Sau khi 4 nước ASEAN (Thái Lan, Singapore, Lào và Myanmar) thông báo hoàn tất thủ tục nội bộ phê chuẩn Nghị định thư thứ nhất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), ngày 16/6, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố đã hoàn tất các thủ tục pháp lý để nâng cấp hiệp định này kể từ khi hiệp định có hiệu lực ban đầu vào năm 2008 và là hiệp định thương mại đa phương đầu tiên của Nhật Bản.
Nghị định thư thứ nhất được Nhật Bản ký kết vào tháng 2/2019 và được các quốc gia thành viên ASEAN ký kết vào tháng 3 và tháng 4/2019; bao gồm các quy định về thương mại dịch vụ, di chuyển của doanh nhân và đầu tư chưa được đưa vào hiệp định năm 2008.
Với thông báo của Nhật Bản, Hiệp định AJCEP sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày 01/8 tới và sẽ cho phép gia tăng dòng chảy đầu tư và dịch vụ xuyên biên giới giữa Nhật Bản và 10 nước ASEAN.
Cụ thể, vào ngày 01/8/2020, AJCEP sửa đổi sẽ chỉ có hiệu lực với 5 quốc gia đã hoàn thành các thủ tục nội bộ cần thiết và đã thông báo cho các thành viên khác. Sáu quốc gia thành viên ASEAN còn lại là Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn tất các thủ tục và thực thi vào cuối năm nay. AJCEP sửa đổi là một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ ba của Nhật Bản (với tư cách một khối) sau Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) và Mỹ.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, mục tiêu của AJPEC sửa đổi là thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và ASEAN đang phát triển nhanh và tăng cường mối quan hệ hợp tác Nhật Bản - ASEAN.
Theo dữ liệu do Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tổng hợp, thương mại giữa Nhật Bản và ASEAN đứng ở mức 214 tỷ USD vào năm 2019, với nhập khẩu (108 tỷ USD) vượt quá xuất khẩu (106 tỷ USD), giảm so với tổng số 226,5 USD tỷ USD năm 2018. Thương mại với Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) đứng ở mức 334 tỷ USD vào năm 2019 và trao đổi thương mại với Mỹ trị giá 219 tỷ USD. Nghị định thư sửa đổi AJCEP có sự liên quan đặc biệt đối với ba quốc gia - Lào, Myanmar và Campuchia – là những nước hiện không có các hiệp định thương mại tự do song phương với Nhật Bản. Năm 2019, thương mại với Nhật Bản đối với các quốc gia này chiếm hơn 4,6 tỷ USD, tương đương 2,1% tổng thương mại của ASEAN. Nghị định thư cũng bao gồm các quy tắc và cam kết tự do hóa từ các nước ASEAN không có trong các hiệp định đối tác kinh tế song phương và các hiệp định liên quan được ký kết giữa Nhật Bản và các quốc gia thành viên ASEAN.
Điều này có nghĩa là, ví dụ, ở Myanmar, vốn đầu tư của Nhật Bản có thể được triển khai trong các ngành vận tải, truyền thông, tài chính và xây dựng, và các công ty nước ngoài cũng sẽ được phép tăng cổ phần của mình trong các công ty trong nước vượt quá 35% hiện đang cần để hoạt động như một công ty địa phương. Tại Indonesia, tự do hóa sẽ liên quan đến các ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống và lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong khi Lào sẽ chứng kiến sự mở cửa dần dần của ngành công nghiệp cho thuê thiết bị. Các điều khoản khác bao gồm các công cụ giải quyết tranh chấp cho tranh chấp giữa các nhà đầu tư và nhà nước, đồng thời kêu gọi sự minh bạch của chính phủ khi từ chối đơn xin đầu tư nước ngoài cho một hoạt động kinh doanh mới.
ASEAN luôn là một khu vực thu hút sự quan tâm của Nhật Bản. Tính đến năm 2018, có khoảng 13.000 công ty Nhật Bản hoạt động trong khu vực này và hơn 200.000 công dân Nhật Bản sống và làm việc trong khối 10 quốc gia ASEAN. Các sự kiện quốc tế gần đây như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 thậm chí còn liên quan nhiều hơn đến ASEAN với tư cách là cơ sở sản xuất và xuất khẩu cho các công ty Nhật Bản.
Trong số các biện pháp của gói 992 tỷ USD cứu trợ đại dịch được Chính phủ Nhật Bản công bố vào tháng 4/2020 - tương đương khoảng 2,7 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia - có một quỹ hỗ trợ kinh tế trị giá khoảng 2,4 tỷ USD để giúp cho các doanh nghiệp Nhật Bản đưa sản xuất từ Trung Quốc trở lại Nhật Bản, hoặc dịch chuyển sang các nước khác ở Đông Nam Á. Động thái này nhằm giảm rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai trong trường hợp có một sự kiện “thiên nga đen” khác.
AJCEP sửa đổi cũng có lợi cho Nhật Bản trong việc giúp các công ty dễ dàng thiết lập các căn cứ ở các quốc gia ASEAN khác nhau và di chuyển các thành phần và sản phẩm qua biên giới như thể đó là một chuỗi lắp ráp xuyên quốc gia. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai vào ASEAN năm 2017 với 13,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Nguồn: Báo Công thương