Sáng 25/6, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, cùng đại diện các bộ, ngành và địa phương tại các điểm cầu. Dự tại điểm cầu Yên Bái có lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tại điểm cầu Yên Bái.
Tính đến 24/6/2020, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương là 7.427 tỷ đồng, đạt 13,1% so với dự toán được giao. Đối với việc giải ngân kế hoạch vốn 2019, hiện, các bộ, ngành, địa phương vẫn đang tiếp tục giải ngân theo kế hoạch. Theo đó, từ 1/1/2020 - 24/6/2020, tổng số giải ngân theo kế hoạch vốn 2019 là 7.198 tỷ đồng, trong đó số giải ngân của các bộ, ngành là 2.425 tỷ đồng và số giải ngân của các địa phương khoảng 4.773 tỷ đồng (xấp xỉ bằng số giải ngân theo kế hoạch vốn 2020).
Theo đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 dẫn đến các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi cũng gặp nhiều khó khăn, song với nỗ lực của các bộ, địa phương và các chủ dự án, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2020 vẫn cao gấp 3,6 lần so với mức cùng kỳ của năm 2019. Tuy nhiên, nếu so với kết quả giải ngân của nguồn vốn đầu tư công trong nước, thì tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài vẫn còn thấp (trong nước kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước khoảng 28,2%).
Đối với tỉnh Yên Bái, kế hoạch năm 2020 nguồn vốn nước ngoài tỉnh Yên Bái đã được UBND tỉnh phân bổ kịp thời cho các đơn vị chủ đầu tư để tổ chức thực hiện và giải ngân thanh toán cho các nhà thầu.
Tính đến 15/6/2020, nguồn vốn nước ngoài của tỉnh Yên Bái thuộc kế hoạch năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1706 ngày 29/11/2019 mới giải ngân được 94.942 triệu đồng, bằng 11,17% kế hoạch vốn đã giao.
Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi, thảo luận thẳng thắn để làm rõ những kết quả đạt được, trong đó nhấn mạnh vào khó khăn, tồn tại để xác định nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân. Trong đó, tập trung 3 nhóm về cơ chế chính sách; phân bổ nguồn vốn đầu tư, phân bổ chi tiết dự án, điều chỉnh vốn đầu tư trong các bộ, ngành; cách thức đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc triển khai dự án từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đến hợp đồng, giải ngân, thanh toán và đặc biệt là biện pháp cải cách thủ tục hành chính trong giải ngân rút vốn, việc phối kết hợp giữa các ban quản lý dự án, cơ quan chủ quản với Bộ Tài chính, nhà tài trợ để nâng cao sử dụng hiệu quả vốn vay nước ngoài.
Tiếp thu các kiến nghị của các bộ và địa phương, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tăng cường chỉ đạo rà soát đôn đốc; phối hợp giữa các bộ ngành để thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn vay.
Nguồn: Cổng TTĐT