Mấy ngày qua, giá heo hơi trong nước hạ nhiệt xuất phát từ thông tin heo hơi nhập khẩu từ Thái Lan. Heo hơi nhập khẩu thực tế có giúp bình ổn thị trường hay gây lại thêm bất ổn thị trường trong thời gian sắp tới?
Không kiểm soát giá
Ngày 18/6/2020, giá heo hơi trên toàn thị trường tiếp tục trên đà giảm, nhưng giá vẫn neo ở mức cao. Tại khu vực miền Nam, giá heo hơi giảm nhẹ so với hôm qua, mức giảm bình quân từ 2.000 -3.000 đồng/kg, dao động quanh mức 85.000 - 88.000 đồng/kg. Cụ thể, tại thị trường tỉnh Bạc Liêu, giá heo hơi giảm 2.000 đồng/kg, xuống mức 85.000 đồng/kg; tại Bến Tre giá heo giảm 3.000 đồng/kg, còn 85.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu giá heo hơi giao động từ 87.000 - 88.000 đồng/kg. Giới chăn nuôi heo và kinh doanh thịt heo ở khu vực miền Đông Nam bộ nhận định, giá heo hơi trong những ngày qua giảm do thông tin heo hơi nhập khẩu từ Thái Lan đã tác động đến giá heo hơi trong nước.
Heo hơi nhập khẩu sẽ cạnh tranh với heo hơi trong nước về giá |
Theo Bộ NN&PTNT, ngày 17/6, đã 500 con heo hơi đầu tiên nhập khẩu từ Thái Lan qua cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Lô hàng với 500 con heo này sẽ được đưa về huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An để cách ly, sau đó giết mổ và cung cấp cho thị trường. Việc cho phép nhập khẩu heo sống từ Thái Lan từ ngày 12/6/2020 là nhằm mục đích góp phần tăng nguồn cung thịt heo ra thị trường. Ngoài heo hơi thương phẩm, tính từ đầu tháng 5/2020 đến nay, đã có 3 đợt nhập khẩu heo giống từ Thái Lan về Việt Nam, số lượng khoảng 2.000 con heo giống, heo bố mẹ nhằm góp phần tăng đàn heo trong thời gian tới.
Đại diện Chi cục Thú y vùng 3 (Cục Thú y) cho biết, hiện tại có khoảng 15 doanh nghiệp (DN) đăng ký nhập khẩu heo hơi thương phẩm từ Thái Lan, trong đó 8 DN đủ điều kiện nhập khẩu với số lượng dự kiến hơn 1,9 triệu con. Heo hơi nhập từ Thái Lan về Việt Nam, các cơ quan thú y sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN nhập khẩu. Cục Thú y chỉ quản lý kỹ thuật về an toàn dịch bệnh, điều kiện vệ sinh thú y, còn về giá heo hơi nhập khẩu do các DN kinh doanh định giá.
Hiện tại một số DN chăn nuôi heo lớn trong nước đang bán heo hơi theo giá chỉ đạo của Chính phủ là 80.000 - 81.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường tự do là 86.000 - 88.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đối với DN nhập khẩu heo hơi về Việt Nam, trong các văn bản cho phép nhập khẩu heo hơi, không thấy đề cập đến việc khống chế giá bán theo giá chỉ đạo, mặc dù các DN nhập khẩu này nhận được khá nhiều ưu ái của Nhà nước, trong đó có cắt giảm thuế nhập khẩu.
Giải pháp nhập khẩu heo hơi từ nước ngoài nhằm góp phần kéo giảm giá thịt heo trong nước đang có nhiều ý kiến trái chiều, không ít ý kiến băn khoăn về mức độ rủi ro sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chăn nuôi heo trong nước.
Nhiều rủi ro về heo hơi nhập khẩu
Theo giới chăn nuôi heo, trong điều kiện thiếu hụt lượng thịt heo trong nước như hiện nay, việc nhập khẩu heo hơi sẽ tạo thêm nguồn cung, góp phần giảm áp lực thịt heo giá cao trên thị trường. Song heo hơi nhập khẩu mang nhiều rủi ro lớn về lây lan dịch bệnh nếu không được giám sát nghiêm ngặt trong thời gian cách ly 30 ngày, đặc biệt đối với dịch tả heo châu Phi hiện chưa được kiểm soát hoàn toàn ở khu vực.
Chưa hết, người dân và DN chăn nuôi trong nước mới là nguồn cung thịt heo bền vững góp phần an ninh thực phẩm cho quốc gia, mặc dù họ phải chịu nhiều rủi ro do biến động thị trường, thiệt hại do dịch bệnh và sản xuất theo nguyên tắc lấy lời bù lỗ. Việc nhập khẩu heo hơi mặc dù mang tính tình thế đối với các quan quản lý nhà nước, nhưng cũng cần phải tính đến sự ổn định bền vững và vai trò các bên trong phát triển kinh tế xã hội.
“Không áp giá bán chỉ đạo đối với heo thương phẩm nhập khẩu, trong khi quy định giá bán đối với 15 DN chăn nuôi lớn là điều thiếu công bằng đối với người chăn nuôi trong nước và việc quy định này đang gây hệ lụy không nhỏ trong quản lý con người và hoạt động bán hàng”, đại diện một DN chăn nuôi heo ở Đồng Nai chia sẻ.
Người tiêu dùng mong muốn giá thịt heo xuống thấp để có thêm lựa chọn cho bữa cơm gia đình |
Nhiều DN chăn nuôi lo ngại, các thủ tục về kiểm dịch heo thịt thương phẩm nhập khẩu rất lỏng lẻo so với kiểm dịch heo giống nhập khẩu. Cụ thể, heo giống nhập khẩu phải cách ly 45 ngày, các yêu cầu về nhà sản xuất cung cấp giống nhập khẩu rất khắt khe, trong khi heo thịt thương phẩm nhập khẩu chỉ cách lý 4 ngày đối với heo giết mổ và cách ly 14 ngày đối với heo choai (dưới 50 kg/con) có thời gian nuôi dài ngày và lưu thông rộng rãi khắp cả nước.
Tiến sĩ Kiều Minh Lực - chuyên gia di truyền giống - cho rằng, cùng với khâu kiểm soát, kiểm dịch chặt chẽ heo sống nhập khẩu của các cơ quan quản lý, DN nhập khẩu cần phải chứng minh khả năng về cơ sở chuồng trại, trang thiết bị đảm bảo cho việc nuôi giữ trong thời gian cách ly và tiêu thụ heo sống. Heo choai thương phẩm nuôi để giết thịt bắt buộc phải thực hiện các các thủ tục kiểm dịch theo Luật Thú y của Việt Nam như đối với heo giống, vì loại heo này có thời gian nuôi dài ngày và mức độ lưu thông rộng rãi trong nước sau khi nhập vào Việt Nam.
Để bình ổn giá thịt heo và ngành chăn nuôi phát triển bền vững, theo ông Lực, việc một số địa phương hỗ trợ kinh phí để mua con giống trong nước xem ra là kém hiệu quả, bởi vì lượng con giống trong nước hiện tại có giới hạn và rất thiếu, do nhiều người chăn nuôi có nhu cầu mua con giống. Vì thế, việc hỗ trợ này sẽ gây ra những bất ổn, không làm tăng nguồn con giống và khả năng tái đàn của người dân mà nên hỗ trợ để nhập khẩu con giống có hiệu quả tốt hơn.
Mặt khác Nhà nước nên miễn phí cho tất cả các thủ tục thú y và xét nghiệm đối với heo giống vận chuyển trong nước; bên cạnh đó cần quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai để người chăn nuôi hiện tại không đảm bảo vệ sinh thú y và môi trường có điều kiện phát triển chăn nuôi heo đảm bảo an toàn sinh học.
“Thực tế giá heo hơi hiện đã chạm trần sức chịu đựng của người tiêu dùng, sức tiêu thụ đã giảm, dẫn đến giá heo giảm. Do vậy, có thể kéo dài thời gian nuôi, trọng lượng xuất chuồng sẽ lớn hơn và sẽ làm tăng sản lượng thịt heo đáng kể trong ngắn hạn khi điều kiện tăng đầu con còn hạn chế. Tuy nhiên, Nhà nước cần bỏ giá heo hơi chỉ đạo đối với các DN để tạo sự bình đẳng, tiếp thêm động lực cho người chăn nuôi trong nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh”, ông Lực phân tích thêm.
Nguồn: Báo Công thương