Bạn đang ở đây

Ưu tiên xuất khẩu cho các doanh nghiệp đưa gạo vào cảng trước 24/3

23/04/2020 08:02:27

Bộ Công Thương sẽ làm việc với hải quan để giải quyết xuất khẩu gạo nếp, giải quyết các lô hàng gạo tẻ đưa về cảng trước 24/3, rồi đến các trường hợp đã mở tờ khai mà bị thất lạc và lượng hàng tồn trong kho của doanh nghiệp (DN). 

Sáng 22/4/2020, tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã chủ trì buổi làm việc của Đoàn kiểm tra liên ngành với một số cơ quan có liên quan và một số thương nhân xuất khẩu gạo để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Khẳng định tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: nguyên tắc là DN nào đưa gạo đến cảng trước thì ưu tiên cho xuất trước. Giải quyết được lô nào thì giải quyết ngay để giảm thiểu khó khăn cho DN.

uu tien xuat khau cho cac doanh nghiep dua gao vao cang truoc 243
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chủ trì buổi làm việc ngày 22/4

Gấp rút giải quyết hàng tồn đọng tại các cảng

Theo ý kiến của các địa phương và DN gạo nêu tại buổi làm việc, vấn đề cần làm ngay bây giờ là sự phối hợp của các Bộ, ngành để giải quyết số hàng còn tồn đọng ở các cảng trên cả nước. Ông Trương Quang Hoài Nam - Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đề xuất: chúng ta cần ưu tiên số 1 cho DN xuất khẩu iếp tục mở tờ khai thông quan với những hàng đang nằm tại cảng.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, tỉnh Đồng Tháp nhất trí theo hướng giải quyết hàng tồn tại cảng và hàng tại các DN. Ngoài ra, phần lớn DN đề xuất bỏ hạn ngạch xuất khẩu như hiện nay để tránh sự ách tắc trong xuất khẩu.

Đại diện cho hơn 90 thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo trong Hiệp hội, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - cho rằng: Tại cuộc họp 26/3 các DN gạo đã bày tỏ sự đồng tình, sẵn sàng chịu thiệt để chung tay cùng Chính phủ trong việc đảm bảo an ninh lương thực trước bối cảnh dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên khi Chính phủ có quyết định cho xuất khẩu gạo trở lại thì lại gặp ách tắc từ hải quan, dẫn đến thiệt hại nhiều cho các DN.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Nam, trong bối cảnh mới hiện nay, chúng ta đã đảm bảo được an ninh lương thực, vụ hè thu sắp thu hoạch nên Hiệp hội kiến nghị Bộ Công Thương tham mưu cho xuất khẩu gạo bình thường trở lại.

Là DN đã liên tiếp gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ xin giải cứu cho gạo ách tắc, ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An nhấn mạnh: Chúng ta nên bàn vai trò, tinh thần trách nhiệm của Bộ Tài chính, ngành hải quan. Phải làm sao giải phóng ngay những lượng hàng đang tồn đọng ở cảng. Doanh nghiệp tôi chỉ có 3.000 tấn thôi nhưng các DN rất nhiều, như vậy là thiệt hại vô cùng lớn. “Tại sao khi có quyết dịnh dừng xuất thì có thông báo công khai dừng còn khi có hạn ngạch lại không có công khai về thời gian mở lại hệ thống?”- ông Bình đặt câu hỏi.

Mong mỏi hàng được thông quan nhanh chóng để giảm thiệt hại, ông Trần Hồ Hiền - giám đốc Chi nhánh Công ty CP Lương thực Bình Định (Bidifood) - cho biết, gần 10.000 tấn gạo công ty này đưa đến cảng Mỹ Thới trước ngày 24/3 vẫn chưa thể xuất khẩu vì tờ khai hải quan bỗng nhiên bị mất trên hệ thống. "Công ty chúng tôi có nguy cơ sụp đổ. Đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính giải oan cho chúng tôi", ông Hiền bức xúc bày tỏ.

uu tien xuat khau cho cac doanh nghiep dua gao vao cang truoc 243
Các lô hàng gạo nếp của Công ty TNHH Dương Vũ (Long An) đã được khử trùng và sẵn sàng chờ lệnh được thông quan để lên tàu xuất đi

Ưu tiên cho các DN đưa hàng vào cảng trước 24/3

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, việc điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua có gây ra những khó khăn cho DN nhưng đây là tình huống bị ảnh hưởng bởi an ninh lương thực, dịch bệnh và xâm ngập mặn phức tạp. Tới nay, theo ý kiến của các địa phương ĐBSCL khẳng định vụ Đông Xuân được mùa lớn, vụ Đông Xuân ở phía Bắc cũng bắt đầu thu hoạch, không có sâu bệnh như e ngại trước đó. Vì vậy, vấn đề an ninh lương thực hiện nay cần nhìn ở góc độ mới so với cách đây một tháng. Vì thế Bộ Công Thương sẽ đề xuất điều chỉnh cơ chế điều hành xuất khẩu gạo tháng 5 và thời gian tới để báo cáo Chính phủ.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, trước mắt Bộ Công Thương sẽ làm việc với hải quan để giải quyết xuất khẩu gạo nếp, giải quyết các lô hàng gạo tẻ đưa về cảng trước 24/3, rồi đến các trường hợp đã mở tờ khai mà bị thất lạc rồi đến lượng hàng tồn trong kho của DN. Nguyên tắc là DN nào đưa gạo đến cảng trước thì ưu tiên cho xuất trước. Giải quyết được lô nào thì giải quyết ngay để giảm thiểu khó khăn cho DN.

Riêng với vấn đề của công ty Bidifood, ngay tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã đề nghị ông Mai Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan hỗ trợ thông quan cho Bidifood và các trường hợp tương tự vì các DN ở trường hợp này đang chịu quá nhiều thiệt thòi. “Đề nghị hải quan tính lượng xuất khẩu của các DN này vào 100.000 tấn ứng thêm trong lượng xuất khẩu thêm tháng 4. Tôi xin chịu trách nhiệm cá nhân cho đề nghị này vì không để DN thiệt hại thêm nữa", Thứ trưởng Khánh khẳng định.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Mai Xuân Thành - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - cho biết:

Phía hải quan đã cùng Bộ Công Thương rà soát các số liệu về hàng tồn đọng tại cảng. Tuy nhiên do VFA lại gửi thông tin số liệu tới 3 lần, mỗi lần 1 số khác nhau, lúc thì 144 ngàn tấn, lúc thì dưới 300 ngàn tấn nên hải quan không biết dựa vào số liệu nào cho chuẩn. Do đó, hải quan muốn hiệp hội cung cấp sớm nhất có thể về số liệu tồn container ở cảng nào, từ đó đối soát chuẩn và có phương án điều hành. Liên quan đến vấn đề xuất khẩu gạo nếp, ngay trong sáng 22/4 phía hải quan cũng đã chỉ đạo các tỉnh làm thủ tục thông quan cho các lô hàng tại cảng.

Nguồn: Báo Công thương