; một quốc gia đạt 78 - 103 điểm thì đó là mức độ trao quyền trung bình và nếu đạt dưới 78 điểm là mức độ trao quyền thấp. Trong khi đó, tại Việt Nam, mức độ trao quyền đang ở mức 82,96 là mức trung bình trong khu vực, nên đòi hỏi sự đầu tư, quan tâm của Chính phủ và sự đồng lòng của xã hội trong bảo NTD.
Để cải thiện hơn nữa chỉ số này, các chuyên gia cho rằng cần sự nỗ lực nhiều đơn vị liên quan, đặc biệt là trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp tới NTD. Trong đó bao gồm việc tôn trọng nghĩa vụ chất lượng giao hàng, tôn trọng các điều khoản không áp đặt, xây dựng cơ chế dễ dàng, thuận tiện và hiệu quả để NTD phản ánh khiếu nại, được bồi hoàn tài chính hoặc có trách nhiệm với NTD nếu gặp phải sản phẩm kém chất lượng.
Doanh nghiệp đồng hành
Chia sẻ tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp với cam kết mang lại cho NTD những sản phẩm có chất lượng cao, an toàn nhiều doanh nghiệp đã không ngừng đổi mới và phát triển các sản phẩm của mình, hướng tới bảo vệ quyền lợi của NTD. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn TH cho biết, TH cam kết bảo đảm thông tin minh bạch, đầy đủ và chinh xác về sản phẩm đối với NTD góp phần đảm bảo quyền được thông tin của NTD. Đáng chú ý, Tập đoàn TH đã đề xuất lên các bộ, ngành đề nghị ghi rõ xuất xứ nguồn nguyên liệu trên bao bì sản phẩm để NTD có cơ hội lựa chọn những sản phẩm phù hợp, an toàn nhất. Đặc biệt, đường dây nóng hoạt động 24/24 của TH không chỉ cung cấp các thông tin tư vấn về dinh dưỡng, cách thức sử dụng sản phẩm mà còn kịp thời ghi nhận và giải quyết các thắc mắc, phản ánh của NTD.
Hội nghị Triển khai Chương trình Doanh nghiệp vì NTD và Hệ thống Tổng đài 1800.6838 |
Chia sẻ về công tác triển khai các chương trình bảo vệ quyền lợi NTD, ông Hoàng Thế Nhu, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 cho biết, doanh nghiệp thường xuyên triển khai các chương trình, hoạt động nhằm hưởng ứng và tri ân khách hàng vào các dịp lễ, các ngày đặc biệt trong năm và trong tháng, đặc biệt là các chương trình hưởng ứng hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD vào tháng 3 hàng năm với nhiều chương trình, sự kiện hấp dẫn.
Với mục tiêu mang đến cho khách hàng những sản phẩm dệt may tốt nhất, Tổng công ty May 10 đang từng bước phát triển hệ thống phân phối của mình trên toàn quốc với quan điểm: Tất cả các điểm bán hàng của May 10 là một điển hình thu nhỏ, có dấu hiệu nhận biết thương hiệu riêng, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng nhận biết được thương hiệu một cách dễ dàng” và “Phát triển thương hiệu gắn liền với bảo vệ thương hiệu cũng chính là bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD” do vậy việc quản lý và phát triển kênh phân phối cũng chính là nhiệm vụ cũng như mục tiêu phát triển của thương hiệu May 10.
Đồng thời, đầu tư nhân lực, công nghệ vào công tác thiết kế để nâng cao chất lượng của sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo hệ thống phân phối được quy chuẩn theo thể thống nhất trên toàn quốc. Triển khai các website bán hàng trực tuyến, thực hiện kiểm soát chất lượng ở từng công đoạn, từng khâu của quá trình sản xuất, áp dụng sử dụng mã số vạch trên từng sản phẩm, tem chống hàng giả, sợi chống hàng giả… qua đó giúp khách hàng phân biệt rõ hơn về sản phẩm của May 10.
Tổng đài hỗ trợ NTD 1800.6838 miễn phí toàn quốc
Bộ Công Thương cho hay đã nâng cấp tổng đài tư vấn, hỗ trợ NTD với đầu số 1800.6838 sử dụng trên toàn quốc. Cùng với việc miễn phí cuộc gọi, phí tư vấn, xây dựng hệ thống tiếp nhận, lưu vết cuộc gọi, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng, tổng đài sẽ hệ thống hóa, số hóa và điện tử hóa toàn bộ quy trình, xây dựng kết nối mở với các đơn vị để hỗ trợ. Sau khi tiếp nhận thông tin, sẽ có nhóm rà soát, kiểm tra và xác minh, sau khi được phân công cụ thể sẽ rà soát, xử lý và báo cáo, liên hệ tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ, người tiêu dùng và có tư vấn hướng dẫn các bên liên quan giải quyết vụ việc. Nguồn: Báo Công thương |