Chưa hết khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh do Covid-19, ngành gỗ tiếp tục khó chồng khó khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với mặt hàng gỗ dán. “Miếng bánh” hội nhập đã và đang đưa ra những cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam vươn rộng ra thế giới, song cũng buộc doanh nghiệp phải minh bạch về nguồn gốc, gia tăng chất lượng sản phẩm, thậm chí, sẵn sàng tâm thế đối diện với các vụ kiện tụng.
Tại sao gỗ dán Việt bị kiện?
Việc gỗ dán làm từ gỗ cứng bị DOC khởi kiện trong những ngày dịch Covid-19 cơ bản được khống chế tại Việt Nam và một số quốc gia, mở ra cơ hội tăng cường xuất khẩu trong những tháng tới là tin không vui, nhưng hoàn toàn không bất ngờ. Bởi suốt từ cuối năm 2018 đến nay, doanh nghiệp gỗ dán đã liên tục nhận được cảnh báo về nguy cơ phải đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Thậm chí, gỗ dán luôn nằm trong mức cảnh báo cao nhất - mức cảnh báo số 4.
Gỗ dán làm từ gỗ cứng bị DOC khởi kiện chống lẩn tránh thuế (ảnh minh họa) |
Nguyên nhân, trước đây Trung Quốc là nguồn cung gỗ dán lớn nhất cho thị trường Mỹ. Tuy nhiên, từ năm 2017, mặt hàng này đã bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá ở mức 183,36%; thuế chống trợ cấp từ 22,98% - 194,9%.
Mức thuế quá cao khiến giá sản phẩm thiếu sức cạnh tranh và kim ngạch xuất khẩu gỗ dán từ Trung Quốc vào Mỹ sụt giảm nghiêm trọng. Nguồn cung đứt đoạn, các nhà nhập khẩu Mỹ buộc phải đi tìm các thị trường khác để thay thế và Việt Nam là một trong những điểm đến ưu tiên. Hiện mức thuế nhập khẩu thị trường Mỹ áp dụng với hàng này của Việt Nam từ miễn thuế đến 8%, tùy chủng loại. Chính vì lẽ đó, đã có thời điểm xuất khẩu gỗ dán từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng đến 5 lần.
Tăng trưởng xuất khẩu nhanh chóng ở một góc độ nào đó là tốt, song cũng đặt ngành gỗ dán đứng trước hai nguy cơ lớn.
Thứ nhất, việc kim ngạch xuất khẩu gỗ dán liên tục gia tăng đã đóng góp vào con số thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ. Trong khi đó, những năm gần đây, Mỹ liên tục áp thuế với các quốc gia xuất siêu mạnh sang quốc gia này. Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng lớn sẽ dẫn tới việc Chính phủ Mỹ áp đặt những chính sách bảo hộ ngành công nghiệp gỗ trong nước, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp rất có thể xảy ra. Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam.
Thứ hai, mức tăng xuất khẩu quá cao cũng tiềm ẩn nguy cơ gian lận trong xuất khẩu hàng hóa. Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc có vị trí địa lý tương đối gần, nên nguy cơ mượn xuất xứ Việt Nam để tăng xuất khẩu là điều có thể xảy ra.
Những quy định của thị trường Mỹ cũng khiến dễ nảy sinh gian lận về xuất xứ hàng hóa. Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh chia sẻ, Mỹ là thị trường cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tức là khi muốn gian lận, doanh nghiệp không sản xuất hàng hóa tại Việt Nam, hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ từ Việt Nam. Hàng hóa vẫn được nhập khẩu vào Mỹ và lưu thông trên thị trường. Gian lận xuất xứ hàng hóa chỉ phát hiện ra ở khâu hậu kiểm.
Giải pháp nào cho gỗ Việt?
Thực tế, do gỗ dán đã nhiều lần nằm trong diện cảnh báo cao nhất về nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nên trước khi DOC chính thức điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu gỗ để tìm hiểu thông tin, xây dựng kế hoạch sẵn sáng ứng phó với vụ việc.
Kết quả cho thấy, hiện nguồn nguyên liệu gỗ thu hoạch tại Việt Nam hàng năm đủ để sản xuất 8,4 triệu m3 gỗ dán, trong khi tổng lượng xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam năm 2019 là 2,5 triệu m3. Như vậy, xét về nguyên liệu đầu vào, Việt Nam đủ năng lực cung ứng cho các nhà máy sản xuất gỗ dán. Vì theo quan điểm của Mỹ, sản phẩm của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn khác (ngoài Trung Quốc) có thể sẽ được phép sử dụng cơ chế khai báo để hưởng miễn trừ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế.
Tin vui trước mắt là vậy, ở những bước tiếp theo, các doanh nghiệp được khuyến cáo cần chuẩn bị kỹ càng tư liệu, cần xem xét tham gia và hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nhằm đảm bảo kết quả tích cực trong vụ việc, đồng thời thường xuyên trao đổi phối hợp với Cục trong quá trình xử lý vụ việc.
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại và gỗ dán không phải mặt hàng duy nhất bị DOC điều tra. Trước đó, tôm, cá tra, cá basa… cũng nhiều lần vấp phải các vụ kiện tương tự. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhờ chủ động ứng phó và chuẩn bị tài liệu kỹ càng mà các mặt hàng về cơ bản vẫn được hưởng mức thuế rất thấp ở Mỹ và nhiều quốc gia khác. Ngược lại, sự thiếu hợp tác của một số doanh nghiệp xuất khẩu có thể dẫn đến việc toàn bộ doanh nghiệp khác của Việt Nam bị áp mức thuế cao. Nhiều doanh nghiệp do lo ngại khi trả lời bản câu hỏi của nước ngoài nên đã bị áp thuế cao.
Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, có tới trên 95% kim ngạch của cả nước nếu như thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chứng nhận về nguồn nguyên liệu thì sẽ không bị áp thuế. Tức là, bản chất các vụ kiện phòng vệ thương mại phần nhiều vẫn thuộc về trách nhiệm của các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp tuân thủ đúng yêu cầu của nước sở tại, làm đúng với hướng dẫn của các cơ quan chức năng thì nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại sẽ ít xảy ra. Thậm chí, kể cả khi bị kiện cũng có cơ hội gỡ bỏ. Do đó, thiết nghĩ, điều quan trọng là doanh nghiệp cần tránh tư duy “ăn xổi”, để một mặt không tiếp tay cho những hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp phòng vệ thương mại, mặt khác cũng phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để chúng ta phát hiện những hiện tượng, hành vi để xử lý ngay sớm, tránh để ảnh hưởng tới ngành sản xuất trong nước và các doanh nghiệp chân chính.
Gian lận xuất xứ không chỉ khiến hàng Việt Nam khó khăn do mất thị phần ở một thị trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất uy tín ở nhiều thị trường khác. Hội nhập đã và đang tạo ra một “miếng bánh” thị phần hấp dẫn và lâu dài, không chỉ ở Mỹ mà còn rất nhiều thị trường khác. Do đó, doanh nghiệp cũng cần trang bị một hành trình làm ăn lâu dài bằng cách minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi. Có như vậy mới có thể tận dụng tối đa những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà có khi phải mất hàng chục năm mới đàm phán thành công.
Nguồn: Báo Công thương