Bạn đang ở đây

Bình Định: Sức hút từ "vốn mồi"

12/05/2020 09:03:47

Từ 27,853 tỷ đồng “vốn mồi”, qua 7 năm (2014 - 2020) Khuyến công Bình Định đã thu hút tới 106,107 tỷ đồng vốn đối ứng từ các đối tượng thụ hưởng.    

Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến là 2 nội dung thu hút nhiều vốn đối ứng của các cơ sở sản xuất. Đây cũng là nội dung được Khuyến công Bình Định ưu tiên dành nguồn vốn cho triển khai. Số liệu từ Sở Công Thương Bình Định cho thấy, 7 năm qua, Khuyến công Bình Định đã thực hiện 122 đề án thuộc nội dung này, với tổng kinh phí hỗ trợ 14,135 tỷ đồng, chiếm 50,7% trong tổng kinh phí của cả giai đoạn. Các đề án được triển khai gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, sản xuất sản phẩm mới, nên kết quả đạt được rất thiết thực.

binh dinh suc hut tu von moi
Năng lực sản xuất hộ kinh doanh Trí Lực đã tăng đáng kể sau khi được hỗ trợ đầu tư máy móc

Tiêu biểu có thể kể tới, Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất đồ gỗ nội thất”, thực hiện tại hộ kinh doanh Trí Lực (huyện Tuy Phước). Với công suất khoảng 20 m3/phút, thiết bị mới được hỗ trợ đầu tư gồm máy bào 4 mặt, 5 trục dao, đã giúp tạo ra sản phẩm có độ đồng đều cao, có khả năng sản xuất hàng loạt. Từ đó, giúp tăng năng suất so với sản xuất thủ công, tận dụng nguồn nguyên liệu gỗ từ rừng trồng tại chỗ. Đặc biệt, sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng mang lại giá trị kinh tế cao.

Hay Đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung bê tông nhẹ AAC”, thực hiện tại Công ty Cổ phần gạch Tuynel Bình Định (huyện Tuy Phước). Với ưu điểm sản phẩm có kích thước lớn, trọng lượng nhẹ, cách nhiệt và âm tốt, độ bền cao… đây là dây chuyền sản xuất gạch AAC đầu tiên trên khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Hiện, dây chuyền thiết bị mới trong đề án đã vận hành ổn định, mang lại doanh thu khoảng 65 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho trên 42 lao động tại địa phương với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Theo đánh giá từ Sở Công Thương, nguồn vốn khuyến công của tỉnh những năm qua đã được đầu tư đúng hướng, có hiệu quả; giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới, từng bước nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, số cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đủ điều kiện triển khai đề án khuyến công không nhiều. Bên cạnh đó, do khó khăn về nguồn vốn nên nhiều cơ sở chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang bị máy móc, mở rộng sản xuất.

Hơn nữa, nguồn kinh phí chủ yếu từ ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn lực tài chính của các tổ chức tham gia vào hoạt động khuyến công nên mức hỗ trợ chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế. Nội dung triển khai đa dạng nên kinh phí hỗ trợ dàn trải, mức hỗ trợ thấp, chưa khuyến khích doanh nghiệp tham gia, thụ hưởng. Đặc biệt các đề án có quy mô nhỏ, rời rạc chưa tạo thành nhóm, không tạo được hiệu ứng lan tỏa và tác động mạnh tới doanh nghiệp.

Với những hạn chế được nhìn nhận rõ, Sở Công Thương đã xây dựng các giải pháp khắc phục giai đoạn 2021-2025. Theo đó, để tăng sức hút hơn nữa cho nguồn vốn khuyến công, bên cạnh nguồn kinh phí được phân bổ hàng năm, Sở Công Thương sẽ lồng ghép khuyến công với các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia khác nhằm tranh thủ nguồn vốn cho triển khai thực hiện. Đề xuất với UBND tỉnh tăng khoảng 20 - 25% kinh phí khuyến công từ nguồn ngân sách địa phương trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

Từ nguồn kinh phí này, Sở Công Thương tỉnh dự kiến triển khai sâu hơn các hoạt động trong nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất.

Bình Định khuyến khích cơ sở CNNT đầu tư sản xuất sản phẩm mới, áp dụng công nghệ mới; đánh giá, xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; ưu tiên chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất sản phẩm công nghiệp lợi thế của tỉnh.

Nguồn: Báo Công thương