Bạn đang ở đây

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2020

05/06/2020 09:53:01

5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn tăng mạnh cả về lượng và giá trị. Dự báo giá xuất khẩu tinh bột sắn vẫn ở mức thấp do nhu cầu yếu từ Trung Quốc. Trong khi đó giá xuất khẩu sắn lát có thể tăng trong ngắn hạn khi nhu cầu hỏi mua của Trung Quốc tăng và tồn kho nội địa đạt thấp.        

Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 5/2020 ước đạt 225 nghìn tấn với giá trị 78 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1,27 triệu tấn tương đương với 436 triệu USD; tăng 20% về khối lượng và tăng 7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 342 USD/tấn, giảm 11% so với cùng kì năm trước.

Xét về cơ cấu sản phẩm, trong 5 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu sắn lát ước đạt 375 nghìn tấn, tương đương 83 triệu USD, tăng 72% về lượng và 88,5% về giá trị so với cùng kì năm trước. Giá xuất khẩu sắn lát bình quân 5 tháng ở mức 222 USD/tấn, tăng 9,5% so với cùng kì năm trước. Về mặt hàng tinh bột sắn, xuất khẩu ước đạt 900 nghìn tấn với giá trị 352 triệu USD, tương đương tăng 6,6% về lượng và giảm 3,2% về giá trị so với cùng kì năm 2019. Giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn đạt 391,3 USD/tấn, giảm 9,2% so với cùng kì năm trước do giai đoạn tháng 5 và tháng 6 lại là thời điểm nhu cầu tiêu thụ tinh bột sắn Trung Quốc giảm nhẹ.

xuat khau san va cac san pham san tang manh trong 5 thang dau nam 2020
5 tháng 2020, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn tăng mạnh

Hiện, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực trong những tháng đầu năm 2020. Tính đến thời điểm hiện tại, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến ngành sắn Việt Nam đã không còn nặng nề như trong những tháng quý I/2020. Cụ thể tổng sản lượng xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc 4 tháng đầu năm 2020 đạt 959,2 nghìn tấn, tương tương với 324,7 triệu USD, tăng 15% về sản lượng và tăng 1,4% về giá trị so với cùng kì năm 2019. Tuy nhiên, xuất khẩu sắn lát của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 4/2020 giảm mạnh 22% xuống còn 54,3 nghìn tấn so với tháng 3/2020 do giá cồn tại Trung Quốc chịu áp lực giảm từ sự suy yếu của giá dầu và giá cồn thế giới.

Malaysia và Đài Loan cũng tăng mạnh nhập khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay, cụ thể xuất khẩu sang Malaysia đạt 17 nghìn tấn tương đương 7 triệu USD, tăng 82,5% về sản lượng và 73,4% về giá trị so với cùng kì năm 2019. Xuất khẩu sang Đài Loan đạt 14,7 nghìn tấn với giá trị 6 triệu USD, tăng 52,5% về lượng và 37,4% về giá trị so với cùng kì năm ngoái.

Tại thị trường nội địa, giá sắn lát tháng 5/2020 cũng tăng mạnh ở mức 2.900 - 2.950 đồng/kg do nguồn cung sắn nguyên liệu và lượng tồn kho đạt thấp, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu tăng cao. Thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài khiến nhiều diện tích sắn bị chết, buộc người dân phải trồng lại nên lượng sắn đưa về các nhà máy giảm. Bên cạnh đó, lượng sắn lát từ Campuchia đưa về Việt Nam cũng giảm do phía Campuchia hạn chế đưa hàng sang để chờ giá cao hơn và nhu cầu từ thị trường Thái Lan đang tăng.

Với tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt của Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua, dự kiến các cặp cửa khẩu biên mậu Việt - Trung có thể được mở cửa trở lại trong tháng 6 năm 2020. Đây là tín hiệu đang mừng cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói chung và ngành sắn nói riêng.

Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu sắn lát vẫn có nhiều triển vọng hơn trong thời gian tới khi giá ngô nội địa Trung Quốc tiếp tục xu hướng tăng do lượng tồn kho thấp và nhu cầu từ các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tăng, cộng thêm giá cồn từ ngô và sắn đang tăng mạnh trở lại trong bối cảnh nguồn cung cồn giao ngay đạt thấp nên các nhà nhập khẩu Trung Quốc có xu hướng mua sắn lát Việt Nam và Thái Lan nhiều hơn.

Trong khi đó, giá xuất khẩu tinh bột sắn đang có xu hướng giảm và dự báo vẫn ở mức thấp do giá bán phía Trung Quốc thấp hơn khi thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu tiêu thụ tinh bột sắn chậm lại. Nhiều nhà máy chế biến thực phẩm tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc phải giảm công suất hoặc tạm ngưng hoạt động do nhu cầu tiêu thụ bún, miến, phở giảm mạnh.

Nguồn: Báo Công thương