Từ ngày 1/8 tới, Nghị định 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) chính thức có hiệu lực, sẽ khắc phục được một số bất cập trong công tác quản lý và có tiêu chí rõ ràng cho lựa chọn nhà đầu tư.
Còn nhiều bất cập
Do vướng quy hoạch sử dụng đất, để thành lập 40 CCN theo quy hoạch đã duyệt, Sở Công Thương Bắc Giang tham mưu UBND tỉnh tạm thời vay quỹ đất của các CCN chưa giải phóng mặt bằng hết để thành lập CCN mới, thu hút nhà đầu tư. Bắc Giang đã có 5 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập CCN để đầu tư hạ tầng, kéo theo đó là nhà đầu tư thứ cấp, nhưng do quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh chưa hoàn thành nên chưa thực hiện được. DN đã hoàn thành đầy đủ các thủ tục, kể cả quy hoạch chi tiết CCN tỷ lệ 1/500 nhưng do không giải phóng được mặt bằng nên không thể triển khai xây dựng hạ tầng CCN. "Công tác quản lý CCN rất chồng chéo, Sở kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận cho nhà đầu tư, Sở Công Thương quản lý chung; cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư vào CCN kém hấp dẫn hơn so với đầu tư vào khu công nghiệp… đang gây vướng mắc cho Bắc Giang phát triển CCN" - ông Nguyễn Văn Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang - cho hay.
Doanh nghiệp có 50 điểm trở lên mới được giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp |
Ông Phan Bá Trường - Phó giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên - phản ánh: Có nhiều vướng mắc đáng kể trong phối hợp quản lý CCN. Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép đầu tư cho dự án vào CCN nhưng không xin ý kiến của Sở Công Thương dẫn đến tình trạng 2 dự án được cấp vào cùng một diện tích. Mặt khác, Thái Nguyên giao Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư hạ tầng CCN nhưng lại không bố trí được kinh phí từ ngân sách nên rất khó khăn trong thực hiện...
Những bất cập trên của Bắc Giang và Thái Nguyên là vướng mắc điển hình, khiến các tỉnh, thành phố trên cả nước không chỉ loay hoay với công tác quản lý mà còn gặp khó trong thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN.
Điều chỉnh thích hợp
Trước những bất cập trên, Bộ Công Thương đã xem xét thực tiễn, xây dựng, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành Nghị định 66/2020/NĐ-CP. Theo đó, thay vì xây dựng quy hoạch CCN, các địa phương xây dựng phương án phát triển CCN trên địa bàn và tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Trong phương án phát triển, xây dựng kịch bản có thuyết minh đối với từng CCN; đánh giá những thuận lợi, khó khăn của các kịch bản; đề xuất kịch bản tối ưu làm phương án phát triển kèm theo danh mục các CCN dự kiến phát triển và thể hiện trên bản đồ; giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư hạ tầng, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CCN…
Tuy nhiên, Nghị định 66 cũng quy định rất nghiêm ngặt. Theo đó, trong quá trình thẩm định hồ sơ, Sở Công Thương báo cáo UBND tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư để chấm điểm với thang điểm 100 cho các tiêu chí: Phương án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 15 điểm); phương án quản lý, bảo vệ môi trường CCN (tối đa 15 điểm); năng lực, kinh nghiệm của DN, hợp tác xã (tối đa 30 điểm) và phương án tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 40 điểm).
DN, hợp tác xã có số điểm từ 50 trở lên mới được xem xét, quyết định giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Trường hợp có từ hai đơn vị trở lên cùng đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thì giao đơn vị có số điểm cao nhất. Trong quá trình thực hiện, nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án sau 12 tháng kể từ ngày thành lập, mở rộng CCN hoặc ngừng thực hiện, chậm triển khai dự án 12 tháng so với tiến độ thì UBND tỉnh xem xét gia hạn hoặc quyết định lựa chọn chủ đầu tư khác. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo hình thức đối tác công tư thì lựa chọn chủ đầu tư theo quy định hiện hành.
Nghị định 66/2020/NĐ-CP cũng quy định rõ việc thành lập, mở rộng CCN; đầu tư hạ tầng kỹ thuật và sản xuất, kinh doanh trong CCN; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển và quản lý nhà nước về CCN… Nguồn: Báo Công thương |