Có lẽ, câu chuyện xuất khẩu (XK) gạo tuần qua không thể “trọn một ngày vui” và bỗng trở nên “loạn nhịp” trước những phát sinh từ thực tế. Những tranh cãi không đáng có liên quan đến XK gạo đều xuất phát từ việc chưa có sự phối hợp “nhịp nhàng” giữa các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị kỹ cho những tình huống được coi là bất thường này. Nhưng, cần khẳng định rằng, điều hành XK gạo trong thời gian qua đã được Bộ Công Thương thực hiện minh bạch và rõ ràng, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, người trồng lúa và an ninh lương thực quốc gia.
Bài 1: Nghị định 107/2018/ NĐ-CP - Cắt giảm các điều kiện bó buộc, mở cơ hội cho gạo Việt ra thế giới
Không cần đăng ký với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hay với Bộ Công Thương, doanh nghiệp chỉ cần làm tờ khai tại cơ quan hải quan là có thể xuất khẩu (XK) gạo… đó là một trong những điểm đáng lưu ý của Nghị định 107/2018/NĐ-CP (Nghị định 107) về kinh doanh XK. Sau hơn 1 năm có hiệu lực, Nghị định đã mở rộng cánh cửa cho gạo Việt Nam ra thị trường thế giới.
Bước ngoặt cho XK gạo
Là quốc gia có thế mạnh về XK gạo, nhiều năm qua, Chính phủ và các Bộ ngành đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động XK mặt hàng này phù hợp với từng giai đoạn. Nhìn về giai đoạn năm 2010 trở về trước, khi đó có quá nhiều doanh nghiệp kinh doanh, XK gạo; có những doanh nghiệp chỉ XK ½ container gạo hoặc 500kg gạo cũng gọi là doanh nghiệp XK gạo; cùng với đó là tình trạng tranh mua, tranh bán, ép giá nông dân. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm liền và để lập lại trật tự trong ngành gạo, năm 2011, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định 109/2011/CP/NĐ-CP (Nghị định 109) về kinh doanh XK gạo.
Nghị định 109 ra đời, với việc yêu cầu đăng ký hạn ngạch XK, yêu cầu doanh nghiệp có kho bãi… đã góp phần ổn định giá lúa gạo nội địa, không còn cảnh tranh mua, tranh bán giữa các doanh nghiệp tại thời điểm đó. Tuy nhiên, 7 năm sau đó, đến giai đoạn ngành lúa gạo của Việt Nam đã lớn mạnh thì vai trò lịch sử của Nghị định 109 cũng đã kết thúc. Việc thay thế nghị định này bằng Nghị định 107 được đánh giá là bước tiến cần thiết.
Nghị định 107 đã được Bộ Công Thương xây dựng với mục tiêu tạo bước tiến mới về thể chế theo hướng mở, xây dựng thể chế kiến tạo, minh bạch, tạo thuận lợi cho thương nhân khi gia nhập thị trường XK gạo, nhằm phát triển ổn định, bền vững ngành sản xuất, XK gạo, nâng cao tính cạnh tranh của thương nhân và của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới. Ngày 15/8/2018, Nghị định 107 chính thức được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Theo đó, Nghị định 107 đã có hàng loạt điểm mới như không bắt buộc thương nhân kinh doanh XK gạo phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo, mà có thể thuê các cơ sở này để đáp ứng điều kiện kinh doanh; Không quy định quy mô kho chứa lúa, gạo, công suất cơ sở xay xát, chế biến, không bắt buộc phải có dây chuyền xay lúa; Xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo thuận lợi cho XK các mặt hàng có chất lượng, giá trị cao… Thương nhân chỉ cần có cơ sở xay sát và có kho chứa (có thể đi thuê) theo quy định sẽ được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo.
Đặc biệt, Nghị định cũng bãi bỏ quy định thủ tục bắt buộc thương nhân phải đăng ký hợp đồng XK gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Doanh nghiệp cũng không cần phải đăng ký hoặc xin giấy phép XK gạo với Bộ Công Thương mà chỉ cần khai tờ khai hải quan tại cơ quan hải quan, tự XK và chịu trách nhiệm với hợp đồng của mình. Điều này đã tạo điều kiện tối đa cho nhiều đối tượng cùng được tham gia XK gạo.
Với những tháo gỡ kịp thời, đặt lợi ích doanh nghiệp và hiệu quả XK gạo lên trên hết, Nghị định 107 đã được cộng đồng doanh nghiệp XK gạo đánh giá rất cao. Sau hơn 1 năm thực thi Nghị định này với những cải cách, tư duy mới, Bộ Công Thương đã cấp thêm 47 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo, nâng con số thương nhân XK gạo lên 182 thương nhân, góp phần đưa những “hạt ngọc trời” của Việt Nam với chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Nghị định 107 cũng được cộng đồng DN đánh giá là giúp xóa bỏ những rào cản đã từng làm khó các DN kinh doanh XK gạo trong một thời gian khá dài, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, thương nhân đưa gạo Việt ra thị trường thế giới; tạo sự công bằng và cơ hội cho thương nhân, DN, nhất là đối với những DN XK nhỏ và siêu nhỏ; góp phần thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu sản xuất ngành lúa gạo Việt Nam, hướng tới nâng cao chất lượng, giá trị cho hạt gạo XK và xây dựng một nền XK bền vững...
Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Với vai trò quản lý nhà nước được quy định rõ tại Nghị định 107, đối với công tác xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã chủ trương đa dạng hóa, đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại mặt hàng gạo, chú trọng các thị trường trọng điểm, truyền thống, mới, tiềm năng và theo từng chủng loại gạo đặc thù, góp phần giúp các thương nhân Việt Nam tìm kiếm, xây dựng quan hệ giao thương bền vững với các đối tác nước ngoài có uy tín, đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định, mang tính lâu dài.
Mới đây, Trong khuôn khổ tham vấn song phương với Hàn Quốc về việc nước này thuế hóa mặt hàng gạo trong khuôn khổ WTO, Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc: Thỏa thuận nhiều bên giữa Hàn Quốc và 05 đối tác WTO (gồm Australia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan, và Việt Nam), về việc phân bổ hạn ngạch thuế quan và Thư trao đổi song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc về phân bổ hạn ngạch thuế quan. Như vậy, kể từ ngày 1/1/2020, bên cạnh việc phân bổ 20.000 tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo.
Hoặc, sau một thời gian dài đàm phán, FTA Việt Nam - EU (EVFTA) được Nghị viện châu Âu thông qua mới đây là cơ hội rất lớn để đa dạng hóa thị trường cho gạo XK. Việc có mặt ở một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất thế giới cũng là cơ hội cho gạo Việt Nam quảng bá thương hiệu và vào được nhiều thị trường khác. Khi EVFTA có hiệu lực sẽ mở hạn ngạch khoảng 40.000 tấn gạo (trong tổng số 85.000 tấn hạn ngạch theo cam kết).
Dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động ngoại thương, song gạo vẫn là một trong các mặt hàng của nước ta giữ vững được kim ngạch XK với mức tăng kim ngạch gần 20% trong quý đầu của năm 2020. Với quan điểm điều hành tạo thuận lợi cho XK, song vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong nước, hoạt động XK gạo được kỳ vọng sẽ tiếp tục lập được thành tích mới trong thời gian tới.
Nghị định 107 cũng được cộng đồng DN đánh giá là giúp xóa bỏ những rào cản đã từng làm khó các DN kinh doanh XK gạo trong một thời gian khá dài, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, thương nhân đưa gạo Việt ra thị trường thế giới; tạo sự công bằng và cơ hội cho thương nhân, DN, nhất là đối với những DN XK nhỏ và siêu nhỏ; góp phần thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu sản xuất ngành lúa gạo Việt Nam, hướng tới nâng cao chất lượng, giá trị cho hạt gạo XK và xây dựng một nền XK bền vững... Nguồn: Báo Công thương |